Trước khi có công nghệ chế biến màu thực phẩm như hiện nay, các bà nội trợ thời xưa đã biết vận dụng màu sắc tự nhiên trong các loại thực phẩm để biến món ăn thêm phần thu hút. Những loại màu thực phẩm thiên nhiên này không chỉ giúp món ăn thêm phần hấp dẫn mà còn rất an toàn cho sức khỏe người dùng.
Màu xanh lá cây
Đây là một trong những màu dễ chiết xuất nhất bởi lẽ xanh lá cây là màu phổ biến và có rất nhiều loại thực phẩm chứa màu này. Vì thế, xanh lá cây cũng dễ dàng tìm thấy quanh ta bên trong các loại lá như rau ngót, lá dứa… Màu thực phẩm tự nhiên này có thể dùng để chế biến món bánh da lợn, xôi lá dứa hoặc nấu thành món chè xanh mát thơm ngọt. Bạn chỉ cần xay nhuyễn các loại lá này và cho vào một ít nước ấm. Sau đó, bạn dùng vải mỏng vắt thật chặt tay và thu về nước cốt màu xanh đậm để hòa vào thực phẩm là được.
|
Xanh lá cây được làm từ lá dứa. |
Màu tím
Loại màu sắc này khá hấp dẫn và đẹp mắt. Chúng thường được dùng trong các món mặn hoặc món tráng miệng khiến chúng vô cùng sặc sỡ trên bàn tiệc. Để tạo ra những bữa ăn đầy sắc tím rạng ngời này, người ta thường tận dụng củ dền, quả mồng tơi hoặc lá cẩm. Cách chiết xuất cũng tương tự như trên nhưng để màu sắc được trong hơn bạn nên lọc lại bằng rây. Chắc hẳn bạn cũng không thể nào quên được món xôi lá cẩm tím nồng nàn ăn cùng với muối mè đúng không nào?
|
Món xôi lá cẩm "thần thánh". |
Màu vàng cam
Những món được chế biến từ màu này thường mang một hương vị đặc biệt và đậm đà, chúng thường được sử dụng trong những món ăn đãi tiệc vì giúp mâm cỗ thêm thịnh soạn và cuốn hút. Ở Thái Lan hoặc Ấn Độ, người ta thường dùng củ nghệ hoặc nhụy hoa huệ tây để tạo ra màu vàng óng ánh cho món ăn, điển hình là món cà ri béo ngậy. Nghệ hoặc nhụy hoa huệ tây được xay nhuyễn, hòa với nước ấm rồi sau đó lược lại một lần trước khi hòa vào món ăn. Các loại màu sắc này cũng thường dùng để chế biến một số món tráng miệng nhằm giúp món ăn thêm phần bắt mắt.
Màu đỏ hoặc đen
Hai màu cổ điển này thường xuất hiện trong các mâm cỗ cúng gia tiên của người Việt, cụ thể là món xôi gấc và bánh gai đặc sản khu vực phía Bắc. Màu đỏ và đen là biểu tượng cho âm dương hòa hợp, đất trời làm một. Vì thế, hai màu sắc này cũng thường được dùng một cách khá phổ biến trong đời sống văn hóa và ẩm thực của người dân Việt Nam. Nói đến màu đỏ, người ta nhớ ngay đến những quả gấc đỏ au. Gấc thường được dùng để nấu xôi, ngoài ra chúng cũng thường được dùng để đổ rau câu hoặc nấu súp. Còn lá gai ngoài màu đen đặc trưng còn chứa một mùi thơm nồng nàn dìu dịu. Chúng sẽ khiến món ăn thơm nồng nàn khó tả và lưu giữ mùi hương thật lâu.
Màu nâu
Đây là một trong những loại màu cổ điển được văn hóa ẩm thực phương Tây rất ưa chuộng. Người phương Tây quen gọi màu sắc này là caramel với cách chế biến độc đáo giúp món ăn không những đậm vị mà còn rất bắt mắt. Để có được caramel người ta sẽ thắng đường cùng với nước sao cho đường tan hết và sôi lên đến độ nhất định và cho ra màu nâu óng rất đẹp mắt. Caramel thường dùng để chế biến các món tráng miệng đầy tinh tế trong văn hóa ẩm thực phương Tây. Trong các nhà hàng cao cấp, tay nghề của một vị đầu bếp đôi khi còn được đánh giá qua cách họ làm màu caramel tự nhiên cho món ăn nữa đấy.
Trong cơn bão thực phẩm bẩn, "tắm" phẩm màu độc hại như hiện nay thì cách này vừa giúp gia đình có những bữa cơm thơm ngon lại vô cùng đẹp mắt. Khi nhà có tiệc, bạn cũng hoàn toàn có thể vận dụng các cách tạo ra màu món ăn tự nhiên này để lấy lòng các vị khách của mình. Chắc chắn bạn sẽ được khen không ngớt lời với các mẹo nội trợ độc đáo này đấy nhé!
Theo Huy Khôi/TT&VH