Hoặc ly hôn hoặc cho người tình đến ở cùng nhà

Google News

Mỗi khi có sự xuất hiện của ông Vinh, thái độ của bà Loan lại rất khác. Bà vui vẻ, cười nói và nhiệt tình lạ thường. Và đến khi ông Vinh về, bà lại ỉu xìu như “bánh đa gặp nước”.

Cách đây vài năm, luật sư Nguyễn Hồng Thái (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) tiếp đón một người đàn ông chừng 60 tuổi tìm đến. Ông muốn luật sư tư vấn về các thủ tục ly hôn.

Người đàn ông này tên là Nguyễn Văn Kiên ở Thạch Thất, Hà Nội. Ông Kiên tìm gặp luật sư Thái với tâm trạng rất buồn bã. Ông bảo, ở tuổi này rồi ông không muốn ly hôn nhưng nếu chấp nhận cảnh sống hiện tại thì chắc chắn không thể được.

Hoac ly hon hoac cho nguoi tinh den o cung nha
Hình minh họa 

Cách đây vài năm, ông Kiên đi nước ngoài công tác. Vợ chồng ông không có con cái nên trước khi đi, người khiến ông lo lắng nhất chính là bà Loan (50 tuổi, vợ ông). Bà Loan vốn sức khỏe không được tốt, cứ trái gió trở trời là lại đau yếu.

Và để yên tâm đi xa, ông Kiên đã nhờ đến vợ chồng người bạn thân là ông Vinh – người bạn ở xóm bên. Nhận lời bạn, ông Vinh hứa, sẽ thỉnh thoảng ghé qua nhà thăm nom bà Loan.

Khi ông Kiên đi được khoảng 2 tháng, vợ ông Vinh không may qua đời trong một tai nạn giao thông. Sau khi lo hậu sự chu toàn cho vợ, ông Vinh vẫn thỉnh thoảng ghé qua nhà bạn thân để xem bà Loan có khỏe không.

Hai người cô đơn động viên nhau cố gắng vượt qua thời gian khó khăn. Thỉnh thoảng bà Loan ốm, ông Vinh lại tận tình đi mua thuốc, nấu cháo, thậm chí đưa đi viện thăm khám. Ngược lại, mỗi lần đến ngày lễ cúng, giỗ vợ ông Vinh, bà Loan cũng góp tay đỡ đần.

Sự quan tâm, chăm sóc này dần dần khiến hai người nảy sinh tình cảm. Nhất là khi, những cuộc điện gọi hỏi thăm của ông Kiên ngày một thưa dần. Bà Loan thấy trống trải, cô đơn vô cùng. Và chuyện gì đến cũng đến. Sau một năm giỗ vợ, ông Kiên chuyển đến ở hẳn với bà Loan mặc những dị nghị của xóm giềng. Còn ở phương xa, mỗi khi gọi điện cho bạn, ông Kiên vẫn yên tâm rằng vợ mình vẫn khỏe mạnh.

Hết thời gian công tác ở nước ngoài, ông Kiên về nước. Ngay sau đó, ông Vinh khăn gói chuyển về nhà như không hề có chuyện gì. Về quê, ông Kiên thấy vợ khỏe và đẹp ra trông thấy. Điều đó khiến ông rất vui.

Thương vợ vất vả, khi về nước ông Kiên rất muốn bù đắp cho bà Loan. Nhưng trái với thái độ ân cần của chồng, bà Loan lại tỏ ra rất hững hờ. Bà không tươi cười, thậm chí còn rất khó chịu với chồng.

Tuy nhiên, mỗi khi có sự xuất hiện của ông Vinh, thái độ của bà Loan lại rất khác. Bà vui vẻ, cười nói và nhiệt tình lạ thường. Và đến khi ông Vinh về, bà lại ỉu xìu như "bánh đa gặp nước". Thái độ này của vợ không qua được mắt ông Kiên. Ông gặng hỏi vợ, cuối cùng bà Loan cũng thừa nhận chuyện mình từng ăn ở với ông Vinh.

Nghe vợ thú nhận mọi chuyện, ông Kiên choáng váng. Ông không ngờ được rằng, mình lại bị vợ và bạn thân qua mặt suốt bao năm qua. Ông càng bất ngờ hơn khi bà Loan đề nghị: Để ông Vinh chuyển về đây ở cùng! Bà còn nói, nếu không đồng ý điều kiện này thì sẽ ra tòa ly hôn.

Sống mấy chục năm với nhau, bao nhiêu khó khăn họ đều có thể vượt qua, vậy mà giờ vợ ông lại tuyệt tình như vậy. Và ông đã tìm đến văn phòng luật sư để nhờ tư vấn.

"Tôi đã tư vấn cho ông Kiên về các thủ tục ly hôn. Ông ấy hẹn hôm khác sẽ quay lại đưa các giấy tờ cho tôi để tiến hành thủ tục ra tòa. Tuy nhiên, ông ấy lại không đến. Sau này gọi điện cho tôi, ông Kiên tâm sự, ông ấy không muốn ly hôn nữa. Và người bạn thân kia cũng chuyển đến ở cùng với vợ chồng ông. Ba người sống chung cùng một mái nhà! Tôi cũng nghe nói, sống chung với nhau được vài năm thì ông Vinh gặp bạo bệnh rồi qua đời", luật sư Thái kể lại.


Theo NLĐ