Mặc thêm vải có hết tình trạng quấy rối tình dục?

Google News

Đàn ông nên biết rằng, dù cho phái nữ có mặc đồ táo bạo đến thế nào, nó vẫn không phải là lời mời gọi tình dục.

Mỗi lần nghe thấy ai đó nói “làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu”, tôi lại cảm thấy sợ hãi. Câu nói này được người lớn buông ra nhẹ bẫng, như kiểu đây là điều hiển nhiên trong cuộc sống.
"Bạn mặc gì khi chuyện ấy xảy ra?"
Tôi tin rằng, hành vi quấy rối tình dục sẽ không dừng lại, nếu tất cả những gì ta làm là mặc thêm vải.
Niềm tin “không có lửa làm sao có khói” đã áp đặt rằng khi một người bị lạm dụng, thì chắc hẳn họ đã ăn mặc, nói năng, đi đứng theo kiểu “mời gọi”.
Đúng thật là không có lửa thì không thể có khói, nhưng thật sự ai mới là lửa?
Tôi không thoải mái khi mặc đồ phong phanh ra ngoài đường, cho dù thời tiết nóng tận 40 độ C. Tôi cảm nhận được rằng, những nơi nào không có vải sẽ đều bị những cặp mắt soi mói “dán” lên.
Hồi bé, chắc khoảng cuối cấp 1, tôi suýt bị lạm dụng khi đi trung tâm thương mại. Lúc ấy là mùa hè, tôi mặc một chiếc quần jean ngắn, ngồi trong nhà sách đọc Conan. Có một anh thanh niên đến và nói có kiến chui vào quần tôi, tôi hãy đi theo anh vào nhà vệ sinh để anh lấy nó ra.
Tôi đã nghe lời răm rắp, đi theo anh ta một đoạn, dù trong đầu biết anh ta có ý định xấu. Mãi đến sát cửa nhà vệ sinh, tôi bỏ chạy. Tôi vẫn còn nhớ đã quay trở lại hiệu sách thật nhanh, gọi em đi tìm mẹ. Tôi vẫn nhớ khuôn mặt ngơ ngác của em tôi khi bị giục rời đi, vì trước đó 5 phút hai chị em đang bình thản nhâm nhi sách.
Từ lần đó, tôi không mặc lại chiếc quần jean ấy nữa, kể cả khi mẹ khen nó đẹp.
Sự thật là, dù tôi có mặc đồ kín cổng cao tường thì họ vẫn dòm ngó và những câu bông đùa kiểu “em ơi đi đâu thế?!” vẫn được nói ra.
Ở Bỉ và nhiều quốc gia đã có những triển lãm lấy câu hỏi “Bạn mặc gì khi bị xâm hại tình dục” làm nguồn cảm hứng. Nếu bạn tới đó, sẽ gặp đủ những bộ trang phục mà nạn nhân của các vụ tấn công đã mặc khi chuyện ấy xảy ra.
Mọi loại trang phục thường ngày như quần jean và áo thun, nhiều loại đồng phục làm việc, và thậm chí có cả chiếc bỉm.
Mac them vai co het tinh trang quay roi tinh duc?
 

Vì là chiếc bỉm nên người mặc chắc chắn là một em bé. Em ấy có thể “quyến rũ” như thế nào? Em ấy có khả năng chống cự mạnh mẽ đến đâu?
Các buổi triển lãm cho thấy một điều rất rõ ràng rằng, trang phục nạn nhân mặc không phải là lời mời gọi cho hành vi biến thái.
Và kể cả khi bộ quần áo có phong phanh, việc có “hành động thể hiện sự quan tâm, quý mến” cũng là phạm pháp nếu không có đồng thuận giữa đôi bên.
Khi đi du học, chúng tôi được mặc đồ tự do đến trường. Dù bên ngoài trời âm 20 độ thì trong trường vẫn ấm, nên các bạn nữ vẫn thoải mái mặc áo hai dây, áo quây...
Ở đây, phụ nữ biết rằng họ có quyền mặc bất cứ bộ đồ nào họ muốn, việc cánh mày râu “rạo rực” không thuộc trách nhiệm của họ. Con trai cũng biết rằng, dù cho bạn nữ có mặc đồ táo bạo đến thế nào, nó vẫn không phải là lời mời gọi tình dục.
Tôi cảm thấy rất an toàn khi đi học, khi nhìn thấy mọi người, kể cả nam giới, được mặc đồ bản thân thích mà không phải lo lắng, quẩn quanh với những nỗi sợ.
Có thể hành trình tháo bỏ những quan niệm cổ hữu về lạm dụng tình dục sẽ còn rất dài, khi nó liên quan đến nhiều khía cạnh khác như quyền phụ nữ và văn hóa. Bên cạnh những thứ cần bỏ lại, cũng có những điều cần xây dựng như sự tôn trọng, sự đồng thuận.
Khác với những vụ án khác, nạn nhân của một vụ quấy rối tình dục sẽ mang theo tổn thương đến hết đời. Nỗi đau ấy sẽ không dễ dàng chữa lành và số nạn nhân sẽ không giảm bớt nếu như chúng ta tiếp tục đổ lỗi cho bộ quần áo.
Theo Vietnamnet