Thời hiện đại, một số người theo đuổi chế độ ăn chay vì tín ngưỡng của riêng mình. Bên cạnh đó, cũng ngày càng nhiều người chọn ăn chay vì lý do sức khỏe và bảo vệ môi trường. Thế nhưng đã có không ít trường hợp, vì ăn chay quá khắt khe, dẫn đến việc cơ thể thiếu chất, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thậm chí là tính mạng.
Trong khi đó, chế độ ăn chay của người xưa lại là chế độ ăn tương đối lành mạnh lại hiệu quả. Tuy nhiên, chế độ ăn chay trường của người cổ đại kỳ thực là chế độ ăn vẫn có thịt. Như vậy, "không ăn tanh, không ăn mặn" rốt cục là thế nào? Chúng ta cùng tìm hiểu.
|
Ảnh minh họa. |
Ban đầu, quy định không ăn "tanh, mặn" là quy định của đạo Bà La Môn ở Ấn Độ cổ đại, sau Phật giáo phát triển, cũng cho rằng ăn "tanh, mặn" sẽ sản sinh ra ham muốn tham lam, không chừa được sắc dục, dễ kích thích tâm tình con người, rất khó tĩnh tâm, khống chế cảm xúc. Vì thế, Phật giáo giới hạn, cấm người tu hành không được ăn thịt, phải ăn chay.
Chỉ có điều, ít người biết được, trong các khái niệm hiện đại "tanh, mặn" thường để chỉ "thịt", thế nhưng trên thực tế "tanh, mặn" ban đầu có hàm ý chỉ những loại rau có vị lạ, hăng, nồng, nặng mùi như tỏi, hành, hẹ... Dần dần, đến thời cận đại, từ "tanh" lại biến tướng thành "thịt".
Theo một số ghi chép, vào thời cổ đại, nói ăn chay, chỉ là ăn nhiều rau, củ, quả hơn ăn thịt, không dùng các loại rau gia vị như hành, hẹ, tỏi, tránh để lại mùi.
Như vậy, có thể thấy, chế độ ăn chay của người cổ đại vừa lành mạnh lại vẫn đầy đủ các thành phần dinh dưỡng, giúp cân bằng các khoáng chất trong cơ thể. Chúng ta có lẽ cũng nên học hỏi chế độ ăn uống này, vừa nâng cao sức khỏe, vừa có thể giữ được vóc dáng. Không nên theo đuổi chế độ ăn chay 100% thực vật, tránh tình trạng cơ thể thiếu chất, dẫn đến uể oải, mệt mỏi, thiếu sức sống.
Kiều Dụ (Theo CNT)