Nhập viện vì tự đắp thuốc lá chữa nhọt
Báo Dân Trí dẫn thông tin từ Bệnh viện Sản nhi Nghệ An cho biết, bệnh viện gần đây đã tiến hành điều trị thành công cho bệnh nhi 14 tuổi bị hoại tử, viêm xương ngón tay do dùng thuốc lá nam đắp chữa nhọt.
Trước đó nửa tháng, em N.T.M.T. (14 tuổi, trú Nghệ An) xuất hiện khối nhọt ở tay. Gia đình chủ quan nên không đưa T. đi viện mà đưa đến một thầy lang để xin thuốc lá về đắp lên vết thương. Sau khi đắp thuốc lá, vết thương không giảm mà còn sưng to và diễn biến nặng hơn. Gia đình sau đó đưa cháu T. đến Bệnh viện Sản nhi Nghệ An để cấp cứu, điều trị.
Tại bệnh viện, các bác sĩ xác định cháu T. bị viêm xương ngón cái bàn tay trái. Bệnh nhân sau đó được phẫu thuật để nạo bỏ tổ chức viêm xương, cắt lọc, tạo vạt che phủ vết thương, giữ lại được ngón tay bị thương cho bệnh nhi.
|
Hình ảnh ngón tay của bệnh nhi trước và sau khi được điều trị. Ảnh: VOV. |
Được biết, đây không phải là trường hợp đầu tiên phải nhập viện do tự ý đắp thuốc lá nam chữa nhọt.
Trước đó, vào tháng 6/2023, một bệnh nhân nam bị nhiễm trùng khớp vai sau một tháng đắp lá theo bài thuốc dân gian và uống thêm thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc để chữa mụn nhọt.
Vietnamnet dẫn thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất (Đồng Nai) cho biết, các bác sĩ đã tiếp nhận và phẫu thuật cho bệnh nhân P.T.D (43 tuổi, ngụ xã An Chu, huyện Trảng Bom) bị nhiễm trùng khớp vai do dùng thuốc không đúng cách. Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng trạng sốt cao, bắp tay mưng mủ, sưng to, đau nhiều gần một tháng không rõ nguyên nhân.
Bệnh nhân D. kể lại, gần 1 tháng trước khi nhập viện, trên phần bắp tay phải xuất hiện mụn nhọt, lâu dần mưng mủ và sưng to. Anh được người quen giới thiệu nên tự đắp lá cây bìm bịp giã nát theo bài thuốc dân gian và uống thêm thực phẩm chức năng giúp tái tạo tế bào da không rõ nguồn gốc.
Tuy nhiên, bệnh không thuyên giảm mà càng trở nặng hơn, u mưng mủ nhiều, bắp tay to ra, đau nhức liên tục nên anh phải nhập viện cấp cứu.
Vào tháng 8/2022, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân nữ bị khối áp xe ở lưng sau khi đắp thuốc lá chữa mụn.
VTV đưa tin về trường hợp này cho biết, nữ bệnh nhân được người nhà đưa đến bệnh viện trong tình trạng đau nhiều vùng lưng, lưng sưng nề, chảy dịch mủ đục. Khối áp xe kích thước lớn khoảng 15cm và vẫn được đắp lá chữa nhọt.
Theo lời kể của bệnh nhân, khoảng 7 ngày trước khi vào viện, bệnh nhân xuất hiện khối nhọt vùng lưng sưng nề, đau, đã điều trị kháng sinh nhưng không đỡ nên tự đắp thuốc lá cây không rõ loại. Sau đó, khối nhọt sưng nề tăng lên, chảy dịch mủ, đau nhiều. Tình trạng vùng lưng ngày càng nghiêm trọng, chảy nhiều dịch, sưng nề lan rộng nên bệnh nhân đã đến bệnh viện cấp cứu.
Các bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình cho biết, sau khi làm các xét nghiệm, nữ bệnh nhân được dùng thuốc kháng sinh, truyền dịch và được thực hiện phẫu thuật điều trị áp xe phức tạp.
Tháng 12/2021, bác sĩ tại Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận một trường hợp bệnh nhi (20 tháng tuổi ở Thanh Hóa) bị hoại tử nặng vùng đùi, bụng và bộ phận sinh dục do gia đình tự đắp thuốc lá chữa bệnh cho trẻ.
Vietnam Plus đưa tin, gia đình cho biết, bệnh nhi có tiền sử khỏe mạnh, trước khi nhập viện 3 ngày, trẻ mọc nhọt nhỏ ở dương vật kèm theo sưng đau bộ phận sinh dục. Gia đình không cho trẻ đến bệnh viện để thăm khám mà nghe hàng xóm mách, tự đắp lá thuốc vào chỗ nhọt cho trẻ.
Vài giờ sau khi đắp lá, đầu dương vật, bìu và phần vùng hạ sườn phải (gần bẹn) của trẻ sưng tím nhiều hơn. Trẻ sốt cao liên tục và được gia đình đưa vào Bệnh viện Nhi Thanh Hóa để cấp cứu. Tại đây, trẻ được chẩn đoán bị sốc nhiễm khuẩn, nhiễm khuẩn huyết, hoại tử Fournier (một loại nhiễm trùng có khả năng phá hủy mô tế bào tại bộ phận sinh dục và khu vực lân cận, có tiến triển rất nhanh, tỷ lệ tử vong cao).
Sau 10 ngày điều trị tại bệnh viện tỉnh, trẻ đã được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương để tiếp tục theo dõi và điều trị.
Bác sĩ khuyến cáo gì?
Các bác sĩ khuyến cáo: Khi xuất hiện các vết thương không rõ nguyên nhân (đặc biệt là các vết thương do côn trùng cắn hoặc các u, mụn nhọt,…) thì việc tự ý điều trị bằng các loại thuốc nam chưa được kiểm chứng có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến bệnh tình ngày càng nghiêm trọng hơn.
Bác sĩ nhấn mạnh, việc đắp lá cây vào vết thương là việc làm rất nguy hiểm, có thể khiến vết thương viêm nhiễm lan rộng hơn hoặc từ không viêm nhiễm trở nên viêm nhiễm. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, gây ra viêm mủ màng tim, áp-xe phổi, viêm mủ màng phổi, viêm xương tủy xương, thậm chí tử vong hoặc để lại những di chứng suốt đời,...
Trong những trường hợp này, cần phải đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để lại những hậu quả không đáng có.
>>> Mời độc giả xem thêm video: Những điều cần biết về bệnh nam khoa
P.V (Tổng hợp)