Nữ bệnh nhân 18 tuổi, quê Quảng Bình, hiện đang học tại quận Cầu Giấy, Hà Nội. 2 ngày trước khi vào viện, cô gái trẻ bị sốt, ý thức lơ mơ, nôn, đau đầu.
Nghĩ bị sốt xuất huyết, cô gái điều trị 1 ngày tại một bệnh viện gần nhà sau đó được chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới TƯ.
BS Trần Thị Hải Ninh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Bệnh nhiệt đới TƯ cho biết, khi đến viện, cô gái đã bị cứng cổ, ban xuất huyết hoại tử vùng ngực, bụng, đùi.
|
Bệnh nhân mắc viêm não có những vết hoại tử trên da điển hình. |
Bệnh nhân được chỉ định chọc dịch não tủy xét nghiệm. Kết quả chẩn đoán mắc viêm não mô cầu, nhiễm khuẩn huyết. Ngay lập tức, bệnh nhân được cách ly, chuyển sang cơ sở 2 tại Đông Anh để điều trị.
Đây là ca viêm não mô cầu đầu tiên ở Hà Nội trong năm nay. Ngay sau đó, Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội đã cử cán bộ đến điều tra dịch tễ, lập danh sách những người tiếp xúc để theo dõi, cách ly và uống kháng sinh dự phòng. Đến nay, ổ dịch đã được khống chế.
PGS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện cho biết, do bệnh nhân nhập viện sớm, điều trị kịp thời nên sau 4 ngày cách ly, bệnh nhân đã được xuất viện.
PGS Kính cho biết, so với sốt xuất huyết, viêm não mô cầu là bệnh nguy hiểm hơn nhiều, lây qua đường hô hấp.
Với viêm não mô cầu, bệnh nhân có thể sốt cao đột ngột giống như sốt xuất huyết, nhưng có chấm xuất huyết hoại tử hình sao, rất đặc trưng.
Bên cạnh đó, người bệnh còn có các hội chứng màng não (đau đầu, cổ cứng…) trong khi người bệnh sốt xuất huyết chỉ mệt, lờ đờ. Bệnh nhân cũng có thể bị sốc ngay từ ngày đầu trong khi với bệnh sốt xuất huyết thường là từ ngày thứ 4 trở đi.
Có thể tử vong trong 24 giờ
Khác với viêm não thông thường do virus gây ra, viêm não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria Meningtidis gây nên.
Vi khuẩn gây bệnh trú ngụ trong hầu họng với 6 type cơ bản là A, B, C, W135, X, Y. Tại Việt Nam hay gặp nhất là type A, B.
Bệnh thường xuất hiện rải rác quanh năm, nhưng xuất hiện nhiều vào mùa xuân. Tại Hà Nội, trung bình mỗi năm khoảng 5-7 ca.
Đây là căn bệnh tuy ít gặp nhưng bệnh nguy hiểm, lây lan rất nhanh thông qua đường hô hấp do hít phải các giọt bắn của dịch tiết hô hấp có chứa mầm bệnh từ người bị nhiễm trùng ở giai đoạn phát bệnh hoặc ủ bệnh.
Bệnh cũng có thể lây gián tiếp qua tiếp xúc trên da hay qua đồ dùng, dụng cụ hàng ngày như ly, bát, điện thoại...
Nhóm tuổi nguy cơ mắc bệnh cao nhất là trẻ em từ 2,5-3 tuổi và nhóm thanh thiếu niên từ 14-20 tuổi.
Đây là căn bệnh diễn tiến nhanh, với người khỏe mạnh có thể tử vong trong vòng 24 giờ kể từ khi có biểu hiện bệnh. Thông thường sau vài tiếng nhiễm bệnh, bệnh nhân đã có thể sốc nhiễm khuẩn.
Viêm não mô cầu có nhiều thể bệnh, trong đó thể nặng nhất là nhiễm trùng huyết tối cấp với 80% bệnh nhân tử vong, ở thể viêm màng não mủ có tỉ lệ tử vong từ 30-40%.
Ngay cả khi bệnh được chẩn đoán sớm và điều trị tích cực từ khi bắt đầu, thì vẫn có 5% - 10% bệnh nhân tử vong, thường trong vòng 24-48 giờ sau khi khởi phát triệu chứng.
Tiêm vắc xin là cách phòng tránh tốt nhất. Ngoài ra người dân cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, họng bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường.
Theo Thúy Hạnh/Vietnamnet