Tiếu Tiếu, 19 tuổi, người Hàng Châu, Chiết Giang, Trung Quốc, vốn có nước da trắng ngần, đôi chân dài miên man, thẳng tắp và vóc dáng siêu mẫu khiến bao cô gái phải ghen tị.
Nhưng thời gian gần đây, đôi chân dài của Tiếu Tiếu thường xuyên uể oải và yếu ớt, đi lại giống như dẫm phải bông, cuối cùng không nhấc lên nổi, mất khả năng đi lại.
Quá sợ hãi, bạn trai Tiếu Tiếu đưa cô nàng đến bệnh viện y học cổ truyền Hàng Châu, Trung Quốc để cấp cứu. Lúc này, hai chân của Tiếu Tiếu đã yếu đến mức không đi lại được, tiểu tiện cũng không xong. Sau đó, cặp đôi trẻ tuổi đã phải khai ra tật xấu của mình, hóa ra, Tiếu Tiếu thường xuyên hít bóng cười.
Trên thực tế, hai ngày trước khi vào phòng cấp cứu, Tiếu Tiếu và bạn trai đã đến bệnh viện y học cổ truyền Hàng Châu để điều trị, lúc đó người chẩn đoán chính là bác sĩ Phương Phương, phó giám đốc khoa Thần kinh.
|
Ảnh minh họa. |
Bác sĩ Phương rất ấn tượng với Tiếu Tiếu bởi những người đến gặp cô đều là người trung tuổi và người già, trẻ như Tiếu Tiếu cực hiếm.
Tiếu Tiếu nói với bác sĩ rằng, chân cô tê liệt, thiếu sức, đi lại loạng choạng, tình trạng đã kéo dài hơn hai tháng. Khám sơ qua cho thấy sức cơ của một bên chân của cô là cấp 4, hơi thấp hơn bình thường cấp 5. Phản xạ đầu gối yếu đi rõ rệt.
Bác sĩ Phương bắt đầu hỏi và phân tích kỹ càng: Bệnh mạch máu não? Còn trẻ như vậy thì xác suất không cao. Gần đây không bị cảm lạnh hoặc các bệnh khác, khó có thể bị virus ảnh hưởng đến hệ thần kinh. Chứng cuồng loạn gây ra rối loạn thể chất? Mặc dù thỉnh thoảng Tiếu Tiếu không vui nhưng tâm trạng chung vẫn ổn định ngủ ngon...
Sau khi loại bỏ từng yếu tố, bác sĩ Phương thận trọng kiểm tra và hỏi thẳng: "Bạn có dùng chất kích thích không. Nếu có phải nói thật. Tôi là bác sĩ, đừng giấu diếm điều gì". Đôi bạn trẻ im lặng trong vài phút. Một lúc sau, bạn trai của Tiếu Tiếu nhìn cô và nói: "Em hút khí cười thường xuyên mà". Đây chính là mấu chốt của vấn đề.
Tiếu Tiếu ra đời sớm, theo lời giới thiệu của một người bạn, cô gái trẻ bắt đầu hít khí cười, khi tâm trạng không tốt sẽ mua bóng cười để giải khuây, tần suất khoảng 1 tuần 1 lần
Tiếu Tiếu cho biết, người bạn của cô đảm bảo rằng khí cười không phải là ma túy và sẽ không gây nghiện nên cô không nghĩ nhiều về nó, chỉ coi đó là một loại "thuốc ngủ" để giải tỏa những cảm xúc chán nản, không ngờ lại lãnh hậu quả thế này.
Theo bác sĩ Phương, tên hóa học của khí gây cười là oxit nitơ, một loại khí không màu và có vị ngọt, có thể dùng như một loại thuốc gây mê hít trong y tế.
Bởi vì hít phải có thể làm cho con người cảm thấy hưng phấn, dễ chịu, rẻ và dễ kiếm nên khí được ưa chuộng và thường bị lạm dụng như một chất để giải trí.
Bác sĩ Phương cũng giải thích thêm rằng, vitamin B12 là một nguyên tố vi lượng không thể thiếu trong cơ thể con người và tham gia vào quá trình tổng hợp myelin thần kinh, người bình thường có thể thu nhận đủ vitamin B12 từ thức ăn mỗi ngày. Nhưng nếu sử dụng khí cười cũng chính là oxit nitơ lâu dài có thể cản trở quá trình chuyển hóa vitamin B12 và ảnh hưởng đến chức năng của nó, dẫn đến cơ thể thiếu vitamin B12, làm tổn thương các dây thần kinh.
Lúc này, bác sĩ Phương đã khuyên cô gái nhập viện càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, vì cân nhắc chi phí và các vấn đề khác, Tiếu Tiếu đã từ chối lời khuyên của bác sĩ và nhất quyết về nhà mà không điều trị.
Không ngờ, chỉ sau hai ngày, tình trạng của Tiếu Tiếu chuyển biến cực xấu, hai chân mất hẳn sức lực và không thể đi lại được. Không còn cách nào khác, Tiếu Tiếu buộc phải nhập viện và được chuyển đến Khoa Thần kinh.
Sau khi thăm khám kỹ càng, bác sĩ phát hiện mặt cắt ngang tủy sống của Tiếu Tiếu cho thấy tổn thương hình chữ V ngược, đồng thời homocysteine trong máu cũng tăng cao, chẩn đoán cuối cùng là do "thoái hóa tủy sống kết hợp bán cấp", nguyên nhân do hít khí cười.
Chẩn đoán được xác nhận, bác sĩ điều trị thần kinh đã yêu cầu Tiếu Tiếu ngừng hít khí cười và điều trị bằng mecobalamin, axit folic, vitamin B1 và các loại thuốc khác. Hiện tình trạng đã được kiểm soát và tình trạng tê liệt của Tiếu Tiếu đã bắt đầu cải thiện.
Đây chính là bài học đắt giá dành cho Tiếu Tiếu và những bạn trẻ ham thích vui vẻ nhất thời, thiếu kiến thức và bất chấp hậu quả.
Kiều Dụ (Theo TT)