|
Thi thể hiến tặng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong ngành y. (Ảnh minh họa thực hành trên thi thể hiện tặng). |
Xung quanh những nhà tang lễ ở thành phố Sin tràn ngập những tờ rơi quảng cáo của một công ty. Trên tờ rơi đó là hình ảnh 2 bàn tay đang siết chặt. Phía trên bức hình là lời hứa: “Cung cấp những lựa chọn mà bạn cần”. Lựa chọn mà công ty đứng sau những tờ rơi này - Công ty dịch vụ quyên tặng Nam Nevada – đề cập là giúp các gia đình có tiền để trang trải chi phí đám tang đắt đỏ, giúp lo hỏa táng miễn phí. Đổi lại, người nhà có người qua đời sẽ phải tặng thi thể của người thân cho họ nhằm “tăng cường việc nghiên cứu y khoa”.
Công ty “thu thập thi thể”
Tuy nhiên, những việc đã xảy ra tại một nhà kho ở ngoại ô của bang Nevada lại cho thấy một sự thực khác hoàn toàn và không hề dễ chịu chút nào.
Cụ thể, vào mùa thu năm 2015, những người dân sống xung quanh nhà kho bắt đầu phàn nàn về mùi hôi thối bí ẩn và những chiếc hộp dính máu ở một thùng rác. Tháng 12 năm đó, theo hồ sơ y tế, một người dân đã gọi điện cho chính quyền địa phương để trình báo về hoạt động khác thường diễn ra trong sân của nhà kho.
Theo hồ sơ vụ việc, thanh tra y tế địa phương sau khi nhận được tin báo đã tới hiện trường. Tại đó, họ phát hiện một người đàn ông mặc đồ bảo hộ y tế đang cầm một chiếc vòi phun nước xối nước vào phần thân một thi thể đang đông cứng vào giữa trưa.
Báo cáo của cơ quan y tế bang Nevada về vụ việc ghi lại rằng, khi người đàn ông xối nước vào thi thể, các mẩu mô và máu đã theo dòng nước trôi xuống một mương nước. Con mương này chảy qua mặt trước của nhà kho rồi chảy qua cả một con phố ở gần một trường kỹ thuật.
Theo thanh tra y tế bang Nevada, Nam Nevada là một công ty chuyên môi giới thi thể, tức chuyên thu thập các thi thể của người chết, phân tách rồi bán các phần thi thể cho các nhà nghiên cứu y khoa, các tổ chức đào tạo và những người mua có nhu cầu khác. Phần thân thi thể được phát hiện ở sân nhà kho nói trên đang chuẩn bị được bán đi trong một thương vụ như vậy.
Mỗi năm, hàng nghìn người Mỹ hiến tặng thi thể của họ với niềm tin rằng mình đang đóng góp cho khoa học. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều người trong số họ cũng đang giúp một số công ty hoạt động vì lợi nhuận thu lời. Trong những trường hợp như vậy, thi thể của người đã khuất bị mang ra mua bán như một món nguyên liệu thô trong một thị trường nhìn chung không được điều chỉnh.
Những công ty môi giới thi thể như vậy còn được gọi bằng cái tên “hoa mỹ” hơn là các ngân hàng mô không cấy ghép. Gọi như vậy để phân biệt với ngành công nghiệp mô và nội tạng cấy ghép – ngành đã được chính phủ Mỹ điều chỉnh chặt chẽ. Việc bán tim, thận hay gân để cấy ghép được quy định rõ là hành vi bất hợp pháp. Ấy thế nhưng, hiện chưa có bộ luật liên bang nào của Mỹ điều chỉnh việc mua bán các thi thể hay các bộ phận của thi thể để sử dụng cho việc nghiên cứu hay giáo dục.
Rất ít tiểu bang có quy định về vấn đề này và hầu hết mọi người, dù có trình độ chuyên môn hay không, đều có thể phân tách các bộ phận cơ thể người và bán. “Vấn đề này hiện nay đang gần như là tự do”, bà Angela McArthur – người điều hành chương trình hiến thi thể tại Trường đại học Minnesota, trước đây từng Chủ tịch Ủy ban giải phẫu của bang Nevada – cho biết.
|
Bà Angela McArthur. |
“Chúng ta đang chứng kiến những vấn đề tương tự như những việc đã xảy ra với những tên cướp mộ từ nhiều thế kỷ trước. Tôi không biết nói như vậy đã đủ mạnh để cho thấy vấn đề chưa bởi việc mà họ đang làm chính là thu lợi từ việc bán thi thể con người”, bà nói, ngụ ý về tình trạng trộm thi thể người đã chết diễn ra vào thế kỷ thứ 19 – hành vi mà ngay ở thời đó đã bị xem là xâm phạm phẩm giá của người đã khuất.
Mô hình kinh doanh của ngành công nghiệp này xoay quanh việc tiếp cận một nguồn cung lớn các thi thể, thường là đến từ những gia đình nghèo khó. Để đổi lấy thi thể, những kẻ môi giới thường đưa ra đề nghị hỏa táng miễn phí thi thể của người hiến tặng miễn phí.
Theo một số người từng làm việc lâu năm trong lĩnh vực dịch vụ ma chay, với việc đề nghị hỏa táng miễn phí, những kẻ môi giới đã chạm tới vấn đề khó khăn nhất của những gia đình có thu nhập thấp. Bởi, nhiều người trong số này đã vét đến những đồng tiền tiết kiệm cuối cùng để chi trả chi phí điều trị cho người thân. Họ trở nên cùng quẫn đến mức không còn đủ tiền để lo một đám tang truyền thống cho người đã khuất.
“Có tiền thì người ta mới có thể bàn tính lo đám tang theo nghi lễ đạo đức, tôn giáo hay tinh thần. Nhưng nếu không có tiền, họ có thể sẽ buộc phải chọn phương án cuối cùng là hiến xác”, ông Dawn Vander Kolk, nhân viên ở một trung tâm hỗ trợ người nghèo ở Illinois, cho biết.
Việc có ít quy định điều chỉnh cũng đồng nghĩa với việc sẽ có ít chế tài khi thi thể bị đối xử không đúng mực. Trong trường hợp xảy ra tại Công ty Nam Nevada, lực lượng chức năng của bang sau khi phát hiện vấn đề nhận thấy họ chẳng thể làm gì khác ngoài việc đưa trát đòi hầu tòa về tội gây ô nhiễm môi trường đối với một trong số những nhân công của công ty trên.
Còn ông chủ của công ty là Joe Collazo thì không hề được nhắc đến trong trát hầu tòa. Nhờ đó mà ông ta vẫn có thể ung dung nói rằng ông ta lấy làm tiếc về sự cố. Có điều, chính Joe Collazo cũng thừa nhận rằng nếu có sự giám sát chặt chẽ thì ngành công nghiệp mà ông ta đang hoạt động sẽ hữu ích cho cả người hiến tặng, những người môi giới và các nhà nghiên cứu.
“Thành thực mà nói, tôi nghĩ cần phải có pháp luật điều chỉnh. Hiện vùng xám pháp luật trong vấn đề này vẫn còn quá nhiều”, ông ta nói.
Thị trường béo bở
Những thi thể được hiến tặng đóng vai trò quan trọng trong giáo dục, đào tạo và nghiên cứu y khoa. Các thi thể và bộ phận thi thể thường được sử dụng để giảng dạy cho các sinh viên y, các bác sỹ, y tá và nha sỹ.
Các bác sỹ phẫu thuật nói rằng không có ma-nơ-canh hay hình mẫu giả định trên máy tính nào có thể đưa đến phản ứng xúc giác và cảm xúc tâm lý như khi thực hành trên các bộ phận cơ thể người.
Các nhân viên y tế thường sử dụng đầu và thân người để học cách đặt ống thở. Các nhà nghiên cứu cũng đang dựa vào các phần cơ thể được hiến tặng để phát triển những công cụ, kỹ thuật hay phương pháp phẫu thuật cấy ghép mới. Các phần thi thể đó cũng giúp ngành y có thể phát triển các loại thuốc và phương pháp điều trị bệnh mới.
“Xác người là rất cần thiết”, ông Armand Krikorian – một bác sỹ tại Chicago, trước đây là Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu y khoa Mỹ - cho hay. Ông Krikorian dẫn phương pháp điều trị tiểu đường Type 1 được phát triển bằng cách nghiên cứu tuyến tụy trên xác người được hiến tặng để minh chứng cho điều này. “Phương pháp điều trị đó sẽ không bao giờ có thể tìm được nếu chúng ta không có những người hiến tặng toàn bộ cơ thể”, ông nói thêm.
Vai trò và ý nghĩa cực kỳ quan trọng của việc hiến xác với y khoa là điều không còn phải bàn cãi. Vấn đề ở đây là ở Mỹ vẫn chưa có một cơ quan nào chịu trách nhiệm ghi nhận đăng ký hoạt động của những người môi giới thi thể. Nhiều người như vậy đang hoạt động gần như ẩn danh, lặng lẽ thương lượng và thỏa thuận để có được thi thể người đã khuất rồi bán các phần cơ thể.
“Thị trường thi thể người chết rất lớn. Nhưng chúng ta lại biết rất ít về những người đang thu mua các thi thể đó và những gì mà họ đã làm với các thi thể”, ông Ray Madoff – một giáo sư chuyên nghiên cứu về luật liên quan đến việc đối xử với người đã chết tại trường Đại học luật Boston – nhận định.
Theo Hoàng Nam/ Báo Pháp Luật