Một nghiên cứu của trường Đại học Pompeu Fabra, Barcelona, Tây Ban Nha đã chỉ ra rằng sự thay đổi nồng độ hormone giới tính như oestrogen và testosterone có thể là nguyên nhân khiến những người làm việc ca đêm dễ mắc bệnh ung thư hơn người khác.
Có 100 tình nguyện viên có lịch làm việc khác nhau đã tham gia vào nghiên cứu này. Mẫu nước tiểu trong vòng 24 giờ và nồng độ hormone của họ cũng được kiểm tra. Kết quả là những người làm việc ca đêm có nồng độ hormone giới tính "không đúng lúc" (từ 10h sáng tới 14h chiều) cao hơn rất nhiều so với người thường (từ 6h-10h sáng).
Trước đó, một nghiên cứu do giáo sư Torbjørn Åkerstedt thuộc Viện Karolinska thực hiện trong vài năm đã chỉ ra rằng phụ nữ làm việc ca đêm trong thời gian dài có khả năng bị bệnh ung thư vú cao hơn so với người làm ca ngày tới 75%. Nguyên nhân là vì sự thay đổi nồng độ melatolin, thiếu ngủ, sự đảo ngược nhịp sinh học, thiếu vitamin D và một lối sống khác biệt.
Hòa An (theo DM, SC)