Tình yêu tuổi xế bóng
Nhiều năm làm công tác chăm sóc người cao tuổi, chị Đào Phương Anh (SN 1988), nhân viên Hành chính tại viện dưỡng lão Orihome, cho rằng, thế giới tinh thần của người già vô cùng đa dạng, phong phú.
Ở đó, chúng ta có thể được chứng kiến cả những câu chuyện tình đẹp như trong chuyện cổ tích.
|
Ở tuổi xế chiều, các cụ vẫn hy vọng tìm thấy niềm vui ở viện dưỡng lão (Ảnh: Genebob.com). |
Mối tình người cao tuổi của ông Trần Văn Nam (90 tuổi, ở Đống Đa, Hà Nội) và bà Nguyễn Thị Dung (85 tuổi, ở Hai Bà Trung, Hà Nội) là một ví dụ điển hình.
Theo chị Phương Anh, ông Nam và Bà Dung cùng quen nhau tại viện dưỡng lão. Bà Dung trước đây là nhân viên kế toán của một trường đại học có tiếng ở Hà Nội. Cách đây 15 năm, chồng bà mất, bà sống cùng người con gái trong căn biệt thự lớn tại khu vực Gia Lâm, Hà Nội.
Con gái và con rể thường xuyên bận rộn với công việc. Vì vậy hàng ngày, để chăm sóc mẹ, cô con gái đã thuê một người người giúp việc. Tuy nhiên bà Dung do tuổi cao nên khó tính khiến những người giúp việc không chịu đựng được, phải xin nghỉ việc.
Bất đắc dĩ, con gái phải đưa bà vào viện dưỡng lão với hi vọng có người bầu bạn bà sẽ bớt khó tính hơn.
Tương tự, ông Nam từng là y tá của một bệnh viện tại Hà Nội. Khi về già, ông không còn được minh mẫn trong khi các con lại bận bịu công việc. Cuối cùng sau nhiều cuộc họp gia đình, các con quyết định đưa ông vào viện dưỡng lão.
Tại viện dưỡng lão, những người sức khỏe yếu sẽ được nhân viên bê đồ ăn lên tận phòng để phục vụ, nhưng ông Nam, bà Dung vẫn có thể tự mình đi ăn được. Theo đó, khi đến giờ ăn cơm, chuông sẽ reo báo hiệu và họ cùng nhau xuống nhà ăn.
Tuy nhiên bà Dung bị bệnh lãng tai nên không nghe rõ tiếng chuông. Những lần như vậy, ông Nam đều sang tận phòng gọi nhắc bà. Họ cùng đi ăn với nhau và những bữa cơm đó đã đưa họ đến gần nhau hơn.
Chị Phương Anh cho biết: “Ông và bà rất tình cảm. Mỗi buổi sáng họ cùng nhau xem ti vi, những ngày đẹp trời, họ cùng nhau đi dạo, nói chuyện và vãn cảnh. Cứ người này vắng mặt thì người kia lại lo lắng, hỏi han…
Mỗi lần đi ăn, ông và bà đều khiến mọi người xung quanh phải ganh tị. Theo đó, ông bà gắp thức ăn cho nhau, họ nhường nhau những món người kia thích, chẳng khác gì những đôi trẻ tuổi yêu nhau”.
Tuy nhiên tuổi già và sức khỏe đã khiến tình cảm của hai người bạn già bị chia cách. Chị Phương Anh chùng giọng, kể: “Họ đến đây làm không khí ở viện cũng vui vẻ thêm. Các con của ông bà biết chuyện tình cảm này nhưng không hề ngăn cản.
Cách đây hai năm, ông Nam mất, bà Dung rất hụt hẫng. Bà buồn bã trong một thời gian dài. Cuối cùng thương mẹ, cô con gái đã đến đón bà về nhà chăm sóc”.
Xô xát chỉ vì mất... cái tăm
Cũng công tác tại viện dưỡng lão này, anh Đỗ Xuân Thắng (SN 1987), Quản lý điều dưỡng, cho hay, điều khó khăn nhất của người làm điều dưỡng là nắm bắt tâm tư tình cảm của các cụ.
Theo anh Thắng, tính cách của những người già vốn "mưa nắng thất thường". Họ vừa vui vẻ phút chốc đã quay ra giận dỗi. Làm ở viện dưỡng lão cũng giống như làm bảo mẫu cho "những người trẻ bạc đầu", những lần như vậy người điều dưỡng không được la mắng mà chỉ dùng lời nói nhẹ nhàng để thuyết phục, khuyên nhủ.
Anh chia sẻ: “Tôi khá ấn tượng với trường hợp bà Nguyễn Thị Trâm (80 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội) và bà Hoàng Thị Nga (82 tuổi, ở Hai Bà Trưng, Hà Nội) .
Hai bà ở cùng phòng và thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Những chuyện tranh cãi của họ xuất phát từ nguyên nhân rất cỏn con. Ví dụ, có lần, con của bà này mang bằng khen vào khoe với mẹ thì bà còn lại thấy ganh tị, khó chịu.
Hoặc con cháu, người thân của bà này mang quần áo, bánh kẹo... qua biếu mà bà kia không có cũng khiến họ bực mình. Đi qua đi lại, người này nói người kia một câu thế là mâu thuẫn xảy ra".
Anh Đỗ Xuân Thắng cũng cho biết thêm, ở viện dưỡng lão, bà Trâm được đặt biệt danh là "bà cụ hay mất đồ". Theo đó, bà thường xuyên phàn nàn mình bị mất tài sản. Bà vốn bị bệnh tiểu đường, mắt kém, trí nhớ kém nên thường không nhớ đồ đạc đã để quên ở đâu.
Mỗi lần không tìm thấy đồ của mình bà lại xuống phòng tìm ban lãnh đạo hoặc gặp nhân viên khiếu nại chuyện bị mất tài sản. Tài sản của bà là chiếc thìa, cái kẹo, thậm chí là chiếc tăm...
"Thủ phạm" trong mắt bà không ai khác là người bạn cùng phòng, bà Nga. Bà Trâm khẳng định: "Ở trong phòng chỉ có 2 người. Đồ đạc của tôi mất thì chỉ có bà ấy lấy".
Những lần như vậy, nhân viên ở viện dưỡng lão đều phải đau đầu đi tìm đồ cho bà. Sau đó, họ khuyên nhủ và giải thích để bà không còn nghĩ xấu cho người bạn cùng phòng.
Anh Thắng cũng chia sẻ về một trường hợp hai cụ bà suýt đánh nhau chỉ vì mâu thuẫn nhỏ.
“Đó là bà Phương (86 tuổi, ở Hà Đông, Hà Nội) và bà Ngân (84 tuổi, ở Hoàng Mai, Hà Nội). Khi ở với nhau, hai bà đều cho rằng tất cả đồ đạc trong phòng này từ ti vi, điều hòa, tủ lạnh… đều là của mình và người kia không được sử dụng.
Vì vậy để giữ đồ của mình, có lần bà Phương chui vào tủ nhịn ăn, cố thủ, đòi mang tủ đi cất giấu. Lần khác, bà Ngân lại thấy bà Phương sử dụng đồ đạc trong phòng nên nói ra nói vào, dẫn đến cãi vã. Người này đánh người kia một cái, sau đó cả hai lao vào cào cấu với nhau.
"Lần đó qua camera, chúng tôi phát hiện vụ việc nên nhanh chóng lên phòng can ngăn hai bà. Đợi các bà bình tĩnh chúng tôi mới phân tích, khuyên giải. Mặc dù vậy, nhưng chỉ có hai bà mới ở được cùng nhau. Khi chuyển phòng, tách nhau ra, họ lại đòi quay về để ở cùng nhau", anh Thắng kể.
Theo Lê Thúy - Ngọc Trang/Vietnamnet