Mang 2 buồng tử cung và 2 cổ tử cung
Khoa Phụ ngoại A5, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội tiếp nhận bệnh nhân A sinh năm 2013 ở Sóc Sơn, Hà Nội. Bé A được gia đình đưa đi khám vì thấy con bị rong kinh kéo dài 1 tháng.
Quan sát bên ngoài bệnh nhân không có gì bất thường, không sốt. Hình ảnh chụp MRI cho thấy bệnh nhân có 2 buồng tử cung, 2 cổ tử cung, vách ngăn dọc âm đạo không hoàn toàn bên trái, ứ dịch trong lòng âm đạo bên trái. Bệnh nhân được kết luận dị tật bẩm sinh cơ quan sinh dục và cần nhập viện, mở thông âm đạo bị bịt.
PGS. TS. BS Lê Thị Anh Đào,Trưởng khoa Phụ ngoại A5 cùng ekip gây mê hồi sức đã thực hiện thành công ca mổ. PGS Đào cho biết: trường hợp như thế này là ca khó vì cháu còn nhỏ, phẫu trường rất bé, nếu chỉ giải quyết bằng phương pháp mở thông dẫn lưu sẽ gây nhiễm trùng, tạo sẹo dính tại phần mở thông, đồng nghĩa gây khó khăn hơn cho những lần phẫu thuật tiếp theo và ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của cháu. Vậy nên việc mở thông tạo hình phần âm đạo bị bịt rất quan trọng.
PGS.TS Đào cảnh báo, sức khoẻ sinh sản cho các bé vị thành niên là mối quan tâm của toàn xã hội. Để tránh những nguy cơ về sức khỏe sinh sản có thể gặp ở tuổi vị thành niên, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ cách chăm sóc sức khỏe bản thân, quan sát, hỗ trợ và đưa trẻ đi khám kịp thời khi phát hiện ra bất thường.
|
Ca phẫu thuật cho bệnh nhi rong kinh bị dị tật tử cung.
|
Nhiều bệnh lý gây rong kinh
Ths.BSCKII Nguyễn Thị Minh Thanh,Trưởng khoa khám Chuyên gia, bệnh viện Phụ sản Hà Nội rong kinh là tình trạng thường gặp ở chị em phụ nữ. Tuy nhiên không vì thế mà chị em chủ quan.
BS Thanh phân tích, rong kinh là tình trạng hành kinh đúng chu kỳ kinh nguyệt nhưng kéo dài trên 7 ngày. Lượng máu có thể nhiều hoặc ít tùy thuộc vào cơ địa mỗi người. Cùng với đó, chị em có thể xuất hiện những biểu hiện đi kèm như những cơn đau bụng dữ dội ở phần bụng dưới, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày. Màu sắc máu thường có màu đỏ sẫm. Quan sát kỹ có thể thấy kèm theo các tế bào chết ở niêm mạc âm đạo và tử cung bị bong tróc.
Rong kinh có thể khiến chị em chủ quan với nhiều vấn đề bệnh lý và nhầm tưởng đó là kinh nguyệt. Tuy nhiên, rất nhiều những trường hợp ra máu bất thường được xem là bệnh lý. Chẳng hạn, với chị em có chu kỳ kinh đều, lượng kinh ra đúng kỳ nhưng kéo dài trên 7 ngày thì được gọi là rong kinh.
Rong huyết là tình trạng phụ nữ ra máu bất thường nhưng không đúng chu kỳ kinh và lượng kinh cũng kéo dài trên 7 ngày.
Theo BS Thanh, khi ra máu dù là đúng kỳ kinh hay ngoài kỳ kinh nhưng có lượng máu khác so với bình thường (số lượng, số ngày) chị em nên đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa.
Đối với bác sĩ sản khoa, khi gặp các trường hợp phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và có quan hệ tình dục nếu rong kinh thì luôn nghĩ tới trường hợp có thai. Ví dụ một số trường hợp chửa ngoài tử cung, hiện tượng ra máu có thể xuất hiện dai dẳng từ lúc xuất hiện chu kỳ kinh nguyệt cho tới 10 ngày.
Khi có hiện tượng đau bụng, sốc thì lúc này thai có nguy cơ vỡ và ảnh hưởng đến tính mạng sản phụ. Hoặc khi rong kinh và chẩn đoán có thai thì có thể là dấu hiệu của dọa sảy thai, thai lưu, chửa ngoài tử cung, thai trứng hoặc những dấu hiệu bất thường về cổ tử cung.
Do vậy với chị em, khi ra máu dù là đúng kỳ kinh hay ngoài kỳ kinh nhưng có lượng máu khác so với bình thường (số lượng, số ngày) nên đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa. Tình trạng rong kinh nhiều, kéo dài sẽ gây nên tình trạng mất máu, thiếu máu. Bên cạnh đó còn gây ảnh hưởng tới tâm lý gây lo lắng, mất ngủ… Tùy từng trường hợp rong kinh rong huyết các bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân và đưa ra phác đồ điều trị.
ThS.BSCKII Nguyễn Thị Minh Thanh nhấn mạnh, rong kinh và rong huyết đều là những dấu hiệu không bình thường. Bởi có thể là dấu hiệu của những bệnh lý tiềm ẩn như hội chứng buồng trứng đa nang, rối loạn kinh nguyệt do lo âu stress…
Bệnh nhân nên thăm khám để chẩn đoán nguyên nhân và có biện pháp khắc phục. Vì với mỗi đối tượng phụ nữ lại có những nguy cơ khác nhau như tuổi dậy thì, độ tuổi sinh sản, độ tuổi tiền mãn kinh…
Với tất cả phụ nữ dù quan hệ hay chưa quan hệ nên đi thăm khám chuyên khoa để xem có bất thường gì bộ phận sinh dục hay không.
Phụ nữ trong quá trình sinh sản cũng nên đi thăm khám định kỳ 6 tháng – 1 năm/lần, không chỉ kiểm tra về sức khỏe mà còn kiểm tra về khả năng sinh sản.
Ở độ tuổi tiền mãn kinh hay mãn kinh cũng nên đi thăm khám định kỳ để phát hiện ra các bệnh lý sớm nhất có thể để can thiệp và điều trị sớm.
Ngoài ra bất kỳ khi nào có dấu hiệu bất thường về rong kinh, rong huyết, rối loạn kinh nguyệt, quan hệ ra máu… cũng nên đi thăm khám các bác sĩ chuyên khoa.
Ảnh hưởng của rong kinh khiến chị em bị mất máu quá nhiều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, khiến cơ thể:
Thiếu máu: do giảm hồng cầu, giảm oxy đến các mô dẫn đến khó thở, xanh xao, suy nhược và mệt mỏi
Các cơn đau dữ dội: Đôi khi rong kinh còn đi kèm đau bụng kinh khiến chị em không thể làm được việc.
Máu kinh có màu đen, bị ứ trong tử cung và phần phụ, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản
Nếu nguyên nhân rong kinh do các bệnh phụ khoa như u xơ tử cung, viêm nội mạc tử cung, polyp tử cung hay hội chứng buồng trứng đa nang, ung thư tử cung… không chữa trị kịp thời có thể gây vô sinh.
Vì vậy, nếu thời gian rong kinh nhiều, trải qua nhiều chu kỳ kinh vẫn gặp hiện tượng này, chị em nên chủ động thăm khám để can thiệp kịp thời, phòng ngừa nguy cơ vô sinh, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Biểu hiện của rong kinh
- Có kinh kéo dài trên 7 ngày.
- Xuất huyết nặng trong kỳ kinh nguyệt, cụ thể là bạn phải thay băng vệ sinh mỗi giờ một lần do xuất huyết và tiếp diễn liên tục trong nhiều giờ.
- Về ban đêm, kinh nguyệt ra nhiều và vẫn phải thay băng liên tục.
- Mệt mỏi, thở dốc, có những triệu chứng của thiếu máu nếu như rong kinh kèm theo cường kinh trong thời gian dài.
- Máu kinh đóng thành từng cục lớn và hay bị đau bụng dưới.
Thúy Nga