Ban đầu, một số nhà khoa học nghi ngờ nguyên nhân chủ yếu do sinh học và các phương pháp điều trị dựa trên giới tính cho nam giới - như tiêm estrogen hoặc thuốc kháng androgen - có thể giảm nguy cơ tử vong của họ.
Nhưng một nghiên cứu mới phân tích sự khác biệt về giới tính trong các ca tử vong do COVID-19 ở Mỹ cho thấy bức tranh phức tạp hơn nhiều.
Ảnh minh họa: Uark
Mặc dù nam giới chết với tỷ lệ cao hơn phụ nữ nhưng xu hướng này thay đổi theo thời gian và theo tiểu bang. Điều đó cho thấy các yếu tố xã hội - như công việc, hành vi và các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn - đóng một vai trò lớn trong sự khác biệt rõ ràng về giới tính.
Sarah Richardson, Giám đốc Phòng thí nghiệm GenderSci tại Đại học Harvard, chuyên nghiên cứu sự tương tác của giới tính sinh học với ảnh hưởng văn hóa trong xã hội.
Nhóm của Richardson đã bắt đầu thu thập dữ liệu giới tính ở các ca COVID-19 và tử vong trong đại dịch từ tháng 4/2020 tới 12/2021 tại tất cả các bang của Mỹ.
Trên toàn quốc, họ không tìm thấy sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ tử vong giữa nam và nữ. Nhưng khi chia cho tổng dân số của tiểu bang, tỷ lệ tử vong ở nam giới thường cao hơn nữ giới.
Mức cao hơn bao nhiêu phụ thuộc vào bang và thời gian khảo sát. Ở Texas, đàn ông chết với tỷ lệ cao hơn đáng kể. Nhưng ở Connecticut, phụ nữ chết nhiều hơn nam giới trong 22 tuần được phân tích.
Các tiểu bang ngay cạnh nhau, như Connecticut và New York, trong cùng một làn sóng dịch nhưng có tỷ lệ khác nhau hoàn toàn.
Cộng dồn trong 55 tuần, tỷ lệ tử vong ở phụ nữ ở hai bang, Rhode Island và Massachusetts, cao hơn một chút. Ở 9 tiểu bang, bao gồm Connecticut, tỷ lệ gần như ngang nhau. Ở phần còn lại của Mỹ, tỷ lệ tử vong ở nam giới cao hơn.
Các nhà khoa học đánh giá, sự khác biệt giới tính về gen, hormone hoặc phản ứng miễn dịch không có khả năng giải thích những khác biệt này.
Katharine Lee, nhà nhân chủng học ở Đại học Washington, nhận định: “Không có lý do gì để sinh học biến đổi theo thời gian và không gian”.
Nhưng các yếu tố xã hội và hành vi có thể giải thích điều đó.
Ví dụ, nam giới có nhiều khả năng làm trong lĩnh vực giao thông vận tải, nhà máy, nông nghiệp và xây dựng - những nghề có tỷ lệ phơi nhiễm COVID-19 và tử vong cao hơn. Nam giới cũng có nhiều nguy cơ bị đi tù, vô gia cư, làm tăng phơi nhiễm virus.
Phụ nữ có xu hướng rửa tay, đeo khẩu trang và tuân thủ các quy định hạn chế giãn cách xã hội hơn nam giới. Tất cả những điều này làm giảm nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 của họ. Phụ nữ cũng có nhiều khả năng đã tiêm vắc xin hơn.
Tuy nhiên, các chuyên gia độc lập cho biết, những phát hiện mới không nên khiến giới chuyên môn đánh giá thấp vai trò của sinh học.
Thí nghiệm ở chuột hamster, không có các yếu tố xã hội hiện diện như ở người, con đực bị tác động từ COVID-19 mạnh hơn. Các phân tích khác cũng chứng minh phụ nữ tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh hơn nam giới.
Theo An Yên/Vietnamnet.vn