Sau gần 1 tháng điều tra, cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an huyện Thường Tín đã chính thức ra quyết định khởi tố vụ án đối với bác sĩ Phạm Anh Sơn (54 tuổi), Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Thường Tín - Hà Nội, tự ý mở phòng khám tư khi chưa được cấp phép, làm chết cháu Nguyễn Đình Quân (16 tháng tuổi), trú tại xã Liên Phương, Thường Tín, TP.Hà Nội.
Theo cơ quan điều tra, bác sĩ Phạm Anh Sơn đã vi phạm điều 242, Bộ luật Hình sự về Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác.
|
Phòng khám tư của bác sĩ Phạm Anh Sơn làm 2 trẻ tử vong trong năm 2013 |
Theo tài liệu của cơ quan điều tra, ngày 19/11, gia đình cháu Quân đưa cháu đến phòng khám tư Hương Sơn, địa chỉ số 90 phố Tía, xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín do bác sĩ Phạm Anh Sơn - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Thường Tín làm chủ, để khám và điều trị.
Tại đây, bác sĩ Phạm Anh Sơn đã trực tiếp khám và tiêm mũi thứ nhất cho cháu Quân, cấp thuốc về nhà uống và hẹn hôm sau tới khám lại. Tuy nhiên, ngày 20/11, khi gia đình đưa cháu Quân đến khám, bác sĩ Sơn đã không thử phản ứng, vì thế khi tiêm xong cháu Quân có nhiều biểu hiện bất thường và được bác sĩ Sơn cấp cứu ngày tại phòng khám. Đến khi tình trạng nguy kịch bác sĩ Sơn mới gọi xe đưa bệnh nhi vào Bệnh viện Nông nghiệp I cấp cứu nhưng cháu Quân đã tử vong trước khi được đưa đến bệnh viện.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Bệnh viện đa khoa Thường Tín đã tạm đình chỉ công tác với bác sĩ Sơn để phục vụ công tác điều tra. Trước đó, tháng 6/2013, cũng tại phòng khám Hương Sơn, một bé sau khi được y tá tiêm thuốc điều tra đã bị sốc phản vệ, tử vong sau 3 ngày cấp cứu tại Bệnh viện Nhi.
Trước những diễn biến của vụ việc trên, trao đổi với Kiến thức, Luật sư Hoàng Văn Thạch, Đoàn Luật sư Hà Nội, Văn phòng Luật sư Trí Minh, hành vi sai phạm có thể nhìn thấy ngay của bác sĩ Phạm Văn Sơn là khám chữa bênh khi chưa có giấy phép. Điều này vi phạm quy định tại Khoản 6 Điều 11 Luật doanh nghiệp, vi phạm Khoản 2 Điều 6 Luật khám chữa bệnh.
Ngoài ra thì cần khám nghiệm làm rõ cái chết của cháu bé có nguyên nhân là gì? Nếu cái chết này có nguyên nhân do bác sĩ Sơn vi phạm một số hành vi bị cấm tại Điều 6 Luật khám chưa bênh là: “Áp dụng phương pháp chuyên môn kỹ thuật y tế chưa được công nhận, sử dụng thuốc chưa được phép lưu hành trong khám bệnh, chữa bệnh; Sử dụng hình thức mê tín trong khám bệnh, chữa bệnh; không tuân thủ các quy định chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh” dẫn đến gây thiệt hại cho tính mạng của người khác thì bác sĩ Sơn còn có thể bị xử lý về tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh…” theo quy định tại Điều 242 BLHS với mức hình phạt cao nhất theo quy định tại Khoản 1 là 05 năm tù.
Khoản 2 điều này áp dụng cho trường hợp “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, nhưng hiện nay chưa có hướng dẫn về “gây hậu quả rất nghiêm trọng” đối với tội danh này, tuy vậy có thể tham khảo hướng dẫn tại Nghị quyết 02/2003/NQ-HĐTP của Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn cho tội danh vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (Điều 202 BLHS) để coi trường hợp làm chết 02 người là “gây hậu quả rất nghiêm trọng”. Do vậy, nếu trước đây bác sĩ Sơn từng làm chết một người cũng vì lý do vi phạm quy định về khám, chữa bệnh thì có thể xử lý bác sĩ Sơn theo quy định tại Khoản 2 với mức hình phạt cao nhất là 10 năm tù.
Điều 242. Tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác.
1. Người nào vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 201 của Bộ luật này, gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ của người khác hoặc đã bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt từ từ bảy năm đến mười lăm năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Lê Phương - Minh Hiếu