Sống cùng búi trĩ 30 năm
Bà Nguyễn Thị L. (61 tuổi, trú tại Đông Triều, Quảng Ninh) đến khám tại Bệnh viện Việt Nam – Thuỵ Điển Uông Bí (Quảng Ninh) trong tình trạng đau bụng nhiều vùng hạ vị.
Khi bác sĩ khám phát hiện sa trực tràng kèm theo búi trĩ độ 4. Bà L. đã được bác sĩ phẫu thuật cắt trĩ kèm theo làm vách ngăn trực tràng để trị sa trực tràng.
Theo bà L., bà bị sa trĩ khoảng 30 năm nay. Lúc đầu, vùng trĩ sa nhỏ bằng ngón tay, đi đại tiện đau và khó. Bà thường trị bằng cách dân gian như ngâm trầu không nấu nước. Tuy nhiên, tác dụng rất ít chỉ một thời gian ngắn bệnh lại tái phát. Vì bệnh ở vùng kín khó nói nên bà càng ngại chia sẻ cũng như đi khám ở đâu.
|
Bệnh trĩ gây nhiều biến chứng - Ảnh minh họa: Internet |
Thời gian gần đây, bà L. bị đau bụng nhiều hơn kèm theo đại tiện khó. Mỗi lần đại tiện vừa đau bụng, bị ra máu tươi. Cảm giác đau tăng nhiều hơn và cứng ở bụng nên bà L. đi khám thì kết quả là trĩ nặng kèm theo sa trực tràng.
Không riêng gì bà L, tại Trung tâm Phẫu thuật Đại trực tràng và Tầng sinh môn Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, mỗi ngày các bác sĩ đều khám và tư vấn cho khoảng 15 – 20 bệnh nhân bị trĩ trong đó chủ yếu là trĩ ngoại đã vào độ 3, độ 4. Người bệnh đều âm thầm chịu đựng chữa đủ cách dân gian không khỏi, gây đau đớn, phiền toái mới tìm đến các bác sĩ nhờ hỗ trợ.
Đặc biệt, trường hợp của một bệnh nhân nam 65 tuổi, bị trĩ hơn chục năm nay và gần đây bệnh nhân bị đau nhiều, búi trĩ sa nặng, đại tiện như tra tấn nên người bệnh đi mua thuốc về đắp để mong búi trĩ co lên. Kết quả, trĩ không co mà gây hoại tử tại chỗ vùng hậu môn. Các bác sĩ đã phải phẫu thuật cắt trĩ đồng thời tạo hậu môn nhân tạo cho bệnh nhân.
Dấu hiệu cảnh báo trĩ
PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Đại trực tràng và Tầng sinh môn – Bệnh viện Việt Đức Hà Nội cho biết búi trĩ là cấu trúc mạch máu nằm trong trực tràng, ở người bình thường không sa ra vì nó có dây chằng giữ. Nhưng khi dây chằng không giữ được độ đàn hồi thì nó sinh ra trĩ và chia thành các độ 1, độ 2, độ 3, độ 4.
Bệnh trĩ có thể gặp ở mọi lứa tuổi khác nhau nhưng ở người cao tuổi nhiều hơn do tình trạng trương lực của cơ kém nên dễ gây trĩ hơn. Ở phụ nữ mang thai, do thai nhi chèn ép tĩnh mạch gây nên tình trạng sa trĩ. Ngoài ra, những trường hợp ngồi nhiều, ít vận động, táo bón mạn tính hoặc tiêu chảy mãn tính cũng dễ mắc trĩ hơn.
Trĩ là bệnh lành tính không gây tử vong cho ai nhưng bệnh trĩ lại gây phiền toái cho người bệnh. Chính vì thế, khi mắc trĩ người bệnh thường tìm tới các cách điều trị dân gian hoặc theo quảng cáo của ông lang bà mế nào đó gây nên các biến chứng khi điều trị trĩ.
|
Dấu hiệu cảnh báo bệnh trĩ - Ảnh minh họa: Internet |
PGS Hùng cho biết có trường hợp bệnh nhân suy gan, suy đa tạng vì tự điều trị trĩ bằng cách đắp thuốc. Y học dân tộc có nhiều bài thuốc trị trĩ nhưng tuỳ vào từng độ trĩ và phải được bác sĩ tư vấn rất cẩn trọng trước khi sử dụng.
Hiện nay, bệnh trĩ khá phổ biến và người bệnh không nên ngại khi đến các cơ sở y tế khám kiểm tra bệnh. Các dấu hiệu của bệnh trĩ là chảy máu khi đại tiện, máu đỏ tươi. Khi đại tiện xong ra khối trực tràng nếu ở giai đoạn muộn thì khối đó sẽ sa xuống gây đau đớn và khó chịu cho người bệnh.
Tuy nhiên, dấu hiệu ra máu khi đại tiện cũng là dấu hiệu cảnh báo của nhiều bệnh lý khác. Vì thế người bệnh cần đi khám ngay bỏ tâm lý e ngại vì bệnh ở vùng kín.
Khi bị trĩ, tuỳ từng giai đoạn của bệnh mà bác sĩ có phương pháp điều trị. Hiện nay điều trị nội khoa vẫn được ưu tiên. Bệnh nhân có thể sử dụng thuốc và phải thay đổi lối sống. Ví dụ: PGS Hùng khuyến cáo phải ăn nhiều rau đưa chất xơ vào cơ thể để giảm trĩ. Tăng cường vận động mỗi ngày thể dục ít nhất 30 phút, tránh ngồi nhiều. Những người làm việc văn phòng nên vận động 5 – 10 phút sau 1- 2 tiếng.
Hạn chế các chất kích thích chứa nhiều cồn, cafein và đồ ăn cay nóng.
* Kiến Thức đã đặt lại tiêu đề bài viết.
Theo Bảo Lâm/Phụ nữ sức khỏe