Ngày 29/11, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM cho biết bệnh viện trước đó đã tiếp nhận điều trị nam bệnh nhi Đ.T.K. (học sinh lớp 2, gần 8 tuổi, ngụ H.Nhà Bè, TP.HCM) hôn mê do tự treo cổ vì học theo clip trên Youtube. Bệnh nhi đã được cứu sống kịp thời.
|
Bệnh nhi Đ.T.K. (học sinh lớp 2, gần 8 tuổi, ngụ H.Nhà Bè, TP.HCM) hôn mê do tự treo cổ theo clip trên Youtube. Ảnh: Tuổi trẻ. |
Trước đó, ngày 20/11, người nhà phát hiện bệnh nhi dùng khăn quàng học sinh treo cổ trên dây phơi đồ, chân cách mặt đất 20 cm, môi tím, tiêu không tự chủ, hôn mê. Gia đình vội bế em xuống, đưa em đến phòng khám tư gần nhà cho thở ô xy, sơ cứu, sau đó chuyển đến Bệnh viện FV rồi chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2.
Theo các bác sĩ, lúc chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2, bệnh nhi hôn mê, có chấm xuất huyết 2 mắt, vết hằn trên cổ, điểm tri giác chỉ còn 3-4/15. Bệnh nhi được cho thở máy, chống phù não, dùng kháng sinh.
Sau hơn 7 giờ thở máy, bệnh nhi bắt đầu tỉnh, được cai máy thở và tỉnh táo. Sau 7 ngày điều trị, bệnh nhi được cho xuất viện, sức khỏe ổn định. Kể với người nhà, bệnh nhi cho biết em có xem "clip hướng dẫn treo cổ" trên mạng xã hội, sau khi thắt xong nhân vật trong clip vẫn sống, nên bệnh nhi làm theo.
Người nhà thừa nhận không kiểm soát được cháu hay xem những gì trên mạng xã hội, đặc biệt là Youtube. Thỉnh thoảng mẹ cháu có phát hiện cháu xem một số chương trình không phù hợp nhưng cũng chỉ nhắc nhở rồi thôi.
Người nhà không thể lường được rằng cháu lại dại dột học theo những trò vô bổ trên mạng mà tự gây nguy hiểm cho chính bản thân mình. Nếu không có người kịp thời phát hiện, chắc chắn cháu bé sẽ không qua khỏi.
Chia sẻ trên Tuổi Trẻ, bác sĩ Huỳnh Thị Diễm Kiều, phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết bệnh viện cũng từng tiếp nhận một cháu bé có hành vi đập tay thật mạnh vào kính làm tay bị đứt mạch máu ở cổ tay. Khi hỏi ra mới biết bắt chước hành động của siêu nhân nhện trong phim hoạt hình.
Theo Bác sĩ Phạm Minh Triết, nguyên trưởng khoa tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 1, trẻ nhỏ thường bị cuốn theo những thứ kỳ ảo trên Youtube mà không phân biệt được đâu là thật đâu là giả, đâu chỉ là phóng đại. Không ít trẻ vẫn còn tin vào những truyền thuyết có thật ngoài đời thực.
Bác sĩ lưu ý trẻ từ 10 tuổi trở lên bắt đầu có sự suy luận logic như người trưởng thành, mới phân biệt được sự việc thật hay chỉ là ảo tưởng. Theo khuyến cáo của Viện Nhi khoa Mỹ, trẻ từ 6 đến 10 tuổi chỉ nên xem các thiết bị điện tử khoảng 2 tiếng mỗi ngày. Phụ huynh phải dành thời gian để tương tác với con bằng cách nói chuyện đồng thời tìm hiểu và kiểm soát nội dung trẻ đang theo dõi cho phù hợp với lứa tuổi.
|
Trẻ nhỏ thường bị cuốn theo những thứ kỳ ảo trên Youtube mà không phân biệt được đâu là thật đâu là giả, đâu chỉ là phóng đại. |
Chia sẻ về tác hại khi trẻ tiếp xúc với những clip hướng dẫn bạo lực trên mạng, bác sĩ Lê Đào Nghĩa, Chuyên gia tâm lý trẻ nhỏ (Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương) nêu rõ: “Trẻ nhỏ khi tiếp xúc với các clip bạo lực trên mạng xã hội là rất nguy hiểm”.
Bác sĩ Nghĩa phân tích, ở trẻ nhỏ nhất là tuổi từ 3-5 bắt chước rất nhanh. Trong đó có thể là học theo cái xấu, hoặc học theo cái tốt. Tuy nhiên việc học cái xấu ở trẻ nhỏ rất dễ và nhanh hơn, ví dụ như ra ngoài thấy bạn nói bậy thì trẻ có thể bắt chước về nhà nói bậy rất nhanh.
Video "Sản phẩm cải thiện chức năng hô hấp cho trẻ nhỏ". Nguồn: VTC.
Chuyên gia tâm lý trẻ nhỏ (Bệnh viện tâm thần ban ngày Mai Hương) cho rằng, gia đình và nhà trường đóng vai trò then chốt trong việc nuôi dạy trẻ nhỏ. Đối với gia đình cần phải kiểm soát được trẻ xem clip có nội dung gì. Tuyệt đối, không cho trẻ xem các hình ảnh, clip có nội dung bạo lực, không mang tính giáo dục.
“Trẻ nhỏ bây giờ rất thông minh, có thể tự mở và sử dụng thiết bị điện tử từ rất nhỏ. Khi vào được mạng, trẻ sẽ xem trên đó nên rất dễ bị cám dỗ. Vì thế, bố mẹ không còn cách nào khác là phải dạy dỗ, kiểm soát trẻ và phải hướng dẫn trẻ đi đúng đường. Hơn thế nữa là hãy hạn chế dùng điện thoại vào mạng trước mặt con, mà hãy dành thời gian quan tâm con nhiều hơn”, bác sĩ Nghĩa nói.
Thảo Nguyên (TH)