Quả trám được trồng nhiều ở miền Bắc và khu vực Bắc Trung Bộ. Người dân thường thu hái vào tháng 9-10. Quả trám là loại quả gây nghiện đối với nhiều người. Ngoài vị ngon, bùi, béo ngậy, quả trám cũng chứa nhiều chất dinh dưỡng như protein, lipid, phốt pho, canxi, chất béo, axit folic, chất xơ...
Quả này được ví là “vàng đen” chỉ có vào mùa thu, đem kho thịt ngon không tưởng, còn chữa được bệnh.
Trám đen là loại quả có giá trị ẩm thực và dược liệu với nguồn dinh dưỡng khá cao. Theo thông tin từ Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), quả trám chứa 12% protein, 1,09% lipid, 12% hydrat carbon, 0,046% Ca, 0,046% P, 0,06% phosphor và 0,004% F.
Dầu hạt trám chứa caproic, myristic, acid hexanoic, stearic, palmatic, decanoic, linoleic, octanic, lauric… Cùi trám chứa nhiều đường, chất béo, acid folic, acid hữu cơ, vitamin (C, B1, P), chất xơ và chất khoáng (kali, magie, canxi, kẽm, carroten, sắt,…)
Có lẽ vì thế mà loại quả này còn được xem là “đặc sản”, trở thành thứ quả được nhiều người lùng mua với giá cao để làm thực phẩm ăn hàng ngày hoặc làm quà biếu. Giá của loại quả này trên thị trường thường dao động từ 120.000 - 200.000 đồng/kg, cũng có thời điểm lên đến 250.000 đồng/kg.
|
Lợi ích của quả trám đen đối với sức khỏe. Ảnh minh họa |
Dưới đây là một số lợi ích tuyệt vời của quả trám đen đối với sức khỏe:
Giúp bệnh nhân tiểu đường cân bằng đường huyết
Quả trám tuy nhỏ nhưng cũng cung cấp cho chúng ta một phần tinh bột. Tinh bột trong quả trám là loại tinh bột kháng tannin. Loại tinh bột này có tác dụng kiểm soát quá trình chuyển hóa đường vào máu đồng thời giảm kháng insulin. Nhờ đó, đường huyết ở những bệnh nhân tiểu đường sẽ được kiểm soát tốt. Có thể nói trám là thực phẩm phù hợp với bệnh nhân tiểu đường.
Tăng cường sức khỏe tim mạch
Các chất chống oxy hóa trong quả trám giúp ngăn ngừa quá trình oxy hóa cholesterol LDL - nguyên nhân chính dẫn đến xơ vữa động mạch và các vấn đề tim mạch khác. Thêm vào đó, quả trám còn giúp hạ huyết áp và cải thiện tuần hoàn máu, giảm nguy cơ đột quỵ và nhồi máu cơ tim.
Chống lão hóa
Nhờ thành phần chống oxy hóa nên quả trám có thể bảo vệ tế bào khỏi sự tấn công của các gốc tự do. Cũng vì thế mà việc sử dụng quả trám có thể giúp làm chậm quá trình lão hóa, giữ gìn sự tươi trẻ và khỏe mạnh cho làn da. Các chất chống oxy hóa trong quả trám cũng góp phần giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như bệnh tim mạch và ung thư.
Giúp trị đau khớp
Trong quả trám có các vitamin và khoáng chất tốt cho xương khớp, đặc biệt là canxi. Thường xuyên ăn trám sẽ giúp cải thiện một số vấn đề về đau nhức xương khớp hoặc góp phần phòng ngừa loãng xương.
Tốt cho quá trình tiêu hóa thức ăn
Quả trám chứa chất xơ nên khi ăn vào sẽ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, góp phần phòng ngừa táo bón. Trong Đông Y, quả trám cũng được biết đến với công dụng trị chứng chướng bụng, khó tiêu. Người bị đau bụng, chướng bụng do cảm nắng, cảm thương hàn ăn trám sẽ đỡ hẳn.
Tăng cường sức đề kháng
Quả trám giàu vitamin C - thành phần quan trọng giúp tăng cường hệ miễn dịch. Việc bổ sung quả trám vào chế độ ăn uống hàng ngày giúp cơ thể chống lại các bệnh nhiễm trùng, đặc biệt là cảm lạnh và cúm.
Trị ho và viêm họng
Trong quả trám có chứa nhiều chất có tác dụng làm dịu, giảm cảm giác đau rát và khó chịu ở cổ họng. Người ta thường sử dụng quả trám tươi, ngâm muối hoặc phơi khô để ngậm hoặc sắc nước uống.
Cách sử dụng quả trám trị ho và viêm họng khá đơn giản là dùng 5 - 7 quả trám, rửa sạch, đun sôi lấy nước uống trong ngày. Nước sắc từ quả trám giúp giảm ho, làm loãng đờm và cải thiện tình trạng viêm họng, đặc biệt hiệu quả đối với những người bị viêm họng mãn tính.
Giang Thu