Người dân Singapore tiêu thụ trung bình 3.600 mg natri, hoặc hơn 1,5 muỗng cà phê muối mỗi ngày. Con số này gần gấp đôi so với giới hạn khuyến nghị hàng ngày của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - dưới 2.000 mg.
Mức tiêu thụ này cũng đang tăng lên khi người dân ăn uống bên ngoài thường xuyên hơn. Đây cũng là lý do khiến hơn 1/3 người dân Singapore đã bị tăng huyết áp, dẫn đến các bệnh tim mạch và đột quỵ.
CNA đưa tin trong bối cảnh lo ngại về sức khỏe do lượng natri trong cơ thể tăng cao, Chính phủ Singapore khuyến khích người dân chuyển từ muối ăn thông thường sang các chất thay thế có hàm lượng natri thấp hơn.
|
Hơn 1/3 người dân Singapore tăng huyết áp do tiêu thụ muối quá nhiều. Ảnh: emmy_smith.
|
Lựa chọn thay thế
Theo báo cáo, khoảng 75% lượng natri tiêu thụ của người dân Singapore đến từ muối ăn và các gia vị thêm vào. 25% còn lại là natri “ẩn” trong các thực phẩm chế biến.
Bà Carolyn Stephen, chuyên gia dinh dưỡng tại trường Bách khoa Singapore, cho biết nhiều loại thực phẩm chế biến sẵn chứa lượng lớn natri. Chúng được thêm vào không chỉ để tạo hương vị mà còn được coi như là chất bảo quản.
Muối ăn thông thường được tạo thành từ 100% natri clorua, thường chứa 2.000 mg natri trên mỗi thìa cà phê. Vì vậy, bà Stephen gợi ý về một số chất thay thế cho muối, có lượng natri thấp hơn như magie clorua, canxi clorua hoặc kali clorua.
“Những lựa chọn này có hàm lượng natri ít hơn 30% mà không ảnh hưởng đến hương vị món ăn. Nó cũng bổ sung kali vào chế độ ăn uống của bạn”, bà Stephen lưu ý.
TS Kalpana Bhaskaran, chuyên gia nghiên cứu chỉ số đường huyết tại trường Bách khoa Temasek, chỉ ra natri và kali hoạt động song song trong cơ thể con người để điều chỉnh huyết áp.
Tuy nhiên, nồng độ natri trong máu cao sẽ thúc đẩy quá trình giữ nước, tăng huyết áp và căng các thành mạch máu. Lúc này, thành động mạch dày lên để chống chọi với sức căng, thu hẹp không gian bên trong động mạch, tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Trong khi đó, kali được biết đến là chất điện giải làm dịu sự căng thẳng trong thành mạch máu, giúp điều hòa huyết áp. Vì vậy, muối kali không mang nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như muối natri. Kali cũng có trong rau bina, bông cải xanh hay chuối.
Tuy nhiên, nếu sử dụng lượng lớn muối kali, đồ ăn có thể mang vị đắng hoặc kim loại. Điều này dễ dàng được giải quyết bằng cách trộn muối kali và natri cùng với các chất tăng hương vị khác để duy trì sự sự hấp dẫn.
Ngoài ra, bà Stephen lưu ý người mắc các bệnh liên quan đến thận nên tìm đến lời khuyên của bác sĩ trước khi sử dụng muối kali trong chế độ ăn.
Muối hồng Himalaya có tốt hơn?
Một số người lựa chọn các loại muối tự nhiên như muối hồng Himalaya, muối Kosher (loại muối có hạt to và thô) hoặc muối biển. Họ nghĩ rằng chúng có lợi cho sức khỏe.
Trên thực tế, TS Bhaskaran - Chủ tịch Hiệp hội Dinh dưỡng và Ăn kiêng Singapore - cho biết những loại muối này không có sự khác biệt nhiều về hàm lượng natri và không mang lại lợi ích dinh dưỡng đáng kể nào so với muối ăn thông thường, mặc dù chúng đắt tiền hơn.
|
Muối hồng Himalaya có giá đắt hơn hẳn muối thông thường. Ảnh: iStock.
|
Theo đó, muối hồng Himalaya chứa nhiều kali hơn so với muối ăn, muối Kosher tương tự muối ăn và không chứa bất kỳ khoáng chất vi lượng, i-ốt hay chất chống đông máu nào.
Cả muối tự nhiên và muối ăn thông thường đều chứa cùng một lượng natri - khoảng 40%, tương đương khoảng 2.000 mg natri trên mỗi thìa cà phê. Điều này có nghĩa cả hai đều có khả năng tác động đến huyết áp và gây ra các bệnh tim mạch như nhau. Các loại muối trên chỉ khác muối ăn thông thường ở kết cấu và cách chúng được khai thác, chế biến.
Bà Stephen cho biết các loại muối thông thường được tạo thành hạt và tinh chế để loại bỏ các khoáng chất khác, đôi khi được bổ sung thêm i-ốt. Trong khi đó, các loại muối tự nhiên được hạn chế xử lý, để lại hầu hết vi lượng như magie, kali và canxi.
“Tuy nhiên, sự hiện diện của các khoáng chất này rất ít và không bổ sung nhiều giá trị dinh dưỡng. Thay vào đó, nên lấy các khoáng chất này từ các thực phẩm lành mạnh để có nhiều lợi ích cho sức khỏe hơn”, bà Stephen khẳng định.
Bột ngọt và khả năng hỗ trợ chế độ ăn giảm muối
TS Bhaskharan cho biết trong nhiều năm, bột ngọt hay mì chính được coi là không lành mạnh khi một tỷ lệ nhỏ dân số xuất hiện các triệu chứng đau đầu, tăng cảm giác khát sau khi tiêu thụ đồ ăn tại các nhà hàng Trung Quốc.
Tuy nhiên, nghiên cứu mới hơn đã đặt câu hỏi về tính chính xác của các tác dụng phụ mà bột ngọt gây ra. Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết bột ngọt là một chất điều vị, có nguồn gốc từ axit L-glutamic.
Chúng có thể được tìm thấy tự nhiên trong các loại thực phẩm như cà chua, nấm và hành tây. Nó cũng có thể được sản xuất nhân tạo thông qua quá trình lên men bằng cách sử dụng ngô hoặc củ cải đường.
Tiến sĩ Bhaskharan cho biết bột ngọt là một axit amin không thiết yếu, có nghĩa là cơ thể chúng ta có thể sản xuất ra nó và không cần lấy nó từ thức ăn. Nó chứa khoảng 12% natri, thấp hơn so với muối thông thường.
Mặc dù lượng natri thấp hơn, nhưng bột ngọt có thể giúp giữ nguyên mức độ ngon miệng với những món ăn giảm độ mặn nhờ chứa hương vị umami - “vị ngọt thịt”. Như vậy, trong quá trình chế biến, chúng ta có thể bớt một phần lượng muối và thay thế bằng bột ngọt.
Nghiên cứu cũng chỉ ra bột ngọt có thể được sử dụng như chất thay thế thích hợp cho một số muối trong thực phẩm đóng gói như đồ ăn nhẹ, súp, giúp giảm hàm lượng natri 30-50%.
“Điều này mang lại tiềm năng để sử dụng bột ngọt tạo thành các sản phẩm lành mạnh hơn, tốt hơn cho bạn mà không ảnh hưởng đến hương vị”, bà Stephen nói.
Theo Ngọc Bích / Zing