Đối với những người mắc bệnh nền có thắc mắc không biết có tiêm vắc xin ngừa COVID-19 được không? Bác sĩ chuyên khoa 2, Trần Chí Khôi, Khoa Phẫu thuật Chi dưới, Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM, trả lời:
Tất cả các loại thuốc bên cạnh tác dụng điều trị thì luôn có tác dụng phụ, tác dụng phụ tỉ lệ cao hay thấp nặng hay nhẹ lại tùy thuộc vào từng cơ địa.
Vắc xin cũng vậy, vắc xin tạo ra nhằm mục đích tạo sức đề kháng cho cơ thể chống lại bệnh tật. Do đó, người càng có sức đề kháng yếu như người lớn tuổi, nhiều bệnh nền thì càng phải nên tiêm vắc xin.
Ngoài ra, với virus SARS-CoV-2, biến thể Delta lây nhiễm nhanh thì chỉ có vắc xin ngừa COVID-19 mới hạn chế được tối đa nguy cơ tử vong.
Đặc biệt, với những người mắc bệnh nền, mãn tính thuộc nhóm COPD (bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính) thì nguy cơ rất cao nếu nhiễm bệnh. Vì vậy, bạn nên chích vắc xin sớm để phòng bệnh trong tình hình hiện nay.
|
Ảnh minh họa. |
Theo hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 của Bộ Y tế ban hành trong Quyết định 3802 ngày 10/8 có nêu rõ: những đối tượng không được tiêm, đối tượng cần cẩn trọng và những đối tượng phải hoãn tiêm chủng. Mục đích là phát hiện và phân loại các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 để đảm bảo an toàn tiêm chủng.
Hướng dẫn phân chia người tiêm chủng thành 4 nhóm gồm: Các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng; nhóm cần thận trọng tiêm chủng; nhóm trì hoãn và nhóm chống chỉ định (nhóm không được tiêm vắc xin COVID-19). Trong đó:
Đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng: Là người trong độ tuổi tiêm chủng theo khuyến cáo trong hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và không quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào trong thành phần của vắc xin.
Đối tượng không được tiêm: Là những người có tiền sử rõ ràng phản vệ với vắc xin phòng COVID-19 cùng loại (lần trước). Người có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất cũng không được tiêm
vắc xin COVID-19.
Riêng phụ nữ mang thai và đang cho con bú chống chỉ định với vắc xin Sputnik V. Ngoài ra, khi khám sàng lọc, nhân viên y tế cần hỏi tuổi thai với trường hợp là phụ nữ mang thai.
Đối tượng trì hoãn tiêm chủng: Có thay đổi, chỉ gồm 3 đối tượng thay vì 5 đối tượng như trước đây. Cụ thể:
- Có tiền sử rõ ràng đã mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng
- Đang mắc bệnh cấp tính
- Phụ nữ mang thai dưới 13 tuần
Đối tượng cần thận trọng khi tiêm chủng gồm:
- Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác.
- Người có bệnh nền, bệnh mạn tính được điều trị ổn định.
- Người mất tri giác, mất năng lực hành vi.
- Người trên 65 tuổi.
- Người có tiền sử giảm tiểu cầu và/hoặc rối loạn đông máu.
- Người có bệnh mạn tính có phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống: Mạch: < 60 lần/phút hoặc > 100 lần/phút; Huyết áp tối thiểu < 60 mmHg hoặc > 90 mmHg và/hoặc huyết áp tối đa < 90 mmHg hoặc > 140 mmHg; Nhịp thở > 25 lần/phút và/hoặc SpO2 < 94% (nếu có).
Tại các hướng dẫn trước, những người thuộc nhóm đối tượng cần thận trọng trên đây cần được khám sàng lọc kỹ và cần được tiêm chủng tại bệnh viện hoặc cơ sở y tế có đủ năng lực hồi sức cấp cứu ban đầu.
Theo công văn mới nhất của Bộ Y tế, người thuộc nhóm này có thể được tiêm vắc xin ngừa COVID-19 tại tất cả các cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động, không bắt buộc tiêm tại các bệnh viện, cơ sở điều trị.
Kiều Dụ (TH)