Ngày Tết với vô số các món ăn, mọi người dễ thấy ngán ngẩm với các loại thịt, thức ăn nhiều dầu mỡ. Nhiều gia đình thường chuẩn bị vại dưa muối, bắp cải muối, củ hành muối… ăn Tết cho đỡ ngán.
|
Ảnh minh họa. |
Nhà nào thiếu đi vại dưa, vại hành dường như thiếu đi một vị của ngày Tết. Vì thế mà dân gian vẫn có câu “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” như một cách thể hiện sự kết hợp thú vị này.
Dưa muối chứa rất nhiều vi khuẩn có lợi, giúp chúng ta dễ tiêu hóa bánh chưng, thịt mỡ... nhờ có men lactic giúp bạn ăn ngon miệng hơn.
Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Cường - Chuyên khoa Nội, Bệnh viện Bạch Mai cũng cho hay, khi chúng ta ăn dưa, cà muối là ăn chất chua, tức axit vào dạ dày gây tăng dịch, nồng độ axit, gây viêm, sau đó là loét dạ dày. Tuy nhiên, quá trình này chỉ xảy ra khi chúng ta ăn dưa cà muối trường kỳ với số lượng lớn, còn ăn ít sẽ không sao.
Về thông tin ăn dưa cà muối gây ung thư, bác sĩ Cường nói: “Đã có tài liệu nói về việc gây ung thư đại tràng khi ăn dưa cà muối song thực chất vẫn chưa có báo cáo và thống kê chính thức về việc này. Chúng tôi chỉ khuyến cáo các bệnh nhân có bệnh lý viêm loét dạ dày, tá tràng nên hạn chế ăn món ăn này chứ không cấm”.
Tuy nhiên việc ăn dưa muối ngày Tết không đúng cách có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Bản chất dưa muối không gây ngộ độc. Việc ăn dưa muối bị ngộ độc vì dưa muối là sống nên có thể nguyên nhân là do dưa bị phun thuốc trừ sâu. Do đó ta có thể bị ngộ độc hóa chất trừ sâu. Ngoài ra, dưa bị muối khú, hoặc muối xổi chưa chín sẽ không tốt cho sức khỏe của người dùng, có thể gây ung thư.
Để tránh các nguy cơ khi ăn dưa muối, ngày Tết cũng nên ăn chừng mực. Những người mắc bệnh tim, cao huyết áp, bệnh thận, bệnh gan, viêm loét dạ dày thì không nên ăn dưa muối chua vì chúng chứa hàm lượng muối nhiều, men tiêu hóa cao, có thể gây ra những biến chứng bất lợi.
Theo An Nhiên/Khỏe & Đẹp