Cô Marie Mason, người Anh, là một người sử dụng kính áp tròng thường xuyên. Vì kính áp tròng dùng một lần đắt, Marie thường mua loại kính áp tròng dùng nhiều lần. Thế nhưng thời gian trước, Marie nhận thấy có điều gì đó không ổn ở mắt mình.
Nhiều lúc đeo kính áp tròng, cô cứ luôn cảm thấy mắt bị cộm. Sau khi tháo bỏ kính, Marie vẫn cảm thấy có thứ gì đó dính vào giác mạc, không sao lấy ra được. Sau đó, thị lực của cô bắt đầu kém đi. Tuy nhiên, vì nghĩ rằng mình tăng độ cận nên Marie vẫn đeo áp tròng bình thường.
|
Ảnh minh họa. |
Đến lúc cảm thấy quá khó chịu, Marie mới đi khám và được phát hiện bị nhiễm kí sinh trùng. Bác sĩ khám cho Marie cho biết, cô bị nhiễm Acanthamoeba, một loại vi sinh vật hiếm gặp nhưng dễ lây lan và khiến bệnh nhân có nguy cơ mù nếu bị nhiễm.
Bác sĩ cho rằng có thể trong lúc tắm, cô Marie vẫn để nguyên kính áp tròng trong mắt, không chịu tháo ra nên đã bị trùng amip xâm nhập vào mắt. Theo thời gian, các vi sinh vật đã chuyển sang ăn mòn mắt của Marie, khiến thị lực của cô giảm sút, không thể phục hồi. Cuối cùng, Marie buộc phải khoét bỏ một mắt, khiến công việc và cuộc sống đều bị ảnh hưởng.
Để giảm bớt các triệu chứng khó chịu, Marie còn phải đến bệnh viện thường xuyên và uống thuốc, vì vậy, cô chỉ có thể xin nghỉ công việc ban đầu của mình.
Hiện tại, dù bị mất một mắt, cô vẫn phải vật lộn để kiếm sống. Qua chuyện này, Marie cũng bày tỏ hy vọng rằng các nhà sản xuất kính áp tròng sẽ dán các dấu hiệu cảnh báo trên bao bì và cô hy vọng sẽ không ai có trải nghiệm giống mình trong tương lai.
Kiều Dụ (Theo CNT)