Bệnh nhi được người nhà đưa đến viện trong tình trạng quấy khóc, vùng bỏng 2 bàn chân sưng nề chảy dịch đục, trợt da, nhựa lá cây dính bết vào vết bỏng, nhiễm trùng nặng, cử động cổ chân hạn chế.
|
Bàn chân nhiễm trùng nặng của bệnh nhi. Ảnh: BVCC. |
Theo lời kể của người nhà, cách đây 1 tuần bé không may bị bỏng nước sôi và được đắp thuốc nam chữa bỏng tại nhà. Tuy nhiên, sau 6 ngày đắp thuốc, vết thương không đỡ, bé quấy khóc, sốt, bỏ ăn, vết bỏng chảy dịch, bàn chân sưng nề, nóng... nên được gia đình đưa tới bệnh viện.
Tại bệnh viện, bệnh nhi được sát khuẩn chuyển phẫu thuật làm sạch vết thương, dùng thuốc giảm đau, chống sốc.
Các bác sĩ cho biết, bệnh nhi bị bỏng ở mức độ II, III nếu sau khi bị bỏng đến bệnh viện xử lý vết thương ngay thì thời gian phục hồi sẽ nhanh chóng tránh các biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhi.
Nhưng do không được điều trị đúng cách bệnh nhi hiện tại bị nhiễm trùng nặng 2 bàn chân, nguy cơ nhiễm trùng huyết và có thể nguy hiểm đến tính mạng bất cứ lúc nào.
Hiện tại bệnh nhi đang được chăm sóc và theo dõi tại khoa Chấn thương chỉnh hình.
Thời gian qua, các bác sĩ liên tục đưa ra lời cảnh báo đến người dân về các trường hợp bệnh nhân nhập viện điều trị trong tình trạng nhiễm trùng nặng vết bỏng do đắp lá thuốc điều trị. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người quá tin tưởng vào tác dụng kỳ diệu của đắp lá thuốc. Có những bệnh nhân vùng bỏng đã hoại tử sâu, phải ghép da rất phức tạp, để lại nhiều di chứng cũng như thời gian điều trị kéo dài.
Bé trai hoại tử da vì tin thầy lang chữa bỏng
Cũng trong tháng 11, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, cho biết Khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng đang chữa trị cho bệnh nhi Đ.N.A. (13 tháng tuổi) trú tại xã Diễn Thịnh, huyện Diễn Châu, Nghệ An, bị hoại tử da do đắp lá thuốc chữa bỏng.
Khoảng một tháng trước, trong lúc chơi đùa, A. không may bị nước sôi đổ vào người. Phát hiện sự việc, mẹ cháu là chị T.T.U. đã ngâm con trai vào chậu nước để hạ nhiệt.
Khi cởi áo, chị U. phát hiện vùng bụng và ngực con trai bị bong tróc, đỏ tấy. Thay vì đưa cháu A. đến bệnh viện, người nhà khuyên chị đưa con trai đến thầy lang chữa bỏng gần nhà để lấy thuốc. “Khi đưa con đến khám, vị thầy lang cam kết chữa khỏi vết bỏng của bé trong vòng 15 ngày. Chi phí chữa trị là 25 triệu đồng”, chị U. cho biết.
Tin tưởng và muốn con nhanh khỏi, chị U. đồng ý chữa trị. Bé A. được thầy lang cho thuốc về đắp vào vết bỏng. Ngày thứ 3 điều trị, bé A. xuất hiện tình trạng môi đỏ thâm, sốt cao và tiêu chảy. Chị U. cho con vào Bệnh viện Sản Nhi thăm khám.
|
Bé A dần hồi phục sau khi được mẹ đưa đưa đến viện điều trị. Ảnh: Zing. |
Bác sĩ chuyên khoa II Thái Văn Bình, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình - Bỏng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, cho biết bé A. nhập viện trong tình trạng vết bỏng bị sưng nề, chảy dịch đục, vùng cổ, ngực, bụng, cẳng tay phải bị phồng rộp nước, có phần hoại tử đen kèm theo chảy mủ hôi, nhiễm trùng nặng.
Sau gần một tháng điều trị, bé A. đã dần bình phục sau 2 lần ghép da.
Mời độc giả xem video "Sự thật về "tài năng" của thầy lang chữa bệnh ung thư". Nguồn: VTV24.
Đắp lá chữa tiểu đường, người phụ nữ bị nhiễm trùng máu
Ngày 19/11, thông tin từ Bệnh viện Nội Tiết Trung ương cho biết, bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân Đ.T.Đ. (54 tuổi, trú tại huyện Gia Lâm, Hà Nội) bị nhiễm trùng do tự điều trị đái tháo đường bằng thuốc lá.
Bệnh nhân cho biết, đã mắc bệnh tiểu đường 12 năm. Cách đây vài ngày cảm thấy ngứa vùng bụng bên phải, gãi thấy buốt. Sau đó, tại vùng bụng xuất hiện nốt mụn nhỏ, kích thước bằng hạt đỗ xanh. Thời gian sau mụn nhanh chóng to bằng hạt ngô, rồi hạt nhãn.
|
Bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương. |
Lo lắng trước tình trạng của mình, chị Đ. đã đi khám tại nhà một thầy lang ở Bắc Giang do người nhà giới thiệu.
Tại đây, chị Đ. được thầy lang chẩn đoán tắc tĩnh mạch, rửa bằng Betadine và rắc thuốc bột. Do không lấy được đầu ngòi nên sau mỗi lần rửa lại bôi một lớp thuốc mỏng lên vùng loét.
Sau khi bôi lọ thuốc bột và xoa bóp bằng thuốc nước (không rõ là thuốc gì) của thầy lang cung cấp, nốt vỡ khô miệng nhưng vùng bụng cứng lên, cơn đau không ngừng tăng. Sau 3 hôm chịu đựng cơn đau nhức nhối không ăn không ngủ được, bệnh nhân Đ. đã đến khám tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ổ áp xe thành bụng đã vỡ tạo thành vết loét lớn, kích thước 8cm×8cm, đe dọa nhiễm trùng huyết, có thể ảnh hưởng đến tính mạng.
Bệnh nhân Đ. đã được khoa Điều trị tích cực điều trị trong 2 tuần, thực hiện ổn định đường huyết, chích rạch, tháo mủ ổ áp xe, kết hợp kháng sinh liều cao.
Bác sĩ điều trị cho biết, quá trình này gây tổn thất với bệnh nhân về tinh thần, nhiều đau đớn mà còn tốn kém kinh tế. Chi phí cho ca điều trị này lên tới 50 triệu đồng. Hiện tại, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân ổn định.
“Vùng kín” nhiễm trùng, bốc mùi vì tự ý đắp lá chữa bỏng
Bị bỏng nhiệt vùng bẹn nhưng nam thanh niên lại tự điều trị tại nhà suốt 20 ngày bằng cách đắp lá thuốc nam chữa bỏng khiến vùng bẹn, bìu bị nhiễm trùng, chảy mủ.
Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) hồi năm 2018 cho biết, đã tiếp nhận bệnh nhân N.V.N. (32 tuổi, ở Sơn Dương,Tuyên Quang) vào viện trong tình trạng nhiễm trùng vết bỏng vùng bẹn, bìu.
Khai thác bệnh sử, được biết bệnh nhân N. bị bỏng nhiệt vùng bẹn nhưng không đến bệnh viện điều trị mà tự đắp lá thuốc nam chữa bỏng. Sau 20 ngày đắp lá, vùng bỏng không thuyên giảm, ngày càng đau nhức, chảy mủ, có mùi hôi nên gia đình đưa bệnh nhân đến bệnh viện thăm khám.
|
Vết bỏng bị nhiễm trùng nặng khi vào viện. |
Tại Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, các bác sĩ đã tiến hành vệ sinh, xử lý vùng bỏng và hiện bệnh nhân này đang được điều trị dùng kháng sinh chống viêm để chờ ghép da.
Qua các trường hợp đáng tiếc trên, các bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân bị bỏng cần đến các cơ sở y tế để được cấp cứu và điều trị đúng cách, kịp thời. Tuyệt đối không tự điều trị tại nhà bằng cách đắp các loại lá theo truyền miệng, nguy cơ nhiễm trùng cao, gây khó khăn và kéo dài điều trị.
Trường hợp bỏng điện, bỏng hóa chất, cần tới bệnh viện càng sớm càng tốt, vì có thể gây tổn thương nghiêm trọng tới nội tạng, rối loạn về tim mạch.
Nếu vùng bỏng có bọng nước, kết vảy không được bóc vì vỡ ra dễ bị nhiễm trùng, tổn thương nặng hơn. Không ngâm vết bỏng bằng nước đá, hoặc đá viên vì vết bỏng sẽ trầm trọng hơn. Nếu có bọng nước, kết vảy không bóc vì vỡ ra dễ bị nhiễm trùng, tổn thương nặng hơn. Không cố gỡ bỏ quần áo bị cháy; không thoa dầu, bôi kem đánh răng, lòng đỏ trứng gà, mỡ trăn, dầu cá, đắp lá chữa bỏng… lên vùng bỏng vì dễ bị nhiễm trùng.