Trả lời:
Trung tâm dinh dưỡng lâm sàng, Bệnh viện K
Cá là nguồn cung cấp axit béo lý tưởng, thành phần quan trọng của màng tế bào. Trong cá còn chứa sắt, choline và iod cần thiết cho cơ thể. Cá cũng chứa hàm lượng vitamin D và selen cao, có thể bảo vệ chống lại sự phát triển của một số bệnh ung thư.
Quan trọng nhất, cá là nguồn giàu axit béo omega-3 (Ω-3), có thể chống lại các bệnh ung thư. Cơ chế có thể là các axit béo từ cá có tác dụng điều chỉnh việc sản xuất prostaglandin tiền viêm và axit hydroxyeicosatetraenoic thông qua con đường cyclooxygenase, lipoxygenase. Những con đường này đóng vai trò chính trong quá trình viêm, tăng sinh tế bào và hình thành mạch.
Omega-3 (Ω-3) PUFAs là axit béo thiết yếu cần thiết cho sức khỏe con người. Một số tác dụng sinh học có thể góp phần ức chế ung thư bằng PUFA Ω-3 đã và đang được nghiên cứu. Những tác động này bao gồm thay đổi trong quá trình tăng sinh, xâm lấn, di căn và chết theo chương trình của tế bào ung thư.
Các tác động được nghiên cứu rộng rãi nhất của PUFA là những tác động liên quan chức năng và sinh tổng hợp eicosanoid. Các PUFA Ω-3 trong chế độ ăn có thể được chuyển hóa thành prostaglandin, thromboxan, axit hydroxyeicosatetraenoic và leukotrienes.
Bên cạnh eicosanoids, PUFA Ω-3 cũng có thể được chuyển hóa thành các chất phân giải và bảo vệ. Những hợp chất này có tác dụng chống viêm và điều hòa miễn dịch mạnh.
Nhiều bằng chứng cho thấy rằng viêm đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của bệnh ung thư ở người. Một số bài báo tổng hợp hệ thống các nghiên cứu trên quần thể người cho thấy có mối liên quan việc tiêu thụ nhiều cá tươi hoặc dầu cá với việc giảm nguy cơ ung thư biểu mô tế bào gan, u não, melanoma và ung thư vú, phụ khoa. Bên cạnh đó, một số nghiên cứu không khẳng định mối liên quan này. Do đó, chúng ta vẫn cần các nghiên cứu chất lượng hơn để khẳng định kết quả này.
Cá là một thành phần trong chế độ ăn lành mạnh (bao gồm ăn nhiều cá, rau xanh, hoa quả, đậu đỗ, thịt nạc và gà, sữa ít béo hoặc không béo, ăn ít thịt đỏ và thịt chế biến sẵn, ít đường, ngũ cốc tinh chế….). Chế độ ăn lành mạnh đã được chứng minh là mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tim mạch, xương khớp, giảm nguy cơ ung thư đại trực tràng. Bởi vậy, việc tiêu thụ cá được khuyến khích.
Tuy nhiên, ăn cá cũng có nguy cơ nhiễm độc thủy ngân, đặc biệt quan tâm ở trẻ em, phụ nữ có thai và cho con bú. Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã đưa ra bảng xếp loại các loại cá dựa theo hàm lượng thủy ngân có trong đó. Cơ quan này khuyến cáo người dân nên sử dụng các loại cá có hàm lượng thủy ngân thấp.
Theo độc giả Lan Hương/Zing