Những cây manchineel tập trung nhiều ở vùng đất cát và vùng rừng ngập mặn tự nhiên ở nam Florida, vùng Caribbe, Trung Mỹ và bắc Nam Mỹ. Các khu bảo tồn tự nhiên phải gắn nhãn cảnh báo lên tất cả các trái của loài cây này.
Loài cây này xuất hiện nhiều trong các tác phẩm văn học và nghệ thuật, bởi độc tố của nó, nó khiến các tác phẩm trở nên kịch tính hơn. Dù chưa có bảng thống kê chính thức, nhưng manchineel có lẽ xứng với danh hiệu loài cây nguy hiểm nhất thế giới.
Được mệnh danh là quả táo nhỏ chết chóc, loài trái cây này có vẻ ngoài rất đẹp và mùi vị rất thơm ngon, nhưng nó có thể khiến bạn quằn quại đau đớn. Ảnh: Jason Hollinger.
Trái của nó là mối nguy hiểm rõ ràng nhất. Trái của cây manchineel được mệnh danh là manzanita de la muerte, nghĩa là “quả táo nhỏ chết chóc” - theo cách gọi của những người Tây Ban Nha lần đầu chinh phục vùng đất này. Nó giống như một trái dừa nhưng chỉ lớn khoảng 5 cm, mùi vị ngọt ngào nhưng có thể khiến bạn chết sau vài lần cắn.
Nhà nghiên cứu trị xạ Nicola Strickland đã viết trong một bài viết về việc ăn trái manchineel với một người bạn: “Tôi đã cắn một miếng của trái này và cảm thấy dễ chịu, mùi vị ngọt dịu. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau đó, tôi cảm thấy những cảm giác kỳ lạ, cảm giác rách xé và sự thắt chặt cổ họng.
Các triệu chứng ngày trở nên tồi tệ và rõ ràng hơn. Tôi không thể nuốt thức ăn cứng vì đau cổ họng, mũi bị nghẹt khiến tôi không thở được, càng không thể thở bằng đường miệng do cổ họng bị thắt lại”.
Tất cả các cây Manchineel đều được dán nhãn cảnh báo để du khách không chạm vào nhằm tránh nhiễm độc. Ảnh: Scott Hughes.
Đó chỉ là những triệu chứng ngộ độc ban đầu và ở mức độ nhẹ do ăn ít. Viện nghiên cứu nông nghiệp và thực phẩm Florida (IFAS) cho biết: “Không chỉ trái, nếu ăn với bất cứ phần nào của cây như vỏ gỗ, lá và mủ đều có những triệu chứng ngộ độc. Nhiều người đi vào buổi trưa chỉ ngồi dựa vào thân cây để tìm bóng mát cũng có dấu hiệu bị ăn da, bỏng mức độ nhẹ”.
Loài cây này chứa một loại độc tố hỗn hợp, gồm hippomanin A và B và nhiều loại độc khác chưa xác định được. Theo David Nellis ở Viện Thực vật và Động vật Độc hại vùng Florida và Caribbe, “không được đốt hoặc xẻ gỗ vì khói và mùn cưa sẽ tác động xấu đến da, mắt và phổi. Nếu nặng, có thể bị viêm da cấp tính, mù lòa tạm thời”.
Nếu ăn phải trái của cây manchineel, người ăn sẽ bị đau bụng, nôn ói, chảy máu trong và tổn thương đường tiêu hóa. Tử vong là rủi ro hoàn toàn có thể xảy ra, tuy vậy số liệu ghi nhận về các ca tử vong do ăn trái manchineel rất ít. Ngoài những nguy cơ ngắn hạn, trường hợp xấu có thể gây ung thư, thúc đẩy sự phát triển khối u lành tính và ác tính.
Trái manchineel khi đã chín có màu vàng mật rất cuốn hút. Ảnh: Dick Culbert.
Nạn nhân của cây manchineel nổi tiếng nhất có lẽ là Juan Ponce de Leon, người dẫn đầu đoàn thám hiểm Châu Âu đến Florida vào năm 1513. Ông đã trở lại đây lần nữa vào 8 năm sau đó, nhưng sự trở lại của ông bị phản kháng bởi những chiến binh Calusa.
Một số người dân Caribbe bản xứ đã dùng mũi tên tẩm độc của manchineel và đâm vào đùi Ponce de Leon trong trận đánh năm 1521. Ông đã rút lui cùng đồng đội của mình và bỏ trốn đến Cuba, nhưng tử vong nhanh chóng sau đó do chất độc lan khắp cơ thể từ chỗ vết thương.
Tuy vậy, sử dụng manchineel đúng cách cũng đem lại rất nhiều lợi ích. Dù cho chất độc xuất hiện khắp nơi trên cây, người Caribbe bản xứ vẫn chặt nó làm gỗ xây nhà, tạo những đồ nội thất như bàn ghế do các cây manchineel có thể dài đến 15 mét.
Người bản địa cũng sử dụng manchineel làm thuốc, mủ cây chảy ra từ vỏ cây có thể chữa bệnh phù thủng, trong khi trái của manchineel khi để khô có thể bào chế thuốc lợi tiểu.
Một trái manchineel dạt vào bờ biển Mayreau ở Grenadines qua Vịnh Mexico. Ảnh: Mary Witzig.
Mặc dù sáp của manchineel có hại với chim và các loài động vật khác, nhưng một số loài vật khác dường như không có vấn đề gì với loài cây này. Ví dụ như loài garrobo hoặc iguana sống ở Trung và Nam Mỹ, chúng ăn nhiều trái manchineel và thậm chí còn xem đây là nguồn thức ăn chủ yếu.
Trong tự nhiên, chất độc của thực vật chỉ là một cách để tự bảo vệ chúng, hầu hết đều ở mức độ nhẹ nhằm hù dọa mối nguy hiểm. Nhưng ở trường hợp của manchineel, các nhà khoa học không hiểu tại sao chất độc lại quá mạnh và cực đoan như vậy.
Do sống ở ven biển, nên hạt của cây manchineel có thể di chuyển thông qua các địa điểm quanh vịnh Mexico mà không cần nhờ sự vận chuyển của các loài động vật. Điều này khiến loài cây này sinh sôi nhiều hơn, thay vì suýt phải rơi vào nguy cơ tuyệt chủng do người dân Florida thời đó không ngừng diệt trừ chúng.
Giờ đây, dù biết rõ độc tính cao và sự nguy hiểm của nó, nhưng chính quyền địa phương nơi có loài cây này vẫn quyết định giữ và bảo tồn chúng vì chúng có nguy cơ bị xóa sổ vĩnh viễn. Tuy vậy, cây manchineel chỉ được trồng trong những vùng được quy hoạch, tránh xa khu dân cư, nhằm tránh rủi ro gió to hay bão lớn có thể lây độc cho người dân sinh sống gần đó.
Theo Quang Niên/Khám phá