Tính đến sáng ngày 16/3, số học sinh mắc sán lợn gạo ở Bắc Ninh đã tăng lên con số 62 và chưa có dấu hiệu dừng lại. Hàng trăm gia đình có con học ở Trường mầm non Thanh Khương và các trường trên địa bàn huyện Thuận Thành vẫn đang tiếp tục đưa con đi xét nghiệm sán lợn. Tổng số cháu được đưa đi xét nghiệm trong ba đợt tính từ 7/3 đến nay là khoảng 1.500 trẻ.
|
Lấy máu xét nghiệm sán cho trẻ - Ảnh CAND |
Trước đó các chuyên gia cũng cho biết, các cha mẹ không nên quá hoang mang trước thông tin về nhiều trẻ được xét nghiệm dương tính với ấu trùng sán lợn trong những ngày qua. Bởi nhiễm sán lợn không phải cấp tính như sởi hay sốt xuất huyết, trẻ nhiễm sán có thể do rất nhiều nguyên nhân từ môi trường, nước, thực phẩm…
Theo các bác sĩ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, việc mắc bệnh sán lợn liên quan đến tập quán ăn uống, ăn thịt lợn chưa nấu chín. Bệnh ấu trùng sán lợn là khi người ăn phải trứng sán dây lợn nhiễm trong thức ăn, sau khi ăn hay nuốt phải trứng sán, trứng vào dạ dày, nở ra ấu trùng, đến ruột non, ấu trùng xuyên qua thành ống tiêu hóa vào máu và di chuyển đến ký sinh tại các cơ vân, não, mắt…
Trong trường hợp người bệnh có sán trưởng thành trong ruột, khi đốt sán già rụng, có thể đốt sán bị trào ngược lên dạ dày do phản ứng của nhu động ruột, như vậy sẽ tương tự như ăn phải đốt sán mới, do đó số lượng ấu trùng sẽ rất lớn.
Ấu trùng sán theo máu đến các cơ, mắt hay não của người và sẽ hóa nang. Tùy thuộc vào vị trí ký sinh của nang sán mà trẻ mắc sán lợn gạo sẽ có những biểu hiện khác nhau, cũng như ảnh hưởng sức khỏe khác nhau. Nếu nang sán nằm trong cơ sẽ thấy có những u nhỏ, chắc, kích thước khoảng 1 - 2 cm hoặc bằng hạt đỗ, hạt lạc, di động dễ, không ngứa, không đau, nằm ở vị trí cơ vân, không ở trên đường đi của hạch bạch huyết; nếu nang sán nằm trong não, người bệnh có thể bị động kinh, liệt tay, chân hay liệt nửa người, nói ngọng, rối loạn trí nhớ hoặc đau đầu dữ dội; nếu nang sán nằm trong mắt có thể gây tăng nhãn áp, giảm thị lực hoặc mù.
Trường hợp bệnh sán trưởng thành ở ruột, người bệnh ăn phải thịt lợn sống hay chưa chín có chứa các nang sán (lợn gạo), khi đến dạ dày ấu trùng sán sẽ thoát nang và bám dính vào ruột non rồi phát triển thành sán dây trưởng thành. Sán dây trưởng thành phát triển tạo ra hàng ngàn đốt sán mới, mỗi đốt có khoảng 50.000 trứng, kéo dài chiều dài của sán trưởng thành lên tới 2 đến 12 mét, chúng ký sinh trong ruột non nhiều năm.
Về triệu chứng khi bị sán lợn tấn công, về lâm sàng người mắc thường có dấu hiệu đau đụng, rối loạn tiêu hóa, đi ngoài có đốt xám (của sán trưởng thành). Ngoài ra, những người bị ấu trùng sán lợn tấn công còn có biểu hiện co giật, động kinh, nói ngọng, liệt làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ người bệnh. Riêng đối với trẻ bị ấu trùng sán lợn tấn công lên não sẽ gây ảnh hưởng đến việc học tập như giảm chú ý, mất tập trung, co giật. GS Nguyễn Văn Đề - nguyên Trưởng Bộ môn Ký sinh trùng – Trường Đại học Y Hà Nội cho biết ông đã từng gặp trường hợp hai chị em bệnh nhân cùng mắc căn bệnh sán dải lợn dẫn đến co giật do sán tích tụ ở não gây tổn thương não.
Khi ăn phải sán lợn gạo thì chỉ từ 10 đến 15 ngày sau, khi xét nghiệm máu bằng phương pháp ELISA sẽ có thể phát hiện dương tính với sán hay không. Nếu dương tính với sán lợn, người bệnh chỉ cần uống thuốc theo bác sĩ kê đơn và khám lại sau một thời gian. Ở những trường hợp mới nhiễm sán, việc điều trị đơn giản hơn những người bị sán lâu ngày khiến sán đóng kén.
Các bác sĩ đưa ra lời khuyên, nếu nghi ngờ con em mình có thể bị mắc sán lợn, mời các bạn đưa ngay các cháu đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và các Bệnh viện chuyên khoa để được tư vấn và làm các xét nghiệm cần thiết. Trong trường hợp bị nhiễm sán lợn thì cần phải điều trị bằng thuốc đặc hiệu. đối với trường hợp nhiễm sán lợn trưởng thành thì điều trị nhanh hơn. Còn nhiếm ấu trùng sán lợn thì thời gian điều trị dài ngày.
An Lê (TH)