1. Rau càng cua có nhiều công dụng
Rau càng cua còn có tên gọi khác là cây tiêu màng, thuộc họ hồ tiêu hay còn có tên là đơn kim, đơn buốt, cúc áo, quỷ châm thảo, thích châm thảo, tiểu quỷ châm, cương hoa thảo.
Rau càng cua có công dụng: hỗ trợ trị sốt rét, đau đầu, sốt cao, làm rau ăn sống hoặc nấu canh ăn để giải nhiệt.
Rau càng cua có tác dụng chống viêm, tác dụng giảm đau và đã có nghiên cứu về tác dụng của một số chất chiết từ toàn cây rau càng cua với tế bào ung thư.
Rau càng cua trồng trong chậu cảnh. Ảnh: H.T.V
Loài rau càng cua phân bố tự nhiên gần như khắp các tỉnh miền núi, vùng trung du và cả đồng bằng. Cây còn được trồng lấy rau ăn hoặc trồng làm cảnh trên các hòn non bộ. Trên thế giới, rau càng cua cũng phân bố rải rác ở nhiều nước thuộc vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Á. Rau càng cua ưa ẩm và thường mọc thành đám nhỏ ở các hốc mùn đá, ở các kẽ đá hoặc trên bề mặt đá có rêu bám và mọc trên đất ở bờ khe suối.
Nhân dân thường lấy lá rau càng cua rửa sạch, giã nát, đắp lên trán và thái dương để chữa sốt rét, đau đầu, sốt cao. Để chữa đau bụng, toàn cây bỏ rễ, lấy một nắm (50g) rửa sạch, giã nát vắt lấy nước uống. Nhân dân dùng toàn cây bò rễ, rửa sạch làm rau ăn sống hoặc nấu canh ăn để giải nhiệt.
Trong 100g rau càng cua chứa 92% nước, 0.5g protein, 0.3g chất béo, 5.9g carbohydrate, 34mg phospho, 277mg kali, 124mg canxi, 62mg magie, 3.2mg sắt, 5.2mg vitamin C,… có tác dụng hỗ trợ các bệnh tim mạch, huyết áp, chữa bệnh đái tháo đường, táo bón.
Theo lương y Nguyễn Công Đức (Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh): Rau càng cua là một loại dược liệu, rau ăn có vị hơi chua, có chứa các vi lượng như natri, magie, kali và vitamin B6... tốt cho tim mạch, tăng huyết áp.
Người đái tháo đường không có biến chứng thận có thể dùng nước sắc 100g rau càng cua mỗi ngày. Người bệnh Parkinson cũng có thể dùng 200g rau càng cua xay lấy nước uống trong 2 tuần để sắc nước uống, có thể cải thiện chứng run. Trẻ em nóng sốt có thể dùng rau càng cua vì rau càng cua có tác dụng chống viêm, hạ sốt…Người căng thẳng, mất ngủ cũng có thể dùng 100g rau càng cua ép nước uống.
Lương y Nguyễn Công Đức cho biết, rau càng cua có thể ăn sống, làm các món gỏi rất ngon và tốt cho sức khỏe. Song cần chú ý lựa chọn rau càng cua có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng nếu không tự trồng được trong vườn nhà vì nhiều người trồng đại trà có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đúng quy cách. Chú ý sơ chế cẩn thận, có thể ngâm dấm và rửa sạch.
Lưu ý, một số người như hen suyễn, dị ứng nên hạn chế dùng rau càng cua.
Rau càng cua.
2. Rua càng cua là món ăn ngon, tốt cho sức khỏe
Rau càng cua là món ăn ưa thích, phổ biến từ miền Trung trở vào, loại rau này người miền Trung còn gọi là rau tiêu. Loài rau trước thường được coi là rau dại bây giờ trở thành món ăn hấp dẫn với nhiều cách chế biến phong phú.
Rau càng cua không chỉ làm được món gỏi trộn dầu giấm kèm theo thịt bò, thịt trâu, thịt lợn hay tôm tươi, tôm nõn khô mà còn có thể làm món xào, món canh ngon miệng.
Một nồi canh đơn giản, một đĩa gỏi trộn thanh vị sẽ làm bữa cơm nhà thêm ấm cúng, cách chế biến rau càng cua dưới đây chính là lựa chọn hợp lý cho gia đình khi đã ngán thịt cá.
2.1. Canh rau càng cua nấu với thịt bằm
Nguyên liệu món canh rau càng cua
- Rau càng cua: đủ ăn
- Thịt ba chỉ: 100gr
- Tỏi: 1 tép
- Hành tím: 1 củ
- Hành lá: 1 nhánh
- Hạt nêm: 2 muỗng cà phê
- Bột ngọt: 1 muỗng cà phê
- Tiêu: ½ muỗng cà phê
- Dầu ăn
Cách nấu canh rau càng cua
Sơ chế thịt lợn: Rửa thịt với muối để khử mùi tanh, xả lại nước lạnh thật sạch rồi để ráo, sau đó bạn băm nhuyễn thịt. Sau đó ướp thịt 10 phút cho ngấm gia vị. Cho thịt băm cùng 1 muỗng cà phê hạt nêm, ½ muỗng cà phê tiêu, ½ muỗng cà phê bột ngọt vào tô, trộn đều lên đậy kín nắp ướp khoảng 10 phút để thịt ngấm gia vị.
Nhặt sạch rau càng cua, ngâm qua nước muối loãng 5 phút xong xả lại nước lạnh thật sạch, cho vào rổ để ráo. Băm nhuyễn tỏi, hành tím, thái nhỏ hành lá.
Bắc nồi lên bếp, cho 1 muỗng canh dầu ăn vào, đợi dầu sôi cho hành tím, tỏi đã băm nhuyễn phi thơm vàng thì cho thịt băm xào lên. Khi thịt vừa săn lại, cho lượng nước đủ dùng, nấu nước sôi rồi cho rau càng cua vào, nêm nếm 1 muỗng cà phê hạt nêm, ½ muỗng cà phê bột ngọt. Nấu đến khi canh sôi lên lần nữa thì cho hành lá vào rồi tắt bếp ngay vì rau càng cua rất mau chín.
Món gỏi rau càng cua trộn tôm. Ảnh: Mai Thị Đình
2.2 Gỏi rau càng cua trộn tôm
Món gỏi rau càng cua trộn tôm hấp dẫn, tạo cảm giác ngon miệng.
Nguyên liệu cần chuẩn bị:
- Rau càng cua, tôm tươi
- Hành tây, cà chua bi, tỏi, tương ớt, hành phi, ớt cắt sợi cùng với các gia vị thông thường và giấm.
Cách làm
Cà chua bi rửa sạch, cắt đôi. Hành tây cắt sợi và ướp với 1 muỗng đường.Tôm bóc vỏ, ướp với nửa muỗng đường, nửa muỗng hạt nêm, chút hạt tiêu và 1 muỗng tỏi băm.Rau càng cua nhặt lấy phần non và rửa sạch. Phi thơm tỏi băm, xào sơ tôm. Tôm chín, cho ra đĩa và để nguội trước khi trộn rau.
Nước trộn gỏi gồm có 1/3 chén nước đầu tôm, 3 muỗng giấm, 2 muỗng đường, 1/3 muỗng tiêu, 1/3 muỗng muối. Khuấy đều gia vị rồi cho rau càng cua vào đĩa sâu lòng, cho hành tây, tôm, cà chua bi và hành phi vào. Thêm 1 muỗng tương ớt vào nước trộn gỏi, rưới nước trộn gỏi lên các nguyên liệu và trộn đều.
Lưu ý: Nên ướp gia vị vào tôm và xốc đều trên chảo giúp tôm thấm gia vị, thơm ngon hơn. Để nước trộn gỏi và tôm nguội rồi mới trộn rau để giữ lại độ giòn của rau càng cua.
2.3. Rau càng cua xào tỏi
Nguyên liệu: Rau càng cua, tỏi, gia vị mắm, muối, hạt nêm.
Cách làm
Rau càng cua rửa sạch và ngâm nước muối loãng khoảng 15p sau đó lấy ra để ráo nước. Tỏi bóc vỏ, băm nhỏ.Bắc chảo lên bếp và phi thơm tỏi sau đó cho tất cả rau càng cua vào trong chảo trên và tiến hành xào nhanh và đều tay với lửa thật to chừng khoảng vài phút, nêm gia vị sao cho vừa ăn.
Theo Hoàng Nam/Sức khỏe đời sống