Đây là loại rau dân dã, được mệnh danh là "gia vị quốc dân", tuy nhiên nếu dùng không đúng cách, bạn có thể gặp phải vấn đề về sức khỏe.
Hành lá là cây gia vị sẵn có trong gian bếp của đại đa số gia đình Việt bởi nó không chỉ tăng thêm hương vị mà còn tạo màu sắc, vẻ đẹp cho món ăn.
Hành lá chứa tinh dầu, trong tinh dầu chủ yếu chất kháng sinh atixin C6H10OS2. Hành lá có hàm lượng calo thấp nhưng lại chứa lượng lớn vitamin K, chất xơ, vitamin C, vitamin A và folate.
BS Vũ cho biết, theo các nghiên cứu, 100 gram hành lá chứa khoảng: 32 calo; 7,3 gam carbohydrate; 1,8 gam protein; 0,2 gam chất béo; 2,6 gam chất xơ; 207 microgam vitamin K ; 18,8 miligam vitamin C; 997 IU vitamin A; 64 microgam folate; 1,5 miligam sắt; 276 miligam kali; 0,2 miligam mangan; 72 miligam canxi; 0,1 miligam riboflavin; 20 miligam magiê.
Hành lá chứa rất nhiều thành phần hóa học có tác dụng phòng chữa bệnh. Ảnh minh họa
Bên cạnh giá trị dinh dưỡng, hành lá còn có rất nhiều công dụng đối với sức khỏe mà không phải ai cũng biết.
- Hỗ trợ tiêu hóa: Hành lá giàu chất xơ giúp tiêu hóa tốt hơn. Bạn nên ăn hành lá thường xuyên, có thể nấu chín hoăc thêm vào salad.
- Tăng cường hệ miễn dịch: Hành lá giàu vitamin C và vitamin A, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng.
- Kiểm soát đường huyết và ngăn ngừa tiểu đường: Hợp chất lưu huỳnh có trong hành lá giúp giảm lượng đường trong máu do đó ngăn ngừa bệnh tiểu đường.
- Ngăn ngừa cảm lạnh: Hành lá có tính kháng khuẩn và kháng virus, giúp chống lại các bệnh viêm nhiễm do virus như cảm lạnh và giúp loại bỏ các dịch nhày.
- Chống ung thư: Hành lá giàu flavonoid và hợp chất allyl sulfide giúp chống lại các gốc tự do và ngăn ngừa sự phát triển của các tế bào ung thư, do đó giúp chống lại bệnh ung thư.
- Hỗ trợ thị lực: Hành lá giàu vitamin A và carotenoid giữ cho mắt luôn khỏe mạnh, ngăn ngừa mất thị lực.
- Tốt cho tim: Chiết xuất từ hành lá có thể làm giảm đáng kể một số yếu tố gây ra bệnh tim như tăng cholesterol, triglyceride và cholesterol xấu. Ngoài ra, hành lá còn chứa nhiều vitamin K, giúp ngăn ngừa sự xơ cứng động mạch bằng, ngăn chặn sự hình thành cặn canxi trên thành động mạch.
- Giúp xương chắc khỏe: Trong một vài nghiên cứu còn phát hiện thành phần của hành có thể tái tạo xương, hạn chế khả năng loãng xương ở phụ nữ trong giai đoạn tiền mãn kinh.
Các chuyên gia kiến nghị nếu bạn muốn có một khung xương khỏe mạnh, hãy thường xuyên thêm hành lá vào món ăn hằng ngày.
- Hỗ trợ giảm cân: Hành lá là thực phẩm có hàm lượng calo thấp nhưng giàu chất dinh dưỡng, do đó rất được ưa chuộng trong chế độ ăn uống của người giảm cân.
Bên cạnh đó, hành lá cũng chứa một lượng chất xơ đáng kể, tạo cảm giác no, giảm cảm giác thèm ăn, rất tốt cho việc giảm cân.
Ngoài ra, hành lá còn có thể làm thay đổi biểu hiện của một số gen liên quan đến béo phì từ đó làm giảm trọng lượng cơ thể và thu nhỏ các tế bào mỡ.
- Hỗ trợ quá trình đông máu: Hành lá rất giàu vitamin K. Vitamin K là chất dinh dưỡng đóng vai vai trò quan trọng trong quá trình đông máu. Quá trình đông máu giúp cơ thể ngăn ngừa chảy máu quá nhiều do chấn thương. Do đó, bổ sung các thực phẩm giàu vitamin K như hành lá vào bữa ăn hàng ngày có thể giảm các triệu chứng bầm tím và chảy máu.
Để dùng hành phòng chữa bệnh có hiệu quả bằng cả hai hình thức ăn và thuốc, cần bảo toàn tác dụng của tinh dầu và men rất dễ bị phân hủy. Hành tươi sống có tác dụng mạnh hơn hành luộc chín. Hành nên nghiền nát để tế bào thoát hoạt chất, sau đó để vài phút cho men chuyển hoạt chất thành chất cho tác dụng dược lý cần thiết. Là gia vị, hành nên cho vào sau khi nấu chín món ăn và chỉ để một lúc, tránh để hoạt chất quý bị nhiệt phá hủy.
Theo đông y, hành có tính ấm nên tránh dùng cho người có dương thịnh, hỏa bốc. Ăn quá nhiều sẽ gây phản tác dụng như có thể làm mắt mờ, tóc chóng bạc, thậm chí cản trở ra mồ hôi.
Phụ nữ có kinh sớm, kinh nhiều nên tránh ăn nhiều hành. Ngoài ra, không được dùng hành cũng mật ong và không được dùng ở người huyết áp cao.
Theo Minh Hoa/Người đưa tin