Hơn 400 ca bị nghi ung thư máu, biến chứng kinh hoàng do nâng ngực

Google News

 Vừa qua, thông tin hơn 400 trường hợp bị nghi ung thư máu sau một thời gian phẫu thuật nâng ngực khiến nhiều người đam mê “dao kéo” một lần nữa thêm hoang mang.

Theo cảnh báo từ Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), những phụ nữ từng phẫu thuật nâng ngực này khởi phát bệnh trong vòng trung bình 8 năm sau cấy ghép ngực, người sớm nhất là sau 2 năm, muộn nhất là sau 28 năm.
Đó là một dạng ung thư máu, cụ thể là ung thư hạch bạch huyết do các tế bào miễn dịch phát triển bất thường, gọi đầy đủ là ung thư biểu mô tế bào lớn hay u lympho ác tính không Hodgkin. Trong số các ca được báo cáo, FDA ghi nhận có 9 bệnh nhân đã chết.
Theo FDA, loại ung thư này có vẻ không liên quan đến thứ được các nữ bệnh nhân cấy ghép vào vú – silicone hay nước muối. Dường như cơ thể những người này không chấp nhận "vật thể lạ" khiến hệ miễn dịch hoạt động bất thường, từ đó sinh ra ung thư. Trong hầu hết trường hợp, các tế bào ung thư được tìm thấy trong mô sẹo và chất lỏng ở gần khối cấy ghép.
Hon 400 ca bi nghi ung thu mau, bien chung kinh hoang do nang nguc
Ảnh minh họa. 

Các chuyên gia khuyến cáo, những phụ nữ sau nâng ngực hãy kiểm tra bộ ngực của mình thường xuyên. Nếu có cảm giác sưng, đau quanh túi ngực hoặc bất kỳ triệu chứng bất thường hay khó chịu nào, hãy nói với bác sĩ và thẳng thắn trao đổi về nguy cơ ung thư hạch bạch huyết.
Hiện nay trên thế giới, có rất nhiều phương pháp nâng ngực đã ra đời và được nhiều thế hệ phụ nữ sử dụng như: bơm silicon, nâng ngực bằng mỡ tự thân, nâng ngực bằng túi ngực và nâng ngực nội soi đặt túi. Tuy nhiên trên thực tế, rất nhiều ngôi sao hàng đầu thế giới từng hối hận về việc nâng ngực của mình.
Dưới đây là những tình huống nguy hiểm có thể xảy ra, chị em cần biết trước khi quyết định nâng ngực:
Nhiễm trùng
Nhiễm trùng là tai biến nguy hiểm cần chú ý. Theo các chuyên gia, khi nâng ngực, bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng từ ngày thứ 2-6 với các biểu hiện như: dịch tiết chảy ra nhiều, ngực căng, đau nhức hoặc chảy dịch qua đường mổ.
Tuy nhiên, nếu điều kiện vệ sinh y tế tại các bệnh viện nghiêm ngặt và sự tuân thủ quy trình chống nhiễm khuẩn của các nhân viên y tế tốt thì tai biến nhiễm trùng sẽ dễ dàng bị loại trừ.
Chảy máu quá nhiều
Trong phẫu thuật nâng ngực, quá trình cầm máu không tốt có thể gây tràn máu, tràn khí vào khoang phế mạc, ép phổi.
Do đó, chuyên gia này khuyến cáo, chị em không chỉ cần chọn bác sĩ có tay nghề cao mà còn phải chọn người có kinh nghiệm. Hơn nữa cơ sở phẫu thuật phải có đủ trang thiết bị và đông bác sĩ và y tá tham gia để kịp thời xử lý các sự cố.
Sốc phản vệ
Trong quá trình phẫu thuật thẩm mỹ, hai kỹ thuật được quan tâm nhiều nhất là kỹ thuật gây tê và gây mê. Thông thường, gây tê có thể được làm tại các thẩm mỹ viện tư, nhưng gây mê phải làm ở bệnh viện với đội ngũ bác sĩ có tay nghề và trang thiết bị đầy đủ.
Trong quá trình gây tê, nếu bệnh nhân không được thử thuốc trước sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây sốc phản vệ. Khi không được cấp cứu kịp thời, tình huống này có thể khiến bệnh nhân choáng, hôn mê thậm chí mất mạng.
Biến chứng sau hậu phẫu
Biến chứng muộn sau thời gian 1 tháng trở đi: Chúng ta thường thấy biến chứng ngực không đều (cao thấp, to nhỏ) thấy sớm sau mổ thường là do phẫu thuật và cũng thường chỉ bộc lộ sau vài tuần đến vài tháng khi đã hết sưng nề.
Hay co thắt bao xơ là biến chứng muộn thường xuất hiện sau 6 tháng đến 1 năm do nhiều nguyên nhân như do loại túi ngực, do cuộc phẫu thuật hoặc do cơ địa bệnh nhân phối hợp gây ra. Biến chứng co thắt bao xơ không nguy hiểm mà chỉ gây đau và làm ngực cứng, xấu, méo mó, cần phải được can thiệp phá bỏ bao xơ hoặc lấy bỏ túi ngực…
Những người tuyệt đối không nâng ngực
Theo các chuyên gia đầu ngành về phẫu thuật thẩm mỹ, trước khi quyết định nâng ngực, chị em cần cân nhắc: Liệu mình có thực sự cần nâng ngực hay không?
Theo các chuyên gia, với những trường hợp vú teo nhỏ, sa trễ (bẩm sinh hoặc sau khi sinh con), phì đại… thì làm đẹp vòng một là nhu cầu chính đáng.
Còn phẫu thuật nâng ngực không chỉ định cho những người bị tiểu đường, tim mạch, máu khó đông, có HIV, viêm gan B, u ngực, phụ nữ mang thai….
Đối với những phụ nữ bình thường trước khi thực hiện phẫu thuật cần phải tiến hành kiểm tra sức khỏe toàn diện như gan thận, hô hấp, tim mạch, chức năng đông cầm máu... Lưu ý, trước khi tiến hành trao đổi cuộc phẫu thuật nào cần trao đổi lại với bác sĩ bệnh sử và cả tiền sử dùng thuốc để tránh sốc phản vệ cũng như các biến chứng nguy hiểm khác.

Theo M.H/giadinh.net.vn