Tôi là một bà mẹ sống ở quê, cả đời quanh quẩn với ruộng vườn "chân lấm tay bùn". Ngày xưa, vì nghèo nên hai vợ chồng đều học hành dở dang, sớm thành vợ thành chồng, sinh hai đứa con - một trai, một gái.
May mắn thay, cả hai con từ nhỏ đã nhanh nhẹn, thông minh. Với hy vọng đời con không khổ như mình, vợ chồng tôi chịu khó làm lụng nuôi con ăn học.
Không phụ công sức cha mẹ, con trai lớn vào đại học, con gái cũng "nối gót" theo anh. Cả hai đều học giỏi, được học bổng của trường, sau khi tốt nghiệp dễ dàng xin được việc làm tốt.
Hai đứa con đi làm, sống ở thành phố, công việc bận rộn cùng với những ham vui tuổi trẻ nên ít về quê. Nhà chỉ còn hai ông bà, vẫn là tự làm tự ăn, không phiền đến con cái.
Lúc nào dịp lễ Tết, con về nhà thì vui, chúng nó bảo bận hay đi du lịch đó đây với bạn bè không về cũng không sao cả. Ai rồi cũng có cuộc sống riêng, miễn làm sao khỏe mạnh, vui vẻ, hạnh phúc là tốt nhất.
Rồi đến lúc con trai dựng vợ, con gái gả chồng. Bậc làm cha mẹ, tôi tự thấy mình như vậy là đã tròn trách nhiệm.
Con dâu mang thai con đầu lòng, lần đầu sinh nở không tránh khỏi những lo âu. Gần ngày sinh, con trai gọi điện cho tôi:
"Mẹ ơi, con nhờ mẹ thu xếp việc nhà lên nhà con sớm mấy hôm, chỉ vài ngày nữa là vợ con tới ngày dự sinh rồi. Con chẳng có chút kinh nghiệm nào về việc chăm sóc phụ nữ sau sinh cả".
Phụ nữ những lúc vượt cạn cần nhất có mẹ ở bên, mà mẹ con dâu tôi lại mất rồi. Thương con, tôi lập tức thu xếp việc nhà, bắt xe lên thành phố chuyến sớm nhất trong ngày.
Con trai đi làm, con dâu đón tôi bằng thái độ không vồn vã, cũng không lạnh nhạt.
Con dâu bảo: "Nhà con cứ hay lo lắng quá. Sinh đẻ bây giờ có phải như ngày xưa đâu.
Chỉ cần có tiền, có thể thuê người chăm sóc cả mẹ lẫn con ở bệnh viện. Khi về nhà, anh ấy chẳng cần động tay động chân. Anh ấy lại cứ thích làm phiền mẹ".
Từ ngày làm dâu, con dâu mới chỉ về quê vài lần. Một lần là sau ngày cưới, chồng tôi ốm nặng, một lần là dịp Tết vừa rồi. Vậy nên hai mẹ con không có điều kiện gần gũi, thân thiết, cũng chưa hiểu nhau là bao.
Tôi nói với con dâu: "Mẹ chăm con mà gọi là "làm phiền" thì có nghĩa là con không coi mẹ là mẹ của con rồi". Con dâu im lặng, tảng lờ hỏi sang chuyện khác.
Thật may mắn, con dâu sinh đẻ thuận lợi, cháu trai chào đời khỏe mạnh, khôi ngô. Vài ngày đầu sau sinh, vì vết thương vẫn còn đau, tôi hỗ trợ con dâu hết mức có thể.
Ngay cả mỗi đêm, khi sữa mẹ chưa về, tôi trông cháu suốt đêm. Cháu dậy khóc lại lục đục pha sữa, để con dâu ngủ nghỉ cho mau lại sức.
Tôi là người nhà quê nhưng đang sống ở thời hiện đại, cũng chưa quá già đến mức cổ hủ. Vậy nên khi chăm cháu, việc gì tôi cũng sẽ hỏi ý kiến con dâu.
Cháu của mình nhưng là do con dâu sinh ra. Tôi chỉ sợ quan điểm chăm trẻ mỗi thời mỗi khác rồi nảy sinh mâu thuẫn như nhiều nhà mắc phải.
Vài ngày sau, con dâu có thể đi lại nhanh nhẹn. Con bắt đầu giành làm hết mọi việc: Từ nấu ăn, chăm con, dỗ con, rửa bình sữa…
Tôi bảo: "Con mới sinh cần nghỉ ngơi, kiêng cữ" nhưng con dâu trả lời: "Thời đại giờ khoa học, không giống thời của mẹ ngày xưa mà phải kiêng cữ. Kiêng cữ lắm, có khi bệnh tật ra".
Tối qua, lúc đã khuya, tôi ngang qua phòng con, vô tình nghe vợ chồng con trai đang cãi nhau. Tiếng con dâu rõ ràng rất khó chịu:
"Em đã bảo anh rồi, để em thuê giúp việc thì anh không nghe, cứ một hai đòi nhờ bà nội. Bà sống ở quê, nếp ăn, nếp ở, nếp nghĩ đều khác, em không quen.
Đụng tới cái gì bà cũng hỏi em, hệt như một đứa con nít. Nhờ bà nội, em thà bỏ tiền thuê osin còn hơn".
Và cứ thế, hai vợ chồng nói qua nói lại, to tiếng đến mức làm thằng bé con giật mình dậy khóc. Tôi định đẩy cửa vào nhưng do dự lại thôi.
Suốt đêm đó, tôi không ngủ được. Tôi phần nào đã hiểu được con dâu.
Nó không thích sống chung với mẹ chồng, dù rằng hai mẹ con chưa có bất hòa gì. Hoặc là có những chuyện, nó không nói ra nhưng thực tâm lại không hài lòng.
Thà là con cần mình thì mình ở bao lâu cũng được, đằng này nó có cần đâu. Trong khi ở quê, tôi để chồng một mình đi làm về lại phải tự tay cơm nước.
Đàn bà ở một mình được, chứ đàn ông sẽ khó khăn hơn. Mà mẹ chồng - nàng dâu ở với nhau lâu, không có chuyện cũng thành có chuyện.
Sáng mai, tôi dậy thật sớm, chuẩn bị hành lý sẵn sàng, nấu bữa sáng cho các con. Tôi nhìn thấy mắt con dâu sưng húp, chắc do hôm qua khóc vì cãi nhau với chồng.
Tôi lại nhìn con trai, thấy nó cắm cúi ăn, không vui vẻ như thường ngày, liền bảo:
"Tối qua, mẹ nghe hai đứa cãi nhau, mẹ rất buồn. Mẹ lên đây là để hỗ trợ các con chứ không phải để các con bất hòa. Nếu các con không thoải mái thì mẹ về. Vì nói thật, ở đây mẹ cũng không thoải mái.
Với những người già như mẹ, không đâu bằng nhà mình, bằng quê mình. Huống hồ ở quê nhiều việc, một mình cha con xoay xở cũng khó khăn".
Con trai nhìn tôi, cất tiếng: "Vợ con còn trẻ, ăn nói vụng về, có gì mẹ đừng chấp nhặt, để bụng. Mẹ ở thêm với cháu ít hôm nữa, đợi cháu đầy tháng rồi hẵng về".
Con dâu nghe chồng nói, chỉ ngồi im, không tỏ thái độ.
Tôi cố tỏ ra vui vẻ: "Mẹ thấy con dâu đã khỏe, có thể tự làm mọi việc, sau này nếu cần thì có thể thuê người giúp việc. Đợi khi cháu cứng cáp một chút, hai đứa đưa cháu về chơi cho ông nội thấy mặt cháu đích tôn".
Lúc ngồi trên xe, điện thoại tôi rung báo tin nhắn. Đó là con dâu nhắn tin:
"Con xin lỗi mẹ. Mẹ vất vả vì chúng con nhưng con lại cư xử vụng dại. Con có gì không hay không phải, mong mẹ thứ lỗi cho con. Đợi cu Bi cứng cáp hơn chút nữa, vợ chồng con sẽ đưa cháu về quê thăm ông bà ạ".
Đọc tin nhắn xong, tôi thấy lòng mình nhẹ hẳn. Mẹ chồng - nàng dâu nếu có điều kiện thì tốt nhất không nên sống chung.
Thỉnh thoảng, ông bà rảnh rỗi lên chơi với cháu. Con cái rảnh rỗi thì đưa cháu về thăm ông bà.
Sông sống cuộc đời của sông, biển có niềm vui của biển. Mọi người chỉ cần sống vui vẻ, không chấp nhặt gì nhau. Như vậy cũng có thể coi là hạnh phúc.
Theo Lê Giang/Dân Trí