Lên trông cháu 2 năm, con rể nói một câu khiến bà rơi nước mắt

Google News

Nói xong, cả chồng và mẹ tôi đều rơi nước mắt. Và ngay cả tôi cũng vậy. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi có một người chồng hiểu chuyện như vậy.

Vợ chồng tôi lấy nhau 4 năm, có một cậu con trai hơn hai tuổi. Hiện chúng tôi đang sinh sống và làm việc ở trên thành phố.
Gia đình nhà chồng tôi ở ngoại thành Hà Nội. Mẹ chồng mất trong một vụ tai nạn giao thông từ khi chồng tôi mới tròn 5 tuổi. Không lâu sau đó, bố chồng tôi lấy vợ và sinh thêm hai người con nữa, một trai, một gái.
Kể từ đó, chồng tôi phải trải qua một tuổi thơ cay đắng với những trận mắng nhiếc, đánh đập vô cớ từ người mẹ kế. Lúc nào bà ta cũng lấy lý do anh lớn hơn nên phải nhường các em. Trong khi nói đúng ra, anh chưa bao giờ được đối xử như một người con trong nhà.
Mẹ kế coi chồng tôi như một kẻ để sai vặt, để cung phụng, hầu hạ hai đứa con của bà. Sau giờ học, anh phải làm mọi việc trong nhà, thậm chí bà ta còn bắt anh đi mò cua bắt ốc, đi làm thuê cho người ta để kiếm tiền về đưa cho mình.
Suốt ngày bị bóc lột sức lao động nhưng quần áo mới bà mua cho con đẻ, còn chồng tôi phải mặc quần áo đi xin. Đồ ăn ngon cũng không bao giờ đến lượt chồng tôi được hưởng.
Sống với người mẹ kế quái dị trong khi bố đẻ lại không hề quan tâm nên tính cách của chồng tôi cũng khá khép kín. Anh hay thu mình không tâm sự cùng ai. Đến khi đang học lớp 11, vì quá bất mãn với mẹ kế, chồng tôi đã nghỉ học, bỏ lên thành phố làm thuê và rất ít về thăm nhà vì anh nói từ khi mẹ mất, đó không còn là nhà của anh nữa rồi.
Len trong chau 2 nam, con re noi mot cau khien ba roi nuoc mat
Khi chúng tôi lấy nhau, chồng tôi một mình phải đứng ra vay mượn lo liệu mọi thứ để tự tổ chức lễ cưới cho mình. Bố chồng tôi khi ấy ốm đau liên miên không có tiếng nói trong nhà. Mẹ kế chồng thì vẫn như bao năm trước, dù không bỏ ra nghìn nào lo chuyện đại sự cho con riêng của chồng nhưng bà luôn thể hiện mình là người quyền lực nhất nhà. Ngay cả với tôi, một cô con dâu "chân ướt chân ráo" về nhà chồng, bà đã có ý dằn mặt, nhắc tôi biết thân biết phận trong gia đình.
Sau này, khi tôi sinh nở, mẹ kế chồng cũng không hỏi thăm lấy một lời. Mọi việc đều do mẹ đẻ tôi từ quê lên hỗ trợ. Do bé nhà tôi sinh non, sức khỏe yếu lại hay phải đi viện nên mẹ đẻ tôi không nỡ nhìn tôi phải vất vả. Bà tình nguyện ở lại để đỡ đần vợ chồng tôi cho đến khi con cứng cáp, đi học được.
Ban đầu, khi mẹ vợ lên sống chung, tôi thấy chồng cũng tỏ ra bất tiện. Những thói quen, sở thích trước đây của anh dần phải hạn chế. Nhà thuê chật chội lại đông người nên hai vợ chồng tôi cũng không có không gian riêng tư. Anh hay ngại mỗi khi trở về nhà.
Tuy nhiên, sau đó không lâu, tôi nhận ra chồng đã thay đổi. Đi làm về, chồng tôi chủ động làm hết mọi việc trong nhà. Anh còn nói chuyện nhiều hơn với mẹ vợ. Hỏi han bà cháu ở nhà như thế nào.
Nhiều lần, anh còn tâm sự với tôi, nói mẹ đã có tuổi, cả ngày phải ở nhà chăm một đứa trẻ con rất vất vả. Vì vậy, anh không muốn chuyện cơm nước, giặt giũ bà phải động tay động chân thêm nữa. Dù không có điều kiện nhưng thỉnh thoảng, chồng vẫn nhắc tôi mua thuốc bổ cho mẹ uống. Quả thực, thấy chồng như vậy, tôi vô cùng cảm động.
Suốt hai năm sống chung, chưa khi nào tôi thấy mẹ tôi phật ý về con rể. Chồng tôi cũng thoải mái hơn, không còn thấy bất tiện như trước. Mối quan hệ mẹ vợ con rể trong gia đình khá hòa thuận.
Cho đến gần đây, khi con tôi đi học mầm non được một tháng, mẹ tôi nói đã đến lúc bà phải về quê. Khi nào tôi sinh bé thứ hai, nếu còn khỏe, bà lại lên hỗ trợ. Thực lòng tôi không muốn cho mẹ về vì về quê bà cũng chỉ sống một mình. Thế nhưng, ý bà đã quyết nên tôi cũng không muốn ép.
Song điều khiến tôi bất ngờ nhất là chồng tôi tỏ ra rất buồn khi biết chuyện mẹ vợ sẽ về quê ở hẳn. Hôm đầu anh không nói gì. Đến hôm sau, khi chuẩn bị hành lý cho bà ra xe, chồng tôi bỗng rưng rưng.
Anh dúi cho mẹ vợ một chút tiền và nói: "Vợ chồng con không có nhiều, có chút ít này mẹ cầm lấy về quê mua đồng quà tấm bánh. Nếu về quê cảm thấy buồn, mẹ lại lên với vợ chồng con và cháu mẹ nhé.
Con cảm ơn mẹ đã giúp đỡ vợ chồng con suốt thời gian qua. Cảm ơn mẹ đã đối xử tốt với con như một người con trong nhà theo đúng nghĩa. Nhờ có mẹ, con đã biết tình mẫu tử là như thế nào. Điều mà từ ngày mẹ đẻ con mất, con chưa từng có được".
Nói xong, cả mẹ tôi và chồng đều rơi nước mắt. Và cả tôi cũng vậy. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi có một người chồng hiểu chuyện như vậy!
Theo Đỗ Thanh / Gia đình & Xã hội