“Đây là căn bệnh phổ biến rất nhiều người mắc với biểu hiện chân tay lạnh, đau, chuột rút tưởng đau xương khớp mà không biết đó là bệnh lý cấp cứu ngoại khoa tim mạch. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến hoại tử chi, đặc biệt có thể gây tử vong do tình trạng sốc nhiễm trùng nhiễm độc toàn cơ thể” – BS Dương Xuân Phương, Trưởng khoa Phẫu thuật tim mạch – Lồng ngực, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ nói.
Phải cắt chân nhiều lần mới phát hiện đúng bệnh
Ông T.V.N, (67 tuổi, Phú Thọ) nhập viện trong tình trạng bàn chân trái đã bị cắt cụt, toàn bộ chân trái từ khoeo chân trở xuống lạnh, tím, mỏm cụt bàn chân hoại tử, chảy dịch.
Vợ bệnh nhân cho biết, từ 8 tháng trước, ông N. có dấu hiệu bị đau chân điều trị đau xương khớp không đỡ, một ngón ở bàn chân trái thâm đen và phải cắt cụt. Sau đó tiếp tục điều trị nhiều nơi và chân phải cắt dần các ngón và cả bàn chân bị hoại tử. Tuy nhiên, sau khi cắt đi bàn chân, bệnh nhân vẫn đau và chân tiếp tục bị hoại tử.
|
Hình ảnh chân người bệnh khi đến bệnh viện mỏm cụt chân trái vẫn tiếp tục hoại tử. |
Kết quả chụp dựng hình hệ mạch máu chi dưới cho thấy: Bên phải mạch máu xơ vữa, vôi hóa gây hẹp rải rác lòng mạch; bên trái thấy tắc hoàn toàn động mạch chậu ngoài, động mạch đùi nông, máu lưu thông động mạch đoạn dưới gối rất kém.
BS Dương Xuân Phương cho biết, đây là một tình trạng bệnh rất phức tạp, hoại tử lan dần lên do cẳng chân không được nuôi dưỡng và có nguy cơ phải cắt cụt lên cao trên đùi, thậm chí phải tháo khớp háng. Các bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật bắc 2 cầu nối động mạch cho bệnh nhân. Sau phẫu thuật chân người bệnh đỡ đau, mạch máu được tái thông rất tốt đến tận mỏm cụt.
Theo ThS.BS Nguyễn Văn Sơn,Trưởng Khoa Can thiệp tim mạch, Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ, tắc động mạch chậu, động mạch chi dưới làm cho chi dưới không được tưới máu đầy đủ. Đây là một bệnh lý nguy hiểm thường bị bỏ qua, vì các triệu chứng không rõ ràng và dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề liên quan đến xương khớp, thần kinh… Thực tế, có đến >90% người mắc bệnh động mạch chi dưới trước khi vào điều trị đã từng được chẩn đoán thoái hóa khớp hoặc đau thần kinh cơ và điều trị kéo dài. Vì vậy, khi vào viện triệu chứng đã ở giai đoạn muộn, nhiều trường hợp phải cắt cụt chân.
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung Tâm Tim mạch, Bệnh viện Việt Đức cho biết, trung bình mỗi ngày bệnh viện Việt Đức, tiếp nhận khoảng 20 – 30 bệnh nhân. Điều đáng nói, hầu hết bệnh nhân đến viện trong tình trạng nặng do “tự chẩn đoán” hoặc được chẩn đoán nhầm là do bệnh cơ xương khớp, đau thần kinh ngoại vi hoặc do tuổi già…
“Tỷ lệ bệnh nhân đến khám ở các chuyên khoa nội thần kinh hay thần kinh cột sống vì tê chân hoặc khám da liễu xong mới chuyển sang khám tĩnh mạch khá cao, khoảng 20-30%. Thậm chí, có bệnh nhân đột tử cũng không biết mình bị bệnh vì huyết khối lan lên tĩnh mạch chủ, lan về tim, phổi dẫn đến tử vong”, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước nhấn mạnh.
|
Chăm sóc bệnh nhân tắc động mạch chi bị hoại tử tại Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ. |
Kiểm soát yếu tố nguy cơ để tránh bệnh
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Viện trưởng Viện Tim mạch quốc gia cho biết, tắc động mạch chi thuộc về bệnh tim mạch nhưng hay bị chẩn đoán nhầm. Triệu chứng thường gặp nhất của bệnh là cảm giác chuột rút ở vùng đùi, hông và bắp chân xuất hiện khi đi bộ, trèo cầu thang hoặc khi gắng sức. Triệu chứng này đỡ hoặc hết khi được nghỉ ngơi dù chỉ vài phút.
Nhiều người cho rằng, đau chân là một triệu chứng thường gặp ở người già, cho rằng đó là triệu chứng của viêm khớp hay đau dây thần kinh toạ hay hiện tượng cứng khớp ở người già. Đau chân do bệnh thường xuất hiện ở cơ (như cơ bắp chân) chứ không phải ở khớp. Khi có các triệu chứng: Đau chân không đỡ khi nghỉ ngơi; Vết thương ở ngón chân hay bàn chân khó lành; Hoại tử bàn chân, ngón chân; Chân bên bị bệnh lạnh hơn chân lành hoặc lạnh hơn so với các phần chi phía trên... là bệnh đã nặng.
Bệnh tắc động mạch chi dưới hay gặp nhất là do nguyên nhân xơ vữa mạch máu. Các yếu tố nguy cơ của bệnh bao gồm các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được và các yếu tố không thể thay đổi được.
Các yếu tố nguy cơ không thể kiểm soát được bao gồm tuổi, tuổi càng cao, nguy cơ xơ vữa mạch máu càng nhiều, người già từ 60 tuổi trở nên có tỉ lệ mắc bệnh động mạch chi dưới cao hơn. Người tiền sử gia đình bị bệnh lý mạch máu ngoại biên hay bệnh tim mạch, đột quỵ có nguy cơ xơ vữa mạch cao hơn. Nam thường có nguy cơ xơ vữa mạch máu cao hơn nữ.
Cách phòng bệnh là loại bỏ các yếu tố kích thích gây co thắt mạch máu như lạnh, ẩm. Không hút thuốc. Tránh tình trạng căng thẳng kéo dài về tâm và sinh lý. Chế độ ăn uống đầy đủ các chất và vitamin.
Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được bao gồm:
Hút thuốc lá: Đây là nguy cơ chính của bệnh. Những người hút thuốc lá có nguy cơ bị bệnh sớm hơn khoảng 10 năm những người không hút thuốc.
Béo phì: Làm tăng nguy cơ lắng đọng mỡ dư thừa vào thành mạch (bệnh xơ vữa mạch máu), làm tăng tỷ lệ mắc bệnh.
Rối loạn mỡ máu: Làm tăng nguy cơ xơ vữa mạch (do tăng lắng đọng chất béo ở thành động mạch).
Bệnh tiểu đường: Tiểu đường là yếu tố nguy cơ độc lập gây bệnh lý tắc mạch chi. Người bệnh mắc tiểu đường thường có lớp nội mạc mạch cũng dễ bị tổn thương làm tăng nguy cơ lắng đọng mỡ dư thừa vào thành mạch, thành mạch dễ bị xơ hóa, gây tổn thương mạch máu từ các vi mạch nhỏ đến các mạch máu lớn. Tắc mạch chi ở người đái tháo đường thường nặng hơn, tổn thương nhiều vị trí, và khả năng điều trị can thiệp thấp hơn nhóm bệnh nhân khác.
Tăng huyết áp: Áp lực trong thành mạch tăng lên có thể gây tổn thương thành mạch và gây lắng đọng các chất mỡ vào thành mạch gây xơ vữa mạch máu
Lười vận động thể lực: Hoạt thể lực thường xuyên làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ, nó cũng làm tăng độ dài quãng đường mà người bị bệnh tắc mạch chi có thể đi mà không bị đau chân. Chương trình tập luyện thể lực có giám sát là một trong những phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh nhân bị bệnh.
Cùng với các bệnh lý tim mạch khác, về mùa đông, tắc động mạch chi thường tăng thêm 10 – 15%. Nguyên nhân là do thời tiết lạnh, ẩm gây co mạch và trời lạnh người dân ít hoạt động khiến bệnh phát triển. Vì vậy, nếu thấy đau tức chân nhiều, cảm giác đau tức tăng khi vận động, tím lạnh 2 chi dưới, nổi phỏng nước, mất vận động… cần đến các cơ sở chuyên sâu về mạch máu đề khám và điều trị. Không nên bỏ qua các triệu chứng hay tự điều trị tại nhà sẽ gây ra một số biến chứng như là huyết khối tĩnh mạch sâu, huyết khối động mạch phổi, nhồi máu não… gây khó khăn cho điều trị hoặc nặng hơn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Thúy Nga