Thế kỷ 15- Thế kỷ 17: giày Chopine
Những quý cô sống vào thế kỷ thứ 15 - 17 thường xuyên đi một kiểu giày cao gót rất đặc biệt, có tên là chopine để bảo vệ chiếc váy dài lê thê khỏi bùn đất đồng thời cũng là một biểu tượng chứng minh địa vị trong xã hội.
Đôi giày Chopine có kiểu dáng rất đặc biệt, với phần gót được gắn ở đế giày, có chiều cao lên đến 50cm. Nhờ chiều cao này mà phụ nữ có thể giữ cho phần chân váy được sạch sẽ, không dính bùn đất. Tuy nhiên, khi sử dụng đôi giày này, họ phải bước đi rất cẩn thận, nếu không sẽ rất dễ bị ngã.
Năm 1939: Mặt nạ bảo vệ lớp trang điểm
Vào khoảng năm 1939 rộ lên một sản phẩm giúp phụ nữ bảo vệ lớp trang điểm khỏi điều kiện thời tiết không thuận lợi như mưa gió hay tuyết. Đó là chiếc mặt nạ hình chóp nhọn trong suốt, có khả năng che chắn. Tuy nhiên, sản phẩm này cũng không mấy tiện lợi vì thường xuyên bị đọng hơi nước ở mặt trong. Mặc dù vậy, phụ nữ vẫn sử dụng nó rất thường xuyên nhằm giữ lớp trang điểm cầu kỳ.
Thế kỷ 20: Máy tạo lúm đồng tiền
Khoảng đầu thế kỷ 20 rộ lên cơn sốt má lúm đồng tiền. Một cô gái với đôi má in lúm đồng tiền được xem là biểu tượng của vẻ đẹp quyến rũ. Vào năm 1923, một thiết bị tạo ra lúm đồng tiền được phát minh nhằm đáp ứng sở thích làm đẹp này của chị em phụ nữ.
Đó là thiết bị làm đẹp được gắn lên mặt, hình chữ U, ép chặt vào mang tai, má và cằm để tạo hình má lúm. Phụ nữ phải sử dụng thiết bị này thường xuyên, trong một thời gian dài mới có thể tạo ra được má lúm. Và tất nhiên, họ phải chịu đựng các cơn đau và sự khó chịu trong suốt thời gian đó.
Thời kỳ phục hưng: Trán cao, không lông mi
Có lẽ không có một cô gái nào muốn trào lưu làm đẹp của thời kỳ phục hưng quay trở lại. Phụ nữ thời kỳ phục hưng rất yêu chuộng gương mặt tròn và dài, họ thậm chí còn cạo đường viền tóc càng cao càng tốt để tạo vầng trán cao và rộng.
Bên cạnh đó, đôi mắt không có lông mi cũng được xem là xu hướng. Phụ nữ thường sử dụng nhíp để nhổ trụi lông mi bất chấp đau đớn.
Tại Anh, thế kỷ 17: Da trắng như sứ
Phụ nữ Anh sống vào thế kỷ 17 tôn thờ làn da trắng toát như sứ. Họ thường xuyên sử dụng những sản phẩm chứa chì và dấm để tẩy trắng da. Tuy nhiên, phương pháp này mang đến những hậu quả xấu xí về sau, đó là làn da chuyển dần sang màu vàng và khó có khả năng phục hồi.
Nữ hoàng Anh, Elizabeth I là một tín đồ của phương pháp làm đẹp này. Làn da mặt của bà đạt đến độ trắng cực đại.
Tại Anh, thế kỷ 17: Da hiện gân xanh
Vào thế kỷ 17, tại Anh còn rộ lên một xu hướng làm đẹp khác không kém phần kỳ quặc là làn da hiện chi chít gân xanh. Thậm chí, để có làn da được xem là chuẩn mực này, phụ nữ còn dùng bút chì màu xanh để vẽ gân lên trên cổ, ngực và vai.
Thời đại Victoria: Cắn môi để tạo bờ môi hồng
Nữ hoàng Victoria từng cấm phụ nữ sử dụng mỹ phẩm, tuy nhiên, lệnh cấm này không thể ngăn cản phụ nữ theo đuổi sở thích làm đẹp. Để có bờ môi đỏ mọng, cặp má hồng thay vì sử dụng son và phấn hồng, họ dùng răng cắn sưng tấy môi và xoa liên tục 2 bên má để đôi má ửng hồng lên.
Thế kỷ 19: Dùng thạch tín để làm đẹp
Vào thế kỷ 19, phụ nữ có sở thích làm đẹp rất kinh dị, đó là ăn thạch tín để gương mặt trông sáng hơn, mắt long lanh hơn và thân hình trở nên hấp dẫn. Tuy nhiên, phương pháp làm đẹp này gây nên hậu quả khôn lường, đó là thạch tín bị tích tụ trong tuyến giáp, gây ra bướu cổ và có thể gây tử vong.
Thời đại Victoria: những chiếc váy xanh gây chết người
Vào thời đại Nữ hoàng Victoria, một chất nhuộm màu xanh đã được phát minh, giúp màu xanh trở thành xu hướng được yêu thích và được sử dụng rất nhiều để nhuộm màu trang phục. Để tạo ra những tấm vải màu này, người ta đã sử dụng một hỗn hợp bao gồm thạch tín và đồng rất độc hại.
Chất nhuộm này nếu tiếp xúc với niêm mạc mắt sẽ gây kích ứng và dần xâm nhập dưới da.
Theo PV/Khám Phá