Theo các chuyên gia dinh dưỡng, khoai tây là món ăn hàng ngày, rất gần đối với người dân. Nó chứa nhiều tinh bột, cellulose, giàu vitamin B1, B2, phốt pho, đặc biệt khi khoai tây nấu chín cung cấp hàm lượng vitamin C khá cao.
Khoai tây có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe, vừa là loại thực phẩm tốt cho huyết áp, giữ cho huyết áp ổn định vừa cung cấp chất dinh dưỡng để nuôi thành mạch tim. Khoai tây còn rất giàu tinh bột có thể dễ dàng bị cơ thể đốt cháy để sản sinh năng lượng. Tuy nhiên, nếu chọn và chế biến sai cách khoai tây rất dễ biến thành chất độc.
|
Khoai tây mọc mẩm cực độc cần vứt bỏ ngay. Ảnh minh họa |
Khoai tây bị héo chứa chất độc solanine
Nhiều người có thói quen mua với số lượng lớn khoai tây để sử dụng trong một thời gian dài, tuy nhiên, cần lưu ý rằng khoai tây nếu để quá lâu có thể trở nên độc hại cho cơ thể. Khoai tây để lâu, vỏ sẽ bị nhăn và mềm. Ngoài ra, khoai tây tiếp xúc với ánh sáng mặt trời trong thời gian dài có thể làm tăng tốc độ sản xuất solanine gây hại cho bạn. Solanine (một loại glyco-alkaloid) có vị đắng và độc hại với cơ thể. Chúng có thể xuất hiện một cách tự nhiên trong bất cứ bộ phận nào của cây khoai tây, bao gồm lá, quả, củ, mầm.
Khoai tây mọc mầm gây tử vong
Mọi người thường băn khoăn về việc nên sử dụng hay loại bỏ khoai tây bị mọc mầm. Mầm khoai tây ngoài chứa nhiều solanine ma con chứa chất chaconine. Đây là hai loại của chất độc glycoalkaloids (glycoalkaloids là hợp chất hóa học độc hại có thể được tìm trong lá, thân và mầm khoai tây nếu để lâu. Ăn phải glycoalkaloids sẽ khiến bạn bị chuột rút, tiêu chảy, đau đầu, thậm chí hôn mê, tử vong)
Khoai tây màu xanh lục nguy hại cho hệ thần kinh
Các nhà khoa học khuyên bạn nên vứt bỏ những củ khoai tây có màu xanh lục và mọc mầm có thể gây hại cho hệ thống thần kinh. Sự mọc mầm diễn ra nhanh hơn khi khoai tây là giống vô cơ và không được xử lý hóa học. Nếu khoai tây vẫn tươi bị mọc mầm, bạn có thể dễ dàng cắt mầm và củ khoai có thể lưu giữ được phần lớn các giá trị dinh dưỡng. Ngược lại, nếu khoai tây đã bị héo, cách tốt nhất là bạn nên loại bỏ những củ khoai tây này.
Không nên ăn quả hồng, cà chua, anh đào:
Sau khi ăn khoai tây, dạ dày sẽ sản sinh một lượng lớn axit clohidric, nếu như lại tiếp tục ăn 3 loại quả này, axit dạ dày cùng trái cây sẽ tạo ra phản ứng kết tủa, làm cho tiêu hóa và đào thải khó khăn, rất dễ dẫn đến chứng khó tiêu, biếng ăn.
Không ăn quá nhiều
Dù khoai tây là nguồn cung cấp tinh bột, vitamin rất tốt nhưng chúng ta không nên sử dụng quá mà chỉ nên dùng lượng vừa phải, đặc biệt đối với bệnh nhân tiểu đường, thừa cân, béo phì. Nếu chúng ta sử dụng quá nhiều sẽ tăng cân hoặc tăng lượng đường huyết và nên sử dụng ở dạng luộc chứ không nên chiên, xào.
Do đó, theo BS Nguyễn Trọng Hưng, Phó trưởng khoa Dinh dưỡng Lâm sàng và Tiết chế, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khoai tây cũng như nhiều thực phẩm khác, khi chế biến chúng ta phải cẩn trọng, chọn những củ khoai tây tươi, ngon. Không ăn những củ khoai tây nảy mầm, biến đổi màu sắc, hoặc là màu sắc bất thường, khoai tây héo…
Theo An Nhiên/Khỏe & Đẹp