Ngày 20/4, sau khi mua thuốc tại quầy thuốc trong khuôn viên Bệnh viện Đa khoa Chân Mây (tỉnh TT - Huế), người mua phát hiện vỉ thuốc Hapacol đã quá hạn sử dụng hơn 4 tháng.
Theo đó, người nhà bệnh nhi 3 tuổi sau khi mua thuốc hạ sốt cho trẻ tại quầy thuốc nằm trong khuôn viên Bệnh viện Đa khoa Chân Mây (xã Lộc Thủy, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) đã phát hiện vụ việc.
Chiều 21/4, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Chân Mây xác nhận có sự việc này và cho đóng cửa tiệm thuốc trên để tiến hành kiểm tra. Kết quả kiểm tra cho thấy, trong lô thuốc hạ sốt ở quầy, có 1 hộp thuốc quá hạn sử dụng hơn 4 tháng. Bệnh viện đang làm việc với cơ quan chủ quản của quầy thuốc để kiểm tra xem có bao nhiêu viên thuốc quá hạn đã được bán ra.
Đơn vị quản lý quầy thuốc đã có hình thức kỉ luật đối với người bán thuốc hết hạn và gửi lời xin lỗi đến gia đình bệnh nhân vì đã để xảy ra vụ việc.
Ngay sau khi nhận được thông tin vụ việc ngày 23/4, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra, xác minh thông tin quầy thuốc trong khuôn viên Bệnh viện Đa khoa Chân Mây bán thuốc hết hạn cho bệnh nhi.
Nhiều thuốc hết hạn, kém chất lượng tại nhà thuốc BV Trí Đức, BV Đông Đô
Sáng 5/4, kiểm tra tại kho dược và nhà thuốc Bệnh viện Đa khoa Trí Đức (quận Hai Bà Trưng), nhà thuốc Bệnh viện Đông Đô (quận Đống Đa), đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội đã phát hiện nhiều vi phạm…
Qua kiểm tra tại Bệnh viện Đa khoa Trí Đức, đoàn kiểm tra đã phát hiện thuốc kém chất lượng, thuốc hết hạn sử dụng và thuốc bị đình chỉ lưu hành được sắp xếp chung với các loại thuốc đang được bày bán. Bên cạnh đó, trong nhà thuốc vẫn còn lưu trữ một số các mặt hàng dược phẩm đã hết hạn dùng, chưa xuất trình được sổ theo dõi.
|
Đoàn liên ngành Sở Y tế Hà Nội kiểm tra kho dược của Bệnh viện Đông Đô sáng 5/4.
|
Đặc biệt, cơ sở có kinh doanh 2 mặt hàng thuốc phối hợp có chứa hoạt chất gây nghiện là Efferagan và Ultracet nhưng chưa có khu vực bảo quản và không có sổ sách theo dõi. Đoàn cũng phát hiện một mặt hàng có giá bán lẻ cao hơn thị trường.
Tiếp tục kiểm tra tại Bệnh viện Đông Đô, đoàn kiểm tra Sở Y tế Hà Nội đã phát hiện tại kho dược của Bệnh viện này có 5 loại thuốc hết hạn sử dụng (gồm: thuốc điều trị huyết áp, mỡ máu, an thần, thuốc bổ...) và một số thuốc sắp hết hạn sử dụng. Cũng tại đây, qua kiểm tra tủ lạnh bảo quản thuốc, đoàn còn phát hiện các loại thuốc được để lẫn lộn với sữa chua.
Tại nhà thuốc của Bệnh viện Đông Đô, đoàn kiểm tra cũng phát hiện 3 loại thuốc (gồm: Tanatril 10mg, Kombogly XR và Clarithromycin Stada 500mg) có giá bán cao gấp từ 10-30% so với quy định. Tại nhà thuốc này, thực phẩm chức năng cũng được để lẫn lộn với thuốc.
Nhiều nhà thuốc bán thuốc hết hạn sử dụng
Ngày 8/1/2017, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM cho biết đã ra quyết định phạt ông Phạm Cường Khang, phụ trách nhà thuốc BV huyện Bình Chánh (khu phố 5, thị trấn Tân Túc), 20 triệu đồng.
Lý do kinh doanh thuốc không còn nguyên vẹn bao bì (thuốc bấm khỏi vỉ); bán thuốc cao hơn thặng số bán lẻ tối đa do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
|
Thuốc hết hạn sử dụng có thể gây độc.
|
Thanh tra Sở Y tế còn ra quyết định phạt nhiều nhà thuốc bán lẻ thuốc đã hết hạn sử dụng kèm một số vi phạm khác. Cụ thể, phạt bà Bùi Thị Mỹ Hạnh (nhà thuốc Minh Châu, ấp Chánh 2, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn) 23 triệu đồng. Phạt bà Phạm Thị Thanh Hà (nhà thuốc Tiền Lân, ấp Tiền Lân, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn) 19 triệu đồng.
Với những sai phạm tương tự như trên, Thanh tra Sở Y tế TP.HCM còn phạt bà Nguyễn Thị Thanh Hằng (nhà thuốc Hồng Ngân, khu phố 2, phường Hiệp Thành, quận 12) 14 triệu đồng. Phạt bà Vũ Thị Bích Trang (nhà thuốc Thái Hà, phường 13, quận 11) 14 triệu đồng.
Bên cạnh đó, 19 triệu đồng là số tiền mà Thanh tra Sở Y tế TP.HCM phạt ông Lê Thanh Minh (nhà thuốc Quang Minh, phường Trung Mỹ Tây, quận 12). Lý do người quản lý chuyên môn vắng mặt nhưng không thực hiện việc ủy quyền theo quy định của pháp luật; bán lẻ thuốc đã hết hạn sử dụng.
Trả lời báo Lao Động PGS-TS Nguyễn Hữu Đức - Trường ĐH Y Dược TP.HCM cho biết thuốc hết hạn dùng không còn giữ được các tính chất cần thiết như đã đăng ký trong tiêu chuẩn chất lượng. Bề ngoài, đặc tính cảm quan của thuốc không có sự thay đổi và giống như khi còn hạn dùng. Thuốc quá hạn dùng không chỉ giảm hoặc mất tác dụng điều trị mà còn có thể gây độc. Cụ thể, thuốc kháng sinh tetracyclin, tetracyclin gây hại thận nếu đã hết hạn sử dụng.Theo luật định, mua bán, sử dụng thuốc hết hạn sử dụng là bất hợp pháp.