Cầm trên tay gói mứt Tết, cô Miên (Đống Đa, Hà Nội) cho biết đã chi ra gần 200 nghìn đồng để mua một gói mứt nặng 200gram. “Tôi là người rất thích ăn ngọt nên mứt là tôi thích lắm. Năm nay, tôi thấy bài đăng bán mứt đinh lăng với công dụng bất ngờ, tôi đặt mua về thử xem sao”, cô nói.
Cảm nhận về loại mứt Tết này, cô cho biết cứ nghĩ là khó ăn nhưng thực tế món ăn này rất ngon miệng, mùi vị lại mới lạ. “Ăn sẽ có chút vị thuốc bắc nhưng cũng dễ ăn và có mùi thơm của mật ong, đinh lăng lại rất tốt cho sức khoẻ nữa”, cô chia sẻ.
Chị Quế (TP.HCM) lại cho biết: “Chồng em không thích ăn vặt và cũng không thích buôn bán online vậy mà anh nghe món này, chưa ăn thử đã rất thích. Anh kêu em mua thử dùng và nếu được thì phân phối luôn vì anh thấy có tiềm năng và thích những món ăn liên quan đến sức khoẻ”. Sau khi ăn, chị đã quyết định nhập về bán thử để mọi người biết đến nhiều hơn.
Chị Hà - chủ cơ sở sản xuất mứt đinh lăng ở Tây Ninh, cho biết đã bán loại mứt này được 2 năm.
Chị Ngọc Hà – chủ cơ sở sản xuất mứt đinh lăng ở Tây Ninh, cho biết đây là năm thứ 2 chị làm loại mứt này. Chia sẻ về ý tưởng làm loại mứt này, chị Hà cho biết trong một lần du xuân ở Nam Định, chị thấy người dân trồng rất nhiều đinh lăng.
“Tôi biết đây là một loại dược liệu rất tốt cho sức khỏe, nó thuộc họ nhân sâm và giá lại rẻ. Thông thường, người dân thường sử dụng củ đinh lăng để ngâm rượu mà rượu thường người lớn mới sử dụng được và không phải ai cũng uống được rượu”, chị nói.
Chị đắn đo mãi trong đầu việc tạo ra một sản phẩm nào đó từ củ định lăng thông dụng hơn và nó như một loại thực phẩm có thể sử dụng hằng ngày và mọi lứa tuổi đểu có thể dùng được. Lên mạng tìm hiểu, chị biết có sản phẩm mứt đinh lăng và chị học hỏi từ đây.
Rễ đinh lăng phải được làm sạch và nạo sợi mỏng vừa ăn.
Khi mới thử nghiệm, chị đi vào vườn của gia đình nhà mình, sử dụng dụng cụ để đào lấy củ đinh lăng do bố mẹ trồng. Chị lấy về và bắt đầu thử làm mứt ăn thử. Ngay từ những mẻ đầu, chị đã làm ra được loại mứt khá ngon và lạ miệng.
“Ban đầu, tôi mang mứt cho mọi người trong gia đình thưởng thức trước. Ai cũng khen ngon và động viên tôi bán thử, thấy vậy nên tôi cũng đăng bán thử, không ngờ được người quen tin tưởng và đặt mua. Nhà không đủ đinh lăng, tôi phải nhờ người bạn của mình ở Nam Định mua và gửi về Tây Ninh giúp”, chị nói.
Đến nay, các đơn đặt hàng của chị tăng lên rất nhiều so với ban đầu vì được mọi người giới thiệu, chị cũng quảng bá sản phẩm của mình trên mạng xã hội nhiều. Năm đầu tiên, chị chỉ bán được vài chục cân, năm nay chị dự tính tiêu thụ hàng tạ mứt.
“Để làm được 1 kg mứt, tôi phải sử dụng 7-8kg củ đinh lăng làm nguyên liệu vì chỉ sử dụng phần mềm nhất của rễ để làm. Mứt được làm hoàn toàn thủ công nên khá mất thời gian, mỗi lần làm chỉ được vài lạng mà mất khoảng 30 phút cho một mẻ. Nên mỗi cân này sẽ được bán giá 180.000 đồng/200gram”, chị nói.
Để làm một kg mứt, chị cần 7-8kg rễ đinh lăng với độ tuổi trên 5 năm.
Theo chị, mứt đinh lăng làm khá dễ, chỉ cần bào đinh lăng cho nhỏ và sên là được, tương tự như cách làm mứt truyền thống. Trong đó, công đoạn khó nhất chính là bào rễ cây đinh lăng vì phải làm sao để miếng mứt vừa mỏng, đủ ăn mà không được dính tia gỗ của rễ.
Loại mứt được tạo ra từ rễ cây đinh lăng lá nhuyễn (thường gọi lá nếp), đạt độ tuổi trên 5 năm. Nói về công dụng của mứt đinh lăng, chị cho biết loại mứt này rất tốt cho sức khỏe. Và vị ngọt của mứt được chị tạo ra từ mật ong và cỏ ngọt kèm theo vị ngọt từ rễ đinh lăng đã có sẳn cho nên người tiểu đường vẫn có thể dùng được. Chị bán sản phẩm quanh năm với mong muốn sản phẩm vừa là món ăn vừa mang lại sức khoẻ cho người tiêu dùng.
Mứt được lấy vị ngọt từ mật ong và từ rễ của đinh lăng.
Hiện tại, chị đã lên kế hoạch trồng đinh lăng để chủ động được nguồn nguyên liệu. Tương lai xa, chị dự định sẽ mở rộng sản xuất và đưa sản phẩm đi khắp đất nước, người tiêu dùng có thể dễ dàng tiếp cận.
Theo tìm hiểu, rễ cây đinh lăng có giá trị cao, có tác dụng bồi bổ cơ thể phục hồi tốt cho người mới ốm dậy, tốt cho tiêu hóa, làm mát cho cơ thể. Các thầy thuốc Đông y quý củ đinh lăng lâu năm như sâm cao ly. Rễ cây đinh lăng sao vàng hạ thổ tác dụng điều trị viêm đại tràng mạn tính.
Cây đinh lăng dùng làm thuốc thì càng lâu năm càng tốt. Cây có tuổi đời từ 10 năm trở lên quý như nhân sâm. Lá thường dùng ăn gỏi cá chữa đau bụng, giải độc có tôm hoặc một số bài thuốc khác. Củ thì thường ngâm rượu, hoặc đưa vào các bài thuốc chữa bệnh.
Theo Nguyễn Thơm/Người đưa tin