Tốc độ học nói của mỗi bé lại rất khác nhau. Ảnh: Pexels.
Bốn năm đầu đời là giai đoạn vàng cho sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Tuy nhiên, tốc độ học nói của mỗi bé lại rất khác nhau.
Hầu hết trẻ bắt đầu nói các từ đơn lẻ khi được 18 tháng và bắt đầu nói câu ngắn khi lên 2-3 tuổi. Trong khi đó, một số trẻ khác lại có thể nói chuyện trôi chảy từ rất sớm.
Trong nhiều năm, nhà tâm lý học Elika Bergelson từ Đại học Harvard đã băn khoăn về những yếu tố cá nhân tạo nên sự khác biệt lớn này. Nghiên cứu mới nhất của bà cùng cộng sự đã chỉ ra một kết quả bất ngờ.
Nghiên cứu này được thực hiện tại 12 quốc gia với 43 ngôn ngữ, bao gồm cả khu vực nông thôn và thành thị. Dữ liệu âm thanh được thu thập thông qua thiết bị ghi âm được gắn trên trẻ em ở các giai đoạn phát triển và khả năng khác nhau, từ 2 tháng đến 4 tuổi.
Sử dụng máy học để phân tích hơn 40.000 giờ ghi âm, Bergelson và nhóm nghiên cứu đã kiểm tra nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến tần suất và thời điểm trẻ bắt đầu bi bô, nói âm tiết, từ và câu.
Sau khi theo dõi 1.001 trẻ em dưới 4 tuổi, nhóm nghiên cứu ngạc nhiên khi không tìm thấy mối liên hệ nào giữa tần suất phát âm của trẻ trong một ngày với giới tính, tình trạng kinh tế xã hội hoặc mức độ tiếp xúc với nhiều ngôn ngữ.
"Trước đây, nhiều người cho rằng cha mẹ thuộc tầng lớp kinh tế xã hội thấp thường ít có thời gian trò chuyện với con, dẫn đến trẻ chậm nói và cần can thiệp hành vi để cải thiện", Bergelson nói.
Kết quả nghiên cứu phát hiện trẻ em nói nhiều nhất là những trẻ có xu hướng thường xuyên nghe người lớn nói chuyện, cùng với các yếu tố về tuổi và các vấn đề lâm sàng như sinh non hoặc khó đọc.
Cụ thể, trẻ dưới 4 tuổi trung bình sẽ tăng thêm khoảng 66 âm thanh mỗi giờ với mỗi năm phát triển. Điều này dễ hiểu vì tuổi tác gắn liền với sự phát triển nhận thức. Tuy nhiên, một yếu tố khác cũng ảnh hưởng đáng kể - trẻ nghe người lớn nói nhiều hơn có xu hướng nói nhiều hơn.
Trung bình, cứ 100 âm thanh người lớn phát ra mà trẻ em nghe được trong một giờ, trẻ sẽ đáp lại bằng 27 âm thanh của mình. "Hiệu ứng nói của người lớn" này tăng thêm 16 âm thanh với mỗi năm phát triển của trẻ.
Để hiểu rõ tầm quan trọng của ảnh hưởng này, nhóm nghiên cứu tiếp tục so sánh trẻ bình thường với trẻ có sự phát triển ngôn ngữ không điển hình (như chứng khó đọc). Kết quả, nhóm trẻ khó đọc phát ra ít hơn 20 âm thanh mỗi giờ so với bạn bè cùng trang lứa. Mỗi năm, khoảng cách đó tăng thêm khoảng 8 âm thanh mỗi giờ.
Theo bà Bergelson, nghiên cứu hiện tại chỉ tính những âm thanh được phát ra trong ngày, nghĩa là không đánh giá độ phức tạp của ngôn ngữ trẻ sử dụng. Do đó, dù không phải yếu tố quyết định, các yếu tố như kinh tế xã hội hoặc giới tính vẫn có thể tác động một số khía cạnh phát triển ngôn ngữ mà nghiên cứu này chưa đề cập.
Ví dụ, trẻ em được nuôi dạy trong gia đình có điều kiện kinh tế xã hội cao hơn có thể được bố mẹ đọc sách nhiều hơn, giúp tăng vốn từ vựng hoặc phát triển ngữ pháp.
Bergelson thừa nhận nghiên cứu của cô áp dụng cách tiếp cận "thô sơ", có thể bỏ sót một số chi tiết nhỏ.
"Đây là ước tính của thuật toán về việc trẻ nghe hoặc phát ra bao nhiêu âm than. Nhưng tôi nghĩ đây là một cách tiếp cận bổ sung cho những nghiên cứu tốn tốn thời gian và hạn chế về mẫu như trước đây", bà Bergelson nói.
Bên cạnh đó, dù chưa chắc chắn nguyên nhân đằng sau mối liên hệ giữa lời nói của trẻ và người lớn, nghiên cứu mới cũng chỉ ra một vài giả thuyết đáng chú ý.
Một là trẻ nói nhiều sẽ kích thích người lớn nói chuyện nhiều hơn với chúng. Ngược lại, cũng có thể môi trường với nhiều lời nói xung quanh khuyến khích trẻ em phát âm nhiều hơn.
Giả thuyết thứ hai gợi ý nên khuyến khích người lớn trò chuyện nhiều hơn với trẻ em.