Với những người bị hiếm muộn, việc kết hợp Đông y và Tây y sẽ làm tăng khả năng thụ thai khi làm thụ tinh trong ống nghiệm.
Niềm hy vọng mới cho người hiếm muộn
Bế đứa con năm tháng tuổi trên tay, chị VNT, sống tại quận 7, TP.HCM vui mừng chia sẻ: “Sau một thời gian dài chữa vô sinh, hiếm muộn, trông mong đợi chờ trong vô vọng, cuối cùng tôi cũng đã được làm mẹ”.
Chị T. cho biết cưới nhau hơn một năm, chị có thai nhưng thai ngoài tử cung. Sau đó, chị đi khám, bác sĩ chẩn đoán một bên buồng trứng của chị có vấn đề, cho nên xác suất có thai chỉ còn 50%. Chị đi canh trứng sáu tháng nhưng vô tác dụng nên quyết định làm thụ tinh trong ống nghiệm. Bốn năm điều trị kéo dài với 15 lần chuyển phôi thất bại, trong một lần tình cờ đọc trên mạng, chị tìm đến Đông y như niềm hy vọng cuối cùng. “Tới đây, tôi được các bác sĩ giúp đỡ trong quá trình điều trị hơn một năm từ bắt mạch, uống thuốc đến châm cứu hỗ trợ chuyển phôi. Với quyết tâm của bác sĩ và sự cố gắng mà giờ đây tôi đã được làm mẹ” - chị T. cười hạnh phúc.
Cũng giống chị T., gia đình chị Đoàn Thị CT, 40 tuổi, ở quận 7, đã có tin vui sau khi thực hiện châm cứu tại Viện Y dược học dân tộc TP.HCM. Chị CT cho hay chị đã điều trị khắp nơi từ Nam ra Bắc suốt 12 năm, đã nhiều lần lấy trứng nhưng vẫn không có kết quả. Thế nhưng sau khi được BS Quan Vũ Ngọc, khoa Ngoại tổng hợp, Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, điều trị châm cứu hỗ trợ thụ tinh trong ống nghiệm, kết hợp uống thuốc Đông y, chị đã đậu thai và đến nay thai phát triển rất tốt. Chị vẫn tiếp tục uống thuốc và đang mong đợi ngày bé chào đời.
|
BS Quan Vũ Ngọc đang châm cứu cho một bệnh nhân hiếm muộn đến từ Nam Định. Ảnh: Nguyễn Quyên. |
Phải châm cứu 7-15 ngày trước khi chuyển phôi
BS Ngọc cho biết hiện mỗi tuần Viện Y dược học dân tộc TP.HCM tiếp nhận 5-10 trường hợp phụ nữ hiếm muộn đến tìm sự giúp đỡ trong tuyệt vọng. Đa phần họ đã áp dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản như bơm tinh trùng vào buồng tử cung, thụ tinh trong ống nghiệm nhưng vẫn không thành công. Họ chọn Đông y như niềm hy vọng cuối cùng trên con đường tìm kiếm đứa con cho mình. Và những bệnh nhân này khi được hỗ trợ thêm Đông y, có nhiều người đã có thể mang thai và sinh con.
Cuộc trò chuyện với PV luôn bị gián đoạn vì BS Ngọc thỉnh thoảng lại nhận được những cuộc điện thoại của bệnh nhân hiếm muộn thông báo đã đậu thai sau khi châm cứu. BS Ngọc khẳng định: “Thuốc Đông y cùng với châm cứu sẽ có tác dụng hỗ trợ tăng sức khỏe, tăng khả năng đậu thai trước quá trình chuyển phôi cho phụ nữ hiếm muộn. Hiện thụ tinh trong ống nghiệm, tỉ lệ thành công khoảng 40%-45%. Thế nhưng trước khi chuyển phôi, người này được châm cứu 7-15 ngày thì khả năng thụ thai sẽ tăng thêm 30%. Châm cứu trong thời gian này sẽ làm tăng cường lưu thông máu huyết ở vùng tử cung, tăng lưu lượng dòng máu đến tử cung, làm giảm co thắt tử cung, giúp bệnh nhân giảm stress, tinh thần thoải mái. Từ đó, tỉ lệ đậu thai kết hợp Đông y và Tây y có thể đạt khoảng 70%”.
Tuy nhiên, BS Ngọc cũng lưu ý “việc châm cứu phải tiến hành trước thời gian chuyển phôi 7-10 ngày, các trường hợp châm cứu 2-3 ngày trước khi chuyển phôi sẽ ít có tác dụng. Châm cứu lúc này chủ yếu là hỗ trợ cho Tây y, cho nên bệnh nhân vẫn tuân thủ phác đồ điều trị bên Tây y. Ngoài châm cứu, bệnh nhân sẽ được chỉ định uống thuốc tùy thuộc vào tình trạng bệnh lý của mình. Chủ yếu là thuốc bổ cho nên bệnh nhân có thể uống song song với thuốc Tây, miễn cách nhau một khoảng thời gian nhất định. Bệnh nhân uống thuốc Đông y hoàn toàn không ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như thai nhi”.
Bàn về vấn đề trên, BS Đinh Thị Lan Hương, bác sĩ nội trú Viện Y dược học dân tộc TP.HCM, cho biết thêm Đông y có những phương pháp rất tốt để điều trị hiếm muộn như sử dụng thuốc, châm cứu và một số biện pháp thuộc về thực dưỡng. Đối với phụ nữ chuẩn bị thụ tinh trong ống nghiệm, châm cứu sẽ giúp họ khỏe mạnh hơn, đầy đủ khí huyết để việc đặt phôi đạt hiệu quả cao. Còn việc dùng thêm thuốc sẽ làm tăng niêm mạc tử cung tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển phôi. Tuy nhiên, BS Lan Hương cũng cho hay không phải bệnh lý nào cũng có thể sử dụng Đông y.
Năm 2013, BS Quan Vũ Ngọc thực hiện đề tài nghiên cứu tốt nghiệp thạc sĩ “Đánh giá chất lượng của châm cứu vào giai đoạn trước và sau chuyển phôi trên bệnh nhân hiếm muộn làm thụ tinh trong ống nghiệm ở BV Hùng Vương”. Đề tài được thực hiện với sự phối hợp của BS CKII Lý Thái Lộc (Trưởng khoa Hiếm muộn BV Hùng Vương), PGS-TS Nguyễn Duy Tài (bộ môn sản ĐH Y Dược TP.HCM), BS Vũ Thị Nhung (Hội Phụ sản TP.HCM).
Việc châm cứu đã được thực hiện trên 99 bệnh nhân đang được thụ tinh trong ống nghiệm tại BV Hùng Vương đã đến giai đoạn chuyển phôi. Vào trước và sau thời điểm chuyển phôi, họ được bác sĩ chỉ định châm cứu 25 phút tại các huyệt ở tai, đầu, vùng bụng, chân. Kết quả cho thấy nhóm được châm cứu tỉ lệ có thai 50% và ở nhóm giả châm cứu chỉ có 26,5% (dùng kim giả để châm). Kết quả này cho phép loại trừ việc châm cứu chỉ là một liệu pháp tinh thần vì với những bệnh nhân thực hiện phương pháp giả châm, tỉ lệ thụ thai ngang với tỉ lệ không can thiệp, ở mức dưới 30%.
________________________________________
Năm 2015, qua tham khảo các tài liệu nghiên cứu trên thế giới thấy hầu như bệnh nhân thụ tinh ống nghiệm đều được châm cứu và đa phần làm trước một tuần lễ. Tôi đã thử nghiệm tại viện và cho kết quả khá khả quan. Thống kê sơ bộ, từ tháng 4 đến tháng 7-2017, trong 30 bệnh nhân làm thụ tinh trong ống nghiệm được châm cứu trước khi chuyển phôi, có 21 bệnh nhân đã đậu thai nhờ phương pháp châm cứu này.
Sắp tới, tôi sẽ viết một báo cáo về những trường hợp đã thành công trình lên ban giám đốc xét duyệt, tìm cơ hội hợp tác với các bệnh viện đang điều trị hiếm muộn như Hùng Vương, Từ Dũ, Mỹ Đức…
BS QUAN VŨ NGỌC, khoa Ngoại tổng hợp
Viện Y dược dân tộc học TP.HCM
Theo Nguyễn Quyên/Pháp luật TP HCM