Vì sao nhiều bệnh nhân muốn nhảy lầu tự tử khi điều trị hậu COVID-19?

Google News

Nhiều bệnh nhân tưởng như đã thoát khỏi COVID-19 khi có kết quả xét nghiệm âm tính, lại bất ngờ xuất hiện biến chứng về mặt tinh thần vô cùng nguy hiểm.

Phát biểu tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 của TPHCM mới đây, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế cho biết, thành phố đang tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Tại các bệnh viện (BV) trên địa bàn, số lượt người dân đến khám các chuyên khoa sau mắc COVID-19 không ít. Các tình trạng bệnh lý được ghi nhận rất đa dạng, như cảm giác mệt mỏi, di chứng phổi, di chứng tim mạch, rối loạn tâm thần hậu COVID-19.
Rối loạn hành vi hậu COVID-19
BS CK2 Lê Hiền Cẩm Thu, Trưởng khoa Tim Mạch 3, BV Nguyễn Trãi (TPHCM) cho biết, được sự chỉ đạo, đồng thuận của Ban Giám đốc BV trước thực tế có nhiều F0 sau khi đã xét nghiệm âm tính vẫn cần chăm sóc sức khỏe, từ trung tuần tháng 8/2021, khoa đã chuyển đổi công năng thành nơi điều trị biến chứng, bệnh nền cho các bệnh nhân hậu COVID-19. Đến tháng 9/2021, BV tiếp tục thành lập phòng khám hậu COVID-19.
Vi sao nhieu benh nhan muon nhay lau tu tu khi dieu tri hau COVID-19?
 Khoa Tim mạch 3, Bệnh viện Nguyễn Trãi, TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).
Thống kê đến tháng 12/2021, nơi này đã tiếp nhận chăm sóc, điều trị cho hơn 900 "cựu" F0. Ở giai đoạn đỉnh điểm, mỗi ngày khoa Tim mạch 3 nhận hơn 10 bệnh nhân điều trị hậu COVID-19. Đáng chú ý vào thời điểm này, cứ 2-3 ngày thì khoa lại phát hiện bệnh nhân có dấu hiệu bị rối loạn tâm thần.
Như trường hợp của một cụ ông hơn 80 tuổi, được chuyển đến khi đã hoàn thành điều trị ở khoa COVID-19. Ngày đầu tiên ông vẫn bình thường, nhưng đến ngày thứ hai bệnh nhân bắt đầu không tự chủ được bản thân. Các nhân viên y tế mặc đồ vào thì ông lại cởi hết ra, không hợp tác điều trị, thậm chí không chịu cho đút cơm ăn.
"Bệnh nhân không phải mất trí, vì nói vẫn nghe được, nhưng lại không hợp tác. Chúng tôi phải cử một điều dưỡng riêng lo cho ông cụ, vì sợ ông có thể tự làm bị thương mình, đồng thời khẩn trương liên hệ phòng Công tác xã hội để tìm người nhà vào đưa ông cụ về" - bác sĩ điều trị kể lại.
Theo bác sĩ Thu, ngoài trường hợp trên, nhiều bệnh nhân trong quá trình điều trị hậu COVID-19 đã thay đổi hoàn toàn hành vi, trở nên cáu gắt, dễ bực bội hơn, hoặc trầm cảm, thậm chí, đã có nhiều trường hợp đòi nhảy lầu tự tử.
Vi sao nhieu benh nhan muon nhay lau tu tu khi dieu tri hau COVID-19?-Hinh-2
 
Để xử lý, các bác sĩ sẽ phải hội chẩn với khoa Nội thần kinh và liên hệ chuyên gia tâm thần phối hợp hỗ trợ. Bệnh nhân sẽ được sử dụng thuốc, kết hợp tập vật lý trị liệu và phải chuyển xuống nằm phòng dưới đất. Bác sĩ cho biết, kể cả bệnh nhân trẻ và không có bệnh lý nền trước khi nhiễm COVID-19, đều cần ít nhất 2 tháng điều trị kết hợp mới có thể trở lại bình thường.
Nhiều biến chứng chực chờ tấn công tính mạng
Theo bác sĩ Thu, biến chứng hậu COVID-19 không phân biệt già hay trẻ. Nhiều bệnh nhân tuổi ngoài đôi mươi, trước nhiễm bệnh rất khỏe mạnh, nhưng khi đã thành F0 thì lại xuất hiện tình trạng làm việc không tập trung, đi bộ ngắn, leo cầu thang chỉ một tầng là hụt hơi.
Khi tiến hành nghiên cứu trên khoảng 250 bệnh nhân hậu COVID-19 đầu tiên, các bác sĩ phát hiện có đến 70-75% trường hợp có biến chứng xơ phổi. Trên 21% bệnh nhân có huyết khối mạch máu phổi, trong đó 67% có huyết khối ở một bên phổi và 33% huyết khối xuất hiện ở cả 2 bên.
Với những trường hợp này, các bác sĩ khoa Tim mạch 3 sẽ sử dụng những phác đồ điều trị bằng thuốc kháng đông với liệu trình 2-3 tuần và bệnh nhân tiếp tục phải theo dõi sát trong thời gian từ 3-6 tháng. Sau điều trị, bệnh nhân được chụp CT phổi lần 2 và gần như tất cả đều hết huyết khối hoàn toàn.
Vi sao nhieu benh nhan muon nhay lau tu tu khi dieu tri hau COVID-19?-Hinh-3
 Bệnh nhân điều trị hậu COVID-19 được kiểm tra chỉ số SpO2 thường xuyên (Ảnh: Hoàng Lê).
Ngoài các di chứng trên, thống kê từ nghiên cứu của BV cho thấy, có 80% bệnh nhân hậu COVID-19 lâm vào tình trạng mệt mỏi, 40% mất ngủ và 25% bị rối loạn tập trung trí não.
Còn với đối tượng người cao tuổi, nhiều bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh tim thiếu máu cục bộ, thận mạn, tai biến mạch máu não… cũng tái phát nặng hơn.
Ông P.P.T. (86 tuổi) là một cựu chiến binh, dù cao tuổi nhưng vẫn tham gia tích cực công tác phòng chống dịch với UBND phường 11, quận 3. Trung tuần tháng 12/2021, trong thời gian đến từng nhà vận động người dân đi tiêm vaccine mũi 3, ông xuất hiện triệu chứng nhức đầu, khó thở và chảy mũi nhiều và xét nghiệm cho kết quả nhiễm COVID-19.
Sau thời gian 25 ngày điều trị, bệnh nhân âm tính với SARS-CoV-2 nhưng vẫn đau ngực, khó thở. Thời điểm chuyển sang khoa Tim mạch 3, sau khi thăm khám, siêu âm và làm các xét nghiệm, các bác sĩ xác định ông T. còn viêm xơ phổi, bệnh tim biến chứng hậu COVID-19.
Bệnh nhân được điều trị thuốc, kháng sinh, xử lý viêm phổi, tập thở và xơ phổi và được lên chế độ ăn kỹ lưỡng. Đến nay, sau khoảng 5 ngày điều trị, cụ ông đã ổn định sức khỏe và có quyết định cho xuất viện. Dù vậy, theo bác sĩ, ông phải theo dõi tái khám thường xuyên. Cụ thể là tái khám lần đầu tiên sau 5 ngày xuất viện, các lần sau đó là 2 tuần lễ.
Vi sao nhieu benh nhan muon nhay lau tu tu khi dieu tri hau COVID-19?-Hinh-4
 Bệnh nhân hậu COVID-19 có khả năng gặp những biến chứng nặng như tổn thương đa cơ quan, rối loạn nhịp tim... (Ảnh: Hoàng Lê).
Với bà H.T.N. (66 tuổi), khi phát hiện nhiễm COVID-19, bà chưa chích mũi vaccine nào. Bà tự điều trị tại nhà bằng kháng sinh, kháng viêm và âm tính sau 10 ngày. Tuy nhiên, đến đầu tháng 12/2021, bà N. bắt đầu khó thở lại, chỉ số SpO2 tuột thấp, tái phát bệnh đau khớp cũ, đau ngực và sốt cao liên tục. Vào BV Nguyễn Trãi, bạch cầu trong máu bệnh nhân tăng rất cao, tình trạng viêm phổi còn tồn tại, kèm theo suy tim.
"Bệnh nhân có dấu hiệu thay đổi tri giác, lừ đừ, sốt cao. Sau khi điều trị ổn triệu chứng và điều trị kháng sinh từ 14-21 ngày, mới có thể đánh giá khi nào bệnh nhân xuất viện. Ngoài ra, bệnh nhân có thể phải châm cứu từ 1-3 tháng" - bác sĩ nói.
Từ hàng trăm trường hợp hậu COVID-19 đã điều trị tại khoa, bác sĩ Thu khuyến cáo các F0 dù đã hết bệnh, không có triệu chứng gì cũng nên đi tầm soát hậu COVID-19 sớm, vì sau đó bệnh nhân vẫn có khả năng gặp những biến chứng nặng như tổn thương đa cơ quan, huyết khối ở phổi, suy tim, rối loạn nhịp tim... đây là những biến chứng có thể gây tử vong.
Tại buổi tổng kết hoạt động ngành Y tế năm 2021và triển khai các hoạt động trọng tâm năm 2022, TS.BS Nguyễn Anh Dũng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM đã thông tin về những thách thức trong chăm sóc sức khỏe hậu COVID-19.
Theo đó, nghiên cứu cho thấy có 33%-76% người bệnh có thể gặp triệu chứng hậu COVID-19 ít nhất 6 tháng sau đợt cấp tính bệnh. Có 20% người bệnh phải tái nhập viện và đến 80% người bệnh phải theo dõi tại cơ sở chăm sóc sức khỏe ban đầu trong vòng 2 tháng sau xuất viện.
Theo TS.BS Dũng, bằng chứng hiện tại cho thấy hội chứng hậu COVID-19 không chỉ xảy ra ở người bệnh nặng cần nhập viện hoặc lớn tuổi có bệnh đồng mắc, mà còn gặp ở những người trẻ tuổi và khỏe mạnh hay mắc bệnh nhẹ. Tuy nhiên đến nay, vẫn còn thiếu dữ liệu liên quan đến gánh nặng đầy đủ của hội chứng hậu COVID-19 trong dân số lớn.
Để đáp ứng, một số quốc gia đã biên soạn hướng dẫn, lập phòng khám và mạng lưới hỗ trợ bệnh nhân bị ảnh hưởng, cũng như đẩy mạnh truyền thông nâng cao hiểu biết, xác định nhu cầu đối với hệ thống chăm sóc sức khỏe và xã hội.
Theo Hoàng Lê/Dân Trí