|
Các bộ phận của cây ớt như quả, rễ và lá đã được dùng làm thuốc từ nhiều đời nay. Ảnh: Unsplash.
|
BSCKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM (Cơ sở 3), cho biết ớt là một cây nhỏ có thể sống vài năm, thân dưới hóa gỗ. Cây có nhiều cành, nhẵn. Lá mọc so le, hình thuôn dài, đầu nhọn. Hoa mọc đơn độc ở kẽ lá. Quả mọc rủ xuống đất, riêng ở cây ớt chỉ thiên quả lại quay lên trời. Các bộ phận của cây ớt như quả, rễ và lá đã được dùng làm thuốc từ nhiều đời nay.
Công dụng của quả ớt
Theo y học cổ truyền, ớt có vị cay, nóng. Tác dụng khoan trung, tán hàn, kiện tỳ, tiêu thực, chỉ thống (giảm đau), kháng nham (chữa ung thư). Nhân dân thường dùng để chữa đau bụng do lạnh, tiêu hóa kém, đau khớp, dùng ngoài chữa rắn rết cắn... Ngoài dùng làm thuốc, nhân dân ta còn thường dùng lá ớt nấu canh ăn.
Nghiên cứu của y học hiện đại cũng thống nhất với y học cổ truyền về tác dụng chữa bệnh của ớt. Ớt có chứa một số hoạt chất như capsicain là một alkaloid chiếm tỷ lệ khoảng 0,05-2%. Cấu trúc hóa học đã được xác định là acid isodexenic vanilylamit, có đặc điểm bốc hơi ở nhiệt độ cao, gây hắt hơi mạnh.
Ngoài ra, ớt còn chứa capsaicin, là hoạt chất gây đỏ, nóng, chỉ xuất hiện khi quả chín, chiếm tỷ lệ 0,01-0,1%. Một điều lý thú là capsaicin có tác dụng kích thích não bộ sản xuất ra chất endorphin, một chất morphin nội sinh, có đặc tính như những thuốc giảm đau, đặc biệt có ích cho bệnh nhân bị viêm khớp mạn tính và các bệnh ung thư.
Ngoài ra, ớt còn giúp ngăn ngừa bệnh tim do chứa một số hoạt chất giúp máu lưu thông tốt, tránh được tình trạng đông vón tiểu cầu dễ gây tai biến tim mạch.
Ớt cũng có tác dụng ngăn ngừa tình trạng huyết áp tăng cao. Một số nghiên cứu cho thấy những loại ớt vỏ xanh, trái nhỏ có hàm lượng capsaicin nhiều hơn. Ngoài ra, quả ớt còn chứa nhiều loại vitamin như vitamin C, B1, B2, acid citric, acid malic, beta caroten...
Ngoài việc dùng làm thực phẩm, quả ớt còn được nhân dân ta sử dụng làm thuốc chữa bệnh từ lâu đời. Trong kho tàng y học dân gian, không ít bài thuốc quý có ớt.
Các tác dụng khác của ớt:
Khống chế bệnh tim mạch: So với cam, ớt giàu hơn hẳn về lượng vitamin C, sắt, canxi, phốt pho và vitamin nhóm B. Mỗi 100 g ớt cay tươi chứa tới 144 mg vitamin C, đứng đầu trong các loại rau tươi. Lượng vitamin C phong phú có thể khống chế bệnh tim mạch, xơ cứng động mạch và giảm cholesterol.
|
Theo y học cổ truyền, ớt có vị cay, nóng. Tác dụng khoan trung, tán hàn, kiện tỳ, tiêu thực, chỉ thống (giảm đau), kháng nham (chữa ung thư). Ảnh: Bulbul Ahmed.
|
Phòng chống bệnh ung thư: Các nhà khoa học của Viện Đại học Pittburg (Mỹ) đã chứng minh được ớt có thể làm chậm quá trình phát triển của tế bào ung thư, đặc biệt là ung thư tuyến tụy. Đó là do tác dụng của chất cay capsaicin có vai trò xúc tác, làm cho các tế bào ung thư tự phá hủy nhưng không gây hại cho các tế bào bình thường.
Ngừa tai biến tim mạch: Nghiên cứu cho thấy ớt chứa các hoạt chất giúp máu lưu thông tốt, ngăn ngừa nguy cơ tai biến tim mạch. Ngoài ra, ớt cũng giúp hạ huyết áp và giảm lượng cholesterol trong cơ thể. Lượng vitamin C phong phú trong ớt có thể khống chế xơ cứng động mạch và làm giảm cholesterol.
Sát trùng: Nghiên cứu của các nhà khoa học Mỹ cho thấy ớt có tác dụng sát trùng, chống ôi thiu, chống lạnh và chứa một số dưỡng chất nên giúp con người đề phòng và chữa một số bệnh.
Tăng sức đề kháng: Đối với những bệnh như cảm cúm, cảm lạnh và những bệnh liên quan đường hô hấp, ớt và các thức ăn cay là “thuốc ngừa” hiệu quả.
Chống cảm mạo: Trong ớt cay có tới 1.390 mg beta-caroten - một trong những nguồn tốt nhất cung cấp caroten, diệp hoàng tố, có tác dụng chống cảm mạo, phong hàn.
Chữa bệnh đau đầu: Khi cắn một miếng ớt, vị cay kích thích mạnh sẽ khiến não bộ bài tiết chất hóa học làm giảm bớt đau đớn và sinh ra một chút khoái cảm. Gần đây, đã có người thử dùng ớt cay để chữa trị chứng bệnh đau đầu nghiêm trọng mang tính thần kinh và hiệu quả rất tốt.
Giảm mỡ máu: Ớt cay không những hữu dụng đối với người bị phong hàn mà trong việc điều chỉnh mỡ máu cũng rất có tác dụng. Các nghiên cứu của nước ngoài đã cho thấy chuột sau khi ăn đồ ăn có ớt, lượng cholesterol trong máu giảm rõ rệt.
Đốt chất béo: Ớt cay có những chất đặc biệt có thể đẩy nhanh sự trao đổi chất để đạt được hiệu quả đốt chất béo trong cơ thể. Chất này còn có thể thúc đẩy bài tiết hormone nên cũng có tác dụng làm đẹp da.
Giảm đau: Ngày nay, người ta sử dụng chất capsicain trong ớt để làm thuốc dán hoặc cream để thoa nhẹ giảm đau do di chứng của đau sau zona cũng rất hiệu quả.
Bài thuốc hay từ ớt
Chữa rụng tóc do hóa trị liệu: Ớt trái 100 g ngâm với rượu trắng trong 10-20 ngày. Dùng rượu này bôi lên da đầu có tác dụng kích thích mọc tóc.
Chữa ăn uống kém tiêu do ung thư: Ớt 100 g, hắc đậu xị 100 g, tán bột ăn hàng ngày.
Chữa ăn uống chậm tiêu: Ớt trái dùng làm gia vị, ăn hàng ngày.
Chữa đau dạ dày do lạnh: Ớt trái 1-2 quả, nghệ vàng 20 g, tán bột uống ngày 2-3 lần.
Chữa viêm khớp mạn tính: Ớt trái 1-2 quả, cây đau xương, thổ phục linh (củ khúc khắc) mỗi vị 30 g. Sắc uống ngày một thang.
Chữa bệnh chàm (eczema): Lá ớt tươi một nắm, mẻ chua một thìa. Hai thứ giã nhỏ, lấy vải sạch gói lại, đắp lên nơi bị chàm đã rửa sạch bằng nước muối.
Chữa tai biến mạch máu não: Lá ớt (loại ớt chỉ thiên quả nhỏ) đem giã nhỏ, thêm nước và ít muối, chắt nước cho người bệnh uống, bã đắp vào răng sẽ tỉnh.
Chữa rắn rết cắn: Lá ớt giã nhỏ, đắp vào nơi bị thương, băng lại. Ngày làm 1-2 lần cho đến khi hết đau, 2-3 giờ là khỏi.
Chữa bệnh vẩy nến: Lá ớt cay một nắm to (một nắm chặt tay và đem sao chín nhưng không cháy), tinh tre đằng ngà cạo lấy một bát, lá sống đời (lá thuốc bỏng) 7-9 lá, thiên niên kiện khoảng 300 g. Tất cả cho vào nồi với 2 lít nước, đun sôi kỹ, uống dần thay nước chè, uống khoảng 3 ấm.
Đau bụng kinh niên: Rễ cây ớt, rễ chanh, rễ hoàng lực, mỗi thứ khoảng 10 g. Sao vàng, sắc uống ngày một thang.
Chữa đau lưng, đau khớp: Ớt chín 15 quả, lá đu đủ 3 cái, rễ chỉ thiên 80 g. Tất cả đem giã nhỏ ngâm cồn với tỷ lệ 1/2, dùng để xoa bóp sẽ mau khỏi.
Chữa mụn nhọt: Lá ớt giã nát với ít muối, dùng đắp vào nhọt đang mưng mủ sẽ bớt đau nhức, dễ vỡ mủ, mau lành.
Chữa khản cổ: Dùng ớt làm thuốc súc miệng (dưới dạng cồn thuốc).
Theo Phương Anh/Zing