Bảy mươi phần trăm cơ thể người là nước nên việc uống đủ nước mỗi ngày rất quan trọng đối với sức khỏe. Tuy nhiên, uống như thế nào cho đúng, uống bao nhiêu nước là đủ và uống nhiều có tốt cho cơ thể không lại khiến không ít người băn khoăn.
1. Tác dụng của uống nhiều nước
Uống nước đúng và đủ sẽ đem lại nhiều lợi ích cho cơ thể. Uống nước mỗi ngày giúp bạn thanh lọc cơ thể, giúp da đẹp hơn, mịn màng và cải thiện da mụn dễ dàng hơn.
Làm đẹp da: Nước giúp cung cấp độ ẩm cho da, giúp da có độ căng bóng, mịn màng hơn. Đặc biệt là những ngày thời tiết hay khô, khiến da nứt nẻ, việc uống đủ nước sẽ giúp da cải thiện được tình trạng này.
Ngoài ra, uống nước cũng là cách để giảm tình trạng da mụn, đặc biệt là những người da dầu. Việc dầu tiết ra thường xuyên đang báo hiệu tình trạng thiếu nước của cơ thể. Uống nước còn giúp da tiết ra mồ hôi. Từ đó, làn da cũng sẽ được loại bỏ bụi bẩn, bã nhờn, giúp da khỏe mạnh, giảm thiểu mụn hiệu quả.
Giảm cân: Uống nhiều nước giúp cơ thể đốt cháy calo ngay cả khi không vận động. Bởi khi uống nước, nội tạng sẽ hoạt động để hấp thụ và đào thải. Ngoài ra, khi dung nạp nước vào cơ thể, đặc biệt là nước lạnh sẽ khiến cơ thể phải tiêu tốn calo để đưa cơ thể cân bằng nhiệt độ.
Uống nước trước khi ăn sẽ “đánh lừa” cảm giác no của cơ thể, giúp cơ thể nạp ít thức ăn hơn.
giam can.jpg
(Nguồn: Getty images)
Thanh lọc cơ thể: Khi uống đủ nước mỗi ngày cơ thể sẽ đào thải độc tố qua nước tiểu, mồ hôi, giúp thanh lọc cơ thể. Nhờ uống nước mà cơ thể sẽ loại bỏ các chất độc gây hại.
Cải thiện hệ tiêu hóa: Khi ăn và uống ít thực phẩm có nước bạn dễ bị bệnh táo bón. Vì vậy, để giảm thiểu bệnh này, bạn cần uống đủ nước hoặc bổ sung các thực phẩm chứa nước như các loại rau củ, hoa quả. Uống nước giúp cải thiện hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Nước sẽ hỗ trợ di chuyển chất thải qua hệ tiêu hóa. Bởi nước sẽ làm mềm thức ăn, giúp tiêu hóa khỏe hơn; giúp cơ thể dễ dàng đào thải phân, ngăn ngừa các bệnh về đường ruột.
2. Tác hại khi uống quá nhiều nước
Dù thiếu nước gây ra nhiều vấn đề đối với sức khỏe nhưng uống quá nhiều nước cũng có thể gây ra vấn đề.
Thừa nước có nghĩa là khi uống nhiều nước hơn mức cơ thể cần. Bên cạnh đó, uống nhiều nước còn khiến cơ thể phải liên tục thải nước, làm mất đi các chất điện giải như natri, kali,… Về lâu dài sẽ khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe.
Việc uống nhiều nước quá mức, có thể bị ngộ độc nước, rối loạn chức năng não. Khi có quá nhiều nước trong tế bào chúng sẽ bị phù lên, gây ra áp lực trong não (phù não) khiến con người bắt đầu rơi vào trạng thái như lú lẫn, buồn ngủ và đau đầu. Nếu áp lực này tăng lên, nó có thể gây ra các tình trạng như tăng huyết áp và nhịp tim chậm.
Natri là chất điện giải bị ảnh hưởng nhiều nhất khi thừa nước, dẫn đến tình trạng hạ natri máu. Là một nguyên tố quan trọng giúp giữ cân bằng chất lỏng trong và ngoài tế bào, khi mức độ natri giảm xuống do lượng nước trong cơ thể cao, chất lỏng sẽ xâm nhập vào bên trong các tế bào. Sau đó, các tế bào phù lên tăng nguy cơ bị co giật, hôn mê hoặc thậm chí tử vong.
3. Uống nước bao nhiêu là đủ và đúng cách?
Trong điều kiện bình thường, mỗi ngày chúng ta cần cung cấp khoảng 40ml/kg cơ thể. Tổng lượng nước cơ thể cần uống là khoảng 2-2,5 lít mỗi ngày, nhưng nên chia thành 8-10 cốc nước. Lượng nước này bao gồm tất cả các loại nước như nước lọc, nước canh, nước ép trái cây, trà…
Tuy nhiên, đối với người có cường độ vận động nặng (như người lao động chân tay, làm việc ngoài trời, người đổ mồ hôi nhiều, vận động viên…) có thể cần bổ sung nước nhiều hơn. Bên cạnh đó, lượng nước cơ thể cần còn phụ thuộc giới tính, độ tuổi.
Bạn cần uống nước thường xuyên ngay cả khi không khát và chia làm nhiều lần trong mỗi ngày. Việc chia đều lượng nước bổ sung trong ngày sẽ đảm bảo sự cân bằng cho chức năng hoạt động của cơ thể.
Bạn nên uống nước trong tư thế ngồi, uống từng ngụm nhỏ để nước từ từ được thẩm thấu đều đến các cơ quan, giúp cơ quan hấp thu các dưỡng chất hiệu quả; không uống nhiều nước trước khi đi ngủ.
Theo Vietnam+