Làm dâu hào môn, Rằm tháng Giêng cũng bị chồng cấm về nhà mẹ

Google News

Đến nước này, tôi không biết mình nên ứng xử với cuộc hôn nhân hiện tại ra sao nữa. Tôi thực sự bất lực vì người chồng gia trưởng của mình.

Đầu năm, tôi cũng không muốn nói chuyện mâu thuẫn vợ chồng. Thế nhưng tình cảnh của bản thân khiến tôi thực sự không kìm được lòng. Tôi muốn chia sẻ suy nghĩ của mình, hi vọng nhận được tư vấn của mọi người.

Lấy chồng hơn 6 năm, tôi chưa một lần về ăn Tết cùng bố mẹ đẻ. Mỗi lần Tết đến, lòng lại nôn nao nhớ quê. Sáu năm lấy chồng xa là 6 năm tôi rơi nước mắt đêm giao thừa. Nhưng vì không muốn bố mẹ chồng nghĩ ngợi nên tôi phải nuốt nước mắt vào trong.

Thấy vợ buồn, chồng không động viên còn nói những lời khó nghe: “Ở nhà cao cửa rộng, ăn uống sung túc, sướng như tiên còn không biết điều. Năm nào tôi cũng thấy cô khóc, khóc cái nỗi gì không biết. Tết không về thì ngày khác về, sao cứ phải Tết?”.

Lam dau hao mon, Ram thang Gieng cung bi chong cam ve nha me

Câu nói của chồng như dao cứa vào tim tôi. Ảnh minh họa. Nguồn: Sohu

Câu nói của chồng như dao cứa vào tim tôi. Anh hỏi tôi sao phải chọn Tết để về quê mẹ? Vậy trong lòng anh có nghĩ, tại sao anh lại bắt tôi Tết phải ở nhà chồng phục vụ?

Thái độ đó càng khiến tôi hiểu thêm sự ích kỉ của người đàn ông tôi từng cãi lời bố mẹ quyết tâm lấy. Giờ có khóc lóc kêu khổ với bố mẹ cũng không biết bắt đầu từ đâu vì đó là lựa chọn mà tôi từng nghĩ sẽ không bao giờ hối hận.

Năm nay trước Tết, vợ chồng tôi lại cãi nhau trận nảy lửa vì chuyện về quê. Tôi nhẫn nhịn nên chấp nhận ở lại ăn Tết nhà chồng. Tôi càng không muốn năm mới mặt nặng mày nhẹ với nhau. Tôi gom góp ngày nghỉ phép còn lại của năm trước để ra Tết xin nghỉ dài. Tết không về được nên tôi chọn dịp Rằm tháng Giêng để về sum vầy, hy vọng còn chút không khí Tết.

Ấy vậy mà vừa mở miệng đề nghị, tôi đã bị chồng giáo huấn một bài về “đạo làm dâu hào môn”. Anh chì chiết tôi lấy được chồng giàu còn không biết điều. Anh ca cẩm tôi lấy chồng phải theo phong tục nhà chồng: “Cô có nghe câu 'cúng cả năm không bằng Rằm tháng Giêng' không? Rằm là dịp quan trọng nên cô muốn đi đâu cũng phải qua Rằm. Về nhà bố mẹ đẻ cũng vậy”.

Bây giờ thì tôi đã hiểu trước giờ anh luôn nghĩ tôi "chuột sa chĩnh gạo". Lấy chồng giàu mà đến quyền về nhà thăm bố mẹ đẻ cũng không có thì giàu có với tôi có ý nghĩa gì?

Tự nhiên nước mắt tôi trào ra, uất ức không thể nói thành lời. Tôi đã nhẫn nhịn 6 năm qua. Giao thừa nào cũng nghĩ về bố mẹ mà đau lòng. Tết ở nhà chồng, Rằm tháng Giêng anh cũng phải ở nhà chồng. Tôi không hiểu anh có biết nghĩ hay không.

Tối đó, tôi lặng lẽ lên phòng sắp xếp đồ về quê, mặc chồng thái độ khó chịu, cấm đoán. “Tôi quyết định rồi, tôi vẫn sẽ về nhà bố mẹ đẻ. Anh cũng có con gái, anh nên suy nghĩ tích cực. Anh làm thế nào để sau này con gái anh nó có đường lui. Đừng quá quắt để tuổi già ngồi khóc nhớ thương con”.

Câu nói của tôi dường như khiến anh chột dạ nên không nói được lời nào. Thực sự nghĩ về những gì mình phải chịu đựng suốt nhiều năm qua, tôi chỉ muốn ly hôn. Phụ nữ lấy chồng xa thiệt thòi, tủi thân. Giá như có người chồng hiểu và yêu thương mình thì tốt biết mấy. Tôi lại không may mắn có được phước phận như người ta…

Theo Độc giả Ngọc Linh/Vietnamnet