Thu giữ 2.000 lu giá đỗ và 25 lít hóa chất “nước kẹo” nguyên chất
Sáng ngày 19/4, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu (PC03 - Công an tỉnh Nghệ An) cho biết, đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 4 đối tượng liên quan đến hành vi vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
Theo đó, ngày 11/4/2025, PC03 chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan đồng loạt tiến hành kiểm tra hành chính 4 cơ sở sản xuất giá đỗ. Kết quả kiểm tra đã làm rõ toàn bộ hành vi phạm tội của các đối tượng, gồm: Lưu Mạnh Hưởng (32 tuổi), Lưu Văn Trung (28 tuổi), cùng trú tại xã Trực Hùng, huyện Trực Ninh (Nam Định); Trần Khắc Duy (35 tuổi) và Nguyễn Văn Hướng (27 tuổi), cùng trú tại phường Vinh Tân, TP Vinh, Nghệ An.
 |
Bốn đối tượng bị Công an Nghệ An khởi tố, bắt giam do sử dụng chất cấm để sản xuất 3.500 tấn giá đỗ - Ảnh CANA |
Lực lượng chức năng thu giữ tang vật gần 2.000 lu giá đỗ với tổng khối lượng khoảng 25 tấn, 25 lít dung dịch hóa chất “nước kẹo” nguyên chất (tên khoa học là 6-Benzylaminopurine – 6-BAP) và 150 lít dung dịch đã pha chế dùng để tưới lên giá đỗ, cùng nhiều vật dụng, tài liệu liên quan.
Theo báo cáo, các cơ sở sản xuất này đã sử dụng chất 6-Benzylaminopurine (BAP) để ngâm giá, tạo ra sản phẩm có hình thức đẹp, mập mạp nhưng tiềm ẩn nguy cơ lớn cho sức khỏe.
Cơ quan điều tra xác định, từ năm 2024 đến nay, các đối tượng đã sản xuất, đưa ra thị trường khoảng 3.500 tấn giá đỗ có sử dụng hóa chất cấm.
Những sản phẩm này được phân phối đến nhiều chợ dân sinh, cửa hàng rau củ trên địa bàn tỉnh và các địa phương lân cận.
Hiện vụ việc đang được điều tra làm rõ.
 |
Lực lượng chức năng tiến hành niêm phong tang vật. Ảnh: CANA |
Benzylaminopurine gây tổn thương thần kinh, gan thận... và dị tật thai nhi
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên Giảng viên Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: "Chất 6-Benzylaminopurine (BAP) là một chất kích thích sinh trưởng, được phép dùng trong nông nghiệp nhưng cấm sử dụng trong sản xuất nông sản thực phẩm tại Việt Nam. Việc sử dụng chất này có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng, bao gồm tổn thương gan, thận, phổi và nguy cơ dẫn đến tử vong nếu tiếp xúc lâu dài.
Việc tiêu thụ giá đỗ có chứa hóa chất này có thể gây rối loạn phát triển tế bào, ảnh hưởng đến hệ thần kinh, thậm chí gây dị tật ở thai nhi.
Trao đổi với PV Khoa học và Đời sống/ Báo Tri thức và Cuộc sống về hóa chất 6-Benzylaminopurine được các cơ sở dùng sản xuất giá đỗ, ThS.DS Lê Quốc Thịnh, giảng viên ngành dược, Đại học Thành Đô cho biết, có ba kích thích tố tự nhiên kiểm soát sự tăng trưởng và các chức năng khác của thực vật là auxin, cytokinin và giberelin.
Chất 6-Benzylaminopurine (BAP) là chất kích thích tăng trưởng tế bào (cytokinin) thế hệ tổng hợp đầu tiên. Loại hóa chất này kết tinh thành tinh thể hình kim, không màu, không tan trong các dung môi hữu cơ thông thường.
Hóa chất này tan trong dimethylfornamide, dimethyl sulfoxide, dung dịch nước vôi (Na2CO3). Vì thế, việc trồng giá đỗ bằng loại hóa chất này thường kèm vôi. Hóa chất này thẩm thấu sâu vào trong thân kích thích giá đỗ phát triển cực nhanh.
Những người làm giá đỗ đã lạm dụng chất này từ lâu, để kích thích tăng trưởng cho thân giá mập và ít rễ. Nhiều người biết mánh khóe này đã từ chối ăn các loại rau mầm, đặc biệt là giá đỗ vì kinh sợ hoạt chất này.
Chất 6-Benzylaminopurine có tác dụng kích thích cây phát triển, ra nhánh, đâm chồi, tăng cường ra hoa và làm trái cây to hơn nhờ việc kích thích phân chia tế bào. Loại hóa chất này như thần dược với cây cỏ khi tăng đề kháng với bệnh, hạn hán, lạnh…
Ngoài ra hóa chất benzylaminopurine có khả năng ức chế enzyme kinase hô hấp ở thực vật nên sau thu hoạch chỉ cần phun loại hóa chất này sẽ giúp nông sản giữ được màu sắc tươi xanh lâu hơn.
 |
Cơ quan chức năng kiểm tra khu vực sản xuất giá đỗ của cơ sở sản xuất do đối tượng Nguyễn Văn Hướng làm chủ - Ảnh: CANA |
ThS.DS Lê Quốc Thịnh nhấn mạnh, BAP là hóa chất tăng trưởng thực vật cấm dùng cho người. Do đó, việc sử dụng để làm phụ gia sản xuất thực phẩm là trọng tội, vi phạm pháp luật.
Đây là một chất độc rất nguy hại với sức khỏe. Khi sử dụng, chất 6-Benzylaminopurine gây ngộ độc cấp tính, nếu ăn số lượng lớn thực phẩm được trồng từ loại hóa chất này có thể gây tử vong.
Nghiên cứu tại Mỹ cho thấy BAP gây độc tính cấp, ăn vào lượng lớn có thể gây tử vong, nếu tiếp xúc qua da lâu dài có thể làm thai nhẹ ký, não úng thủy và các dị tật bẩm sinh.
Trên cơ thể con người, nếu nó văng vào mắt sẽ gây viêm kết mạc, dính vào da gây viêm da, làm nặng thêm bệnh lý da. Nếu hít phải gây tổn thương phổi, viêm phổi, làm nặng thêm các bệnh phổi mãn tính như viêm phế quản mãn tính, COPD, xơ phổi….
“Không chỉ giá đỗ mà rau bí, rau bầu, rau mồng tơi... cũng có thể bị lạm dụng chất này”, Thạc sĩ Thịnh cảnh báo.
Cách nhận biết giá đỗ sạch
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nhấn mạnh, điều đáng lo ngại là chất 6-Benzylaminopurine có tính chất khó rửa sạch, kể cả khi rửa nhiều lần với nước thông thường. Vì vậy, nguy cơ dư lượng tồn dư trong giá đỗ là rất cao, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.
PGS.TS Thịnh gợi ý một số cách phân biệt giá đỗ sạch và giá đỗ chứa hóa chất như sau: Giá đỗ sạch thường có thân mảnh, màu vàng nhạt, rễ dài. Trong khi đó, giá đỗ ngâm hóa chất có thân mập mạp, trắng sáng, không rễ hoặc rễ rất ngắn.
Hơn nữa, giá đỗ sạch có mùi tự nhiên, không có mùi hắc hay hóa chất lạ, khi chế biến, giá đỗ chứa hóa chất thường tiết ra nước màu đục. Do đó, người tiêu dùng không nên mua và sử dụng giá đỗ chỉ vì vẻ ngoài đẹp mắt, mà cần phát hiện những điểm bất thường trong quá trình chế biến.
 |
Giá đỗ ngâm hóa chất - Ảnh minh họa |
"Nếu phát hiện sản phẩm có dấu hiệu bất thường, cần tránh sử dụng và báo cáo ngay với cơ quan chức năng", PGS.TS Thịnh nhấn mạnh.
Ông cũng khuyến nghị người tiêu dùng ưu tiên chọn mua từ các nguồn cung cấp uy tín, có chứng nhận an toàn thực phẩm. Để đảm bảo an toàn, người dân nên lựa chọn giá đỗ được sản xuất tại các cơ sở đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, có bao bì rõ ràng và nhãn mác minh bạch.
Nếu có điều kiện, người tiêu dùng có thể tự làm giá đỗ tại nhà bằng phương pháp truyền thống để kiểm soát chất lượng.
Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo người tiêu dùng cần cẩn thận với các loại giá đỗ có hình thức bất thường. Khi chế biến, giá đỗ an toàn thường không tiết ra nước đục, có mùi tự nhiên dễ chịu và không bị dập nát.
Đặc biệt, người dân nên mua giá đỗ ở các cửa hàng thực phẩm sạch hoặc siêu thị uy tín thay vì các chợ không đảm bảo nguồn gốc.
Cục An toàn Thực phẩm nhấn mạnh rằng người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm khi lựa chọn thực phẩm.
Ngoài việc bảo vệ sức khỏe cá nhân, việc từ chối mua sản phẩm không an toàn cũng góp phần đẩy lùi các hành vi sản xuất, kinh doanh vi phạm pháp luật.
Thúy Nga/ VietnamDaily