Gần đây, 3 nghiên cứu về hiệu lực của vắc xin COVID-19 ở trẻ em được công bố. Cả 3 đều ở Mỹ, nơi vắc xin được sử dụng rộng rãi ở trẻ em sớm nhất. Điều này giúp chúng ta có thêm hiểu biết về hiệu lực của vắc xin ở trẻ em, nhất là trong bối cảnh biến chủng Omicron đang lan mạnh.
Nghiên cứu đầu tiên là của Sở Y tế New York (dưới dạng bản thảo chờ phê duyệt) phân tích các ca mắc COVID-19 ở trẻ em 5-17 tuổi tại tiểu bang New York từ 12/2021 tới 1/2022 khi chủng Omicron chiếm ưu thế.
Kết quả cho thấy ở nhóm 5-11 tuổi, hiệu lực bảo vệ nhiễm giảm nhanh từ 68% xuống 12% chỉ sau một tháng. Điều đó có nghĩa 2 mũi vắc xin gần như bảo vệ nhiễm Omicron rất kém trong nhóm tuổi này. Hiệu lực bảo vệ ca nặng (nhập viện) giảm từ 100% xuống 48%.
Với nhóm 12-17 tuổi, hiệu lực bảo vệ nhiễm giảm từ 66% xuống 51%. Hiệu lực bảo vệ ca nặng giảm từ 85% xuống 73%.
Một nghiên cứu lớn hơn của CDC ở 10 tiểu bang trên trẻ em 5-17 tuổi trong giai đoạn 4/2021 tới 1/2022 cho thấy với chủng Omicron, ở nhóm 5-11 tuổi, 2 mũi vắc xin có hiệu lực bảo vệ ca nặng (vào cấp cứu) là 51% trong vòng 2 tháng sau tiêm.
Ở nhóm 12-17 tuổi, hiệu lực này là 34-45% trong vòng 5 tháng sau tiêm và giảm xuống hết hiệu lực sau 5 tháng.
Tuy nhiên, khi tiêm mũi mũi 3, hiệu lực bảo vệ cao nặng ở nhóm 16-17 tuổi tăng trở lại 81%. Không có số liệu mũi 3 cho nhóm 5-11 tuổi và 12-15 tuổi.
Với chủng Delta, ở nhóm 12-17 tuổi, vắc xin có hiệu lực bảo vệ ca nặng 85-92% trong vòng 5 tháng sau tiêm, giảm xuống 77-79% sau 5 tháng.
|
Học sinh tiểu học tại Hà Nội trong ngày trở lại trường. Ảnh: Thạch Thảo.
|
Nghiên cứu khác của CDC ở người 12 tuổi trở lên (cả trẻ em và người lớn) tại 29 khu vực khác nhau ở Mỹ cho thấy người tiêm vắc xin ở mọi lứa tuổi có tỷ lệ nhiễm và tử vong do COVID-19 thấp hơn người chưa tiêm. Ở người lớn, mũi 3 giúp giảm tỷ lệ nhiễm và tử vong so với người không tiêm mũi này.
Đây là những số liệu ban đầu về hiệu lực vắc xin COVID-19 ở trẻ em trên thực địa. Một vấn đề lớn của các nghiên cứu trong giai đoạn này là nhiều trẻ em (như ở Mỹ) chưa tiêm vắc xin đã nhiễm COVID-19 từ trước nên có miễn dịch tự nhiên.
Thứ hai là trẻ đã tiêm vắc xin khi có triệu chứng thường hay được test (do đó dễ phát hiện mắc COVID-19) hơn những bé chưa tiêm.
Cả hai lý do đều dẫn tới sai lệch, làm giảm hiệu lực vắc xin. Điều này có nghĩa các con số về hiệu lực vắc xin có thể là ước lượng thấp hơn thực tế.
Mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn để chắc chắn nhưng các số liệu dường như xác nhận những gì chúng ta thấy ở người lớn với chủng Omicron cũng đúng với ở trẻ em:
- Vắc xin COVID-19 kém hiệu lực bảo vệ nhiễm với Omicron. Vì vậy, nhiều trẻ em tiêm rồi vẫn nhiễm.
- Kể cả với Omicron, vắc xin vẫn có bảo vệ tương đối tốt giúp giảm bệnh nặng ở trẻ em.
- Hiệu lực 2 mũi vắc xin giảm sau một thời gian nhưng mũi 3 giúp nâng hiệu lực lên đáng kể.
- Hiệu lực chống bệnh nặng với chủng Delta ở trẻ em vẫn rất tốt.
Giới y khoa Mỹ khuyến cáo nên tiêm vắc xin cho trẻ em, đảm bảo đầy đủ liều và mũi tăng cường. Điều này giúp giảm khả năng bệnh nặng, vốn là mục tiêu chính của tiêm chủng.
Liều vắc xin thấp ở nhóm 5-11 tuổi có thể là nguyên nhân dẫn tới giảm hiệu lực nhanh biến chủng Omicron và cần thêm nghiên cứu để điều chỉnh liều hoặc phải thêm mũi 3 cho nhóm này.
TS.BS Trần Nam Trung, tốt nghiệp bác sĩ Đa khoa tại Đại học Y Hà Nội, bảo vệ luận án Tiến sĩ ngành Dịch tễ học tại Đại học Tổng hợp California, Los Angeles (Mỹ); sau tiến sĩ tại viện Karolinska, Thụy Điển. Hiện ông là chuyên gia Dịch tễ học - sống và làm việc tại Maryland (Mỹ).
Theo TS.BS Trần Nam Trung/Zing