Hiểm hoạ từ những người không tiêm vắc xin

Google News

Những người không tiêm vắc xin Covid-19 không chỉ gây bất lợi cho sức khoẻ của chính mình, mà còn có thể tạo ra nguy hiểm cho người khác một khi họ mắc bệnh.

Hãng tin CNN dẫn lời Tiến sĩ William Schaffner, giáo sư Khoa Bệnh truyền nhiễm thuộc trường Đại học Vanderbilt, Mỹ cho hay: “Những người không tiêm chủng có thể trở thành các nhà máy sản xuất biến thể. Càng có nhiều người không tiêm chủng thì virus càng có nhiều cơ hội để sinh sôi nảy nở”.
Hiem hoa tu nhung nguoi khong tiem vac xin
 
Virus corona không thể sống sót và phát triển bên ngoài một tế bào sống nên nó cần tế bào đó để tồn tại. Nếu không tiêm phòng, bạn có thể trở thành mục tiêu của virus. Virus sẽ xâm nhập cơ thể bạn và một khi đã vào được bên trong, nó sẽ tạo ra hàng triệu bản sao. Tuy nhiên, quá trình sao chép điên cuồng đó đôi khi bị lộn xộn và các đột biến được sinh ra.
Hàng loạt đột biến mới đã ra đời
Tất cả các loại virus đều có thể bị đột biến, hoặc chí ít là thay đổi và tiến hóa. Hầu hết các thay đổi không thực sự có ý nghĩa đối với virus, thậm chí còn có thể làm cho virus yếu đi. Tuy nhiên, đôi khi sự phát triển của virus lại tạo ra một đột biến ngẫu nhiên mang lại lợi thế cho nó như khả năng lây truyền tốt hơn, sao chép hiệu quả hơn hoặc khả năng lây nhiễm chéo qua nhiều vật chủ.
Andrew Pekosz, nhà vi trùng học đồng thời là nhà miễn dịch học tai trường y tế công John Hopkins Bloomberg nói: “Mỗi khi biến đổi, virus lại có thêm một nền tảng mới để tạo ra nhiều đột biến hơn nữa. Virus không lây lan không thể tạo ra đột biến”.
Các biến thể của virus corona chủng mới hiện đã xuất hiện trên khắp thế giới. Đó là B.1.1.7 (Alpha) được phát hiện lần đầu tiên ở Anh, biến thể B.1.351 (Beta) được tìm thấy ở Nam Phi. Biến thể Delta, hay B.1.617.2, xuất hiện đầu tiên ở Ấn Độ. Một loạt biến thể khác từng xuất hiện ở Mỹ, gồm B.1.427 (Epsilon) ở California, B.1.526 (Eta) được phát hiện đầu tiên ở New York.
Hiem hoa tu nhung nguoi khong tiem vac xin-Hinh-2
Ca nhiễm biến thể Delta xuất hiện ở nhiều nước 
Hè năm ngoái, đột biến D614G đã đi từ châu Âu sang Mỹ và sau đó phổ biến khắp thế giới. Sự thay đổi này làm cho virus tái tạo tốt hơn, từ đó thay thế vị trí của chủng virus ban đầu. Phiên bản này xuất hiện từ trước khi mọi người bắt đầu đặt tên cho các biến thể.
Hầu hết các biến thể mới hơn đã tạo ra thêm các thay đổi cho D614G. Biến thể Alpha hay còn gọi là B.1.1.7 đã trở thành biến thể thống trị ở Mỹ vào cuối mùa xuân nhờ khả năng truyền tải bổ sung. Hiện biến thể Delta còn dễ lan truyền hơn và nó trở thành biến thể thống trị ở nhiều quốc gia, gồm cả Mỹ.
Các thử nghiệm đối với tế bào đường thở của con người trên đĩa Petri cho thấy, Delta tái tạo nhanh hơn nhiều so với các biến thể trước đó. Điều này có nghĩa là số lượng virus ẩn náu trong đường hô hấp của mọi người có thể cao hơn. Mẫu lấy từ mũi và họng của những người tham gia thử nghiệm đã chứng minh điều này. Số lượng virus tìm thấy nhiều hơn so với các biến thể khác.
Vắc xin làm chậm đà lây, giảm ca tử vong
Việc tiêm chủng có thể giúp làm chậm sự lây lan của virus nhưng không thể ngăn chặn hoàn toàn. Các vắc xin ngừa Covid-19 hiện này không ngăn chặn được tất cả các ca lây nhiễm, cũng như không thể ngăn những người đã nhiễm virus truyền nó sang người khác. Tuy nhiên, không thể phủ nhận việc tiêm chủng có tác dụng khiến cho việc lan truyền virus trở nên khó khăn hơn.
Hiem hoa tu nhung nguoi khong tiem vac xin-Hinh-3
Số người đã tiêm chủng (ít nhất một liều), chưa tiêm và sẵn sàng tiêm, chưa tiêm và không chắc có đi tiêm không, không muốn tiêm ở một số nước. 
Tờ The Economist dẫn lời các chuyên gia cho hay, những người đã tiêm phòng Covid-19 bằng vắc xin AstraZeneca và Pfizer, rồi sau đó nhiễm biến thể Alpha, có nguy cơ lây truyền virus chỉ bằng một nửa những người chưa tiêm chủng. Đó là lý do tại sao các bác sĩ và các quan chức y tế công cộng đã hết lòng khuyến khích nhiều người đi tiêm chủng.
Các nghiên cứu của Anh phát hiện, biến thể Delta có khả năng lây truyền cao hơn Alpha khoảng 60%. Khoảng một nửa số người trưởng thành bị nhiễm bệnh trong đợt bùng phát biến thể Delta gần đây ở Israel là những người đã tiêm vắc xin Pfizer.
Tại Anh, nơi phần lớn dân số đã được tiêm phòng và Uganda (chưa có nhiều người được tiêm vắc xin ngừa Covid-19), biến thể Delta có mặt trong hầu hết các ca nhiễm mới. Tình hình tương tự cũng diễn ra ở Australia và nhiều khu vực tại châu Á.
Điều đáng mừng là, theo nghiên cứu về vắc xin của các công ty phương Tây, việc tiêm phòng làm giảm khả năng tử vong và tình trạng bệnh trở nặng ở những người nhiễm virus corona, dù nhiễm bất kỳ biến thể nào.
Khả năng lây truyền của biến thể Delta cùng với việc nới lỏng các hạn chế đã khiến số ca nhiễm ở Anh tăng trở lại. Tuy nhiên, nhờ tiêm chủng, số ca tử vong không tăng. Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí The Lancet, tại Scotland, vắc xin AstraZeneca có hiệu quả tới 60% trong ngăn ngừa bệnh phát sinh từ nhiễm biến thể Delta, trong khi đó, vắc xin Pfizer có khả năng ngăn chặn tới 79%.
Vì thế, theo các nhà khoa học, để mang lại lợi ích sức khoẻ tối đa cho cộng đồng, cần tiêm phòng cho càng nhiều người càng tốt, tới mức virus không còn dễ lây từ người này sang người khác. Tuy nhiên, việc tiêm chủng trên khắp thế giới vẫn còn khoảng trống, tạo không gian cho virus hoành hành.
Hiện nay, sự lây lan của biến thể Delta đang nới rộng khoảng cách giữa những người đã được tiêm chủng và những người còn chưa được tiêm chủng. John Moore, nhà nghiên cứu virus học tại trường y Weil Cornell nói: “Nếu bạn đã tiêm chủng, điều này không làm bạn thay đổi suy nghĩ. Nhưng nếu chưa tiêm phòng, bạn có nhiều nguy cơ nhiễm bệnh hơn”.
Theo Phan Lê/Vietnamnet