Củ khoai tây thường có màu vàng nhạt hoặc nâu nhạt hoặc hơi tím. Tuy nhiên, khi củ khoai tây tiếp xúc trực tiếp nhiều với ánh sáng trong thời gian dài sẽ dần chuyển sang màu xanh lá, lúc này khoai tây sẽ sản sinh ra chất diệp lục.
Mục đích của việc này là giúp bảo vệ của khoai tây khỏi tác nhân của tia UV trong ánh sáng mặt trời, giúp nó bảo vệ phần lõi và toàn bộ của khoai tây. Chúng ta cũng đã biết, chất diệp lục thì hoàn toàn không gây hại cho con người. Chúng có ở tất cả các loại rau xanh mà chúng ta vẫn ăn hàng ngày.
Khoai tây có vỏ màu xanh có thể gây ngộ độc nếu ăn phải. Ảnh minh họa
Tuy nhiên, với trường hợp của khoai tây lại hoàn toàn khác, khi sản sinh ra chất diệp lục, củ khoai tây cũng bắt đầu sản sinh ra một chất có tên là Solanine và chất này có thể gây ngộ độc cho con người.
Gọt lớp vỏ màu xanh của khoai tây có loại bỏ được độc tố?
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, nồng độ solanine được tìm thấy trong vỏ, xung quanh mắt hoặc mầm khoai tây, do đó gọt vỏ sẽ giảm khoảng 30% nồng độ solanine. Tuy nhiên, điều đó có nghĩa còn 70% độc tố trong phần thịt khoai. Vì vậy ngay cả khi đã gọt vỏ, bạn vẫn có thể bị ngộ độc nếu ăn. Các phương pháp chế biến như luộc, nướng hoặc chiên rán không làm giảm đáng kể lượng solanine.
Theo các báo cáo về những vụ ngộ độc solanine trên thế giới cho thấy liều lượng chất khoảng 1,25-2 mg/kg trọng lượng cơ thể là đủ để gây triệu chứng ngộ độc. Ngoài ra, mức độ ngộ độc còn phụ thuộc vào khả năng chịu đựng và cơ thể mỗi người.
Ví dụ, ăn một củ khoai tây nặng 450 g (đã sinh màu xanh) tức là đưa vào cơ thể 20 mg solanine. Một người nặng 50 kg ăn 100 g khoai tây có solanine có thể bị ngộ độc. Tuy nhiên, tình trạng ngộ độc nặng hay nhẹ còn tùy thuộc vào nồng độ solanine trong củ cao hay thấp, hoặc người ăn là trẻ em, thấp bé...
Vì vậy, khoai tây đã chuyển sang màu xanh và có vị đắng, tốt nhất không nên sử dụng.
Sau khi gọt vỏ nên ngâm khoai tây vào nước muối loãng, khi nấu cho thêm ít giấm ăn để loại bỏ độc tố. Ảnh minh họa
Ngộ độc solanin trong khoai tây nguy hiểm thế nào?
Khi khoai tây có vỏ xanh hoặc mọc mầm thì các chất tinh bột trong khoai được chuyển đổi thành các loại đường, đường này sẽ biến đổi thành các alcaloit không có lợi cho cơ thể người, hay còn gọi là solanine và chaconine-alpha. Ngộ độc khoai tây có thể xảy ra nếu bạn ăn vỏ xanh trên củ hoặc các mầm khoai. Nếu ăn với lượng ít, solanine và alpha-chaconine trong khoai tây gây ra những vấn đề nhẹ ở đường tiêu hóa như đau bụng, nôn mửa và tiêu chảy.
Nặng hơn, các triệu chứng sẽ trầm trọng và đau đớn hơn. Bạn có thể gặp vấn đề nghiêm trọng về thần kinh cùng với các trục trặc về tiêu hóa như mê sảng, tiêu chảy, giãn đồng tử, sốt theo cơn, ảo giác, đau đầu, sốc, hạ thân nhiệt, tê liệt, chậm chạp, thở chậm lại, đau bụng, nhìn kém, nôn.
Các chuyên gia khuyến cáo, nếu cảm thấy bất kỳ triệu chứng nào, nên gọi cấp cứu ngay để được cấp cứu kịp thời.
4 cách phòng tránh ngộ độc khi ăn khoai tây
- Chọn mua củ khoai màu vàng thì tốt hơn ngả sang trắng. Củ nào cầm lên thấy nặng, lành lặn, vỏ trơn nhẵn sẽ tươi ngon hơn.
- Không để khoai tây nơi có ánh sáng và không lưu trữ quá 12 ngày. Khi gọt vỏ khoai, nếu thấy vệt màu xanh thì nên vứt bỏ.
- Để hạn chế ngộ độc, trước khi bỏ khoai vào chế biến nên ngâm vào nước muối loãng vài giờ, khi nấu cho thêm ít giấm ăn để loại bỏ độc tố.
- Tuy nhiên, nếu khoai tây có vị đắng, bạn đừng tiếc và nên bỏ chúng đi ngay lập tức.
Theo M.H/Gia đình & Xã hội