Hiện nay, có rất nhiều bậc phụ huynh khi thấy con bị rôm sẩy, mẩn ngứa thường nghe theo kinh nghiệm dân gian, đun các loại lá: tía tô, lá mùi, trà xanh… lấy nước tắm cho con. Việc tắm cho con bằng các loại lá cây, nếu không đúng cách hoặc không phù hợp trong từng trường hợp có thể gây nhiễm khuẩn cho làn da của bé.
Như báo ANTĐ đã đưa tin, sau hơn 1 tuần được mẹ cho tắm đủ các loại lá cây không rõ nguồn gốc, bé Nình Xuân T (32 ngày tuổi, dân tộc Sán Chỉ, ở huyện Đầm Hà, tỉnh Quảng Ninh) được đưa vào viện trong tình trạng tổn thương da chảy mủ, mắt chảy dử vàng nhiều, đóng vảy toàn thân…
|
Bé T nhập viện trong tình trạng tổn thương da toàn thân |
Theo lời kể của gia đình, khi thấy trẻ bị mẩn ngứa, nổi mụn đỏ rải rác trên da, gia đình không đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán bệnh, mà cho trẻ tắm các loại lá cây theo truyền miệng, nhưng sau một tuần tình trạng của bé không đỡ mà còn tổn thương nặng nề hơn.
Qua thăm khám lâm sàng tại bệnh viện, các bác sĩ chẩn đoán bé T bị viêm da mụn mủ, viêm kết mạc mắt. Hiện tại, bé T bị viêm da rất nặng, hai bên mặt, toàn thân bong tróc thành cả mảng lớn nhìn rất đáng sợ.
Các chuyên gia khuyến cáo, việc tắm bằng lá cho trẻ để tránh rôm sẩy, mẩn ngứa là không khoa học, đôi khi còn khiến cho tình trạng bệnh ở trẻ nặng hơn. Đặc điểm, làn da của trẻ khi mới sinh không phù hợp với những loại lá mà kinh nghiệm dân gian truyền lại.
Việc dùng lá tắm cho trẻ có thể phá vỡ cấu trúc của làn da của trẻ, và tiềm ẩn những loại vi khuẩn, vi sinh vật gây bệnh.
Ẩn họa từ tắm lá
Nhiều cha mẹ theo quan niệm dân gian truyền lại tắm lá cây lành và mát, không gây hại, lại có tác dụng diệt khuẩn, không hóa chất nên an toàn cho da của trẻ. Điều này là hoàn toàn sai lầm.
Da trẻ nhỏ rất mỏng, cấu trúc chưa ổn định nên rất dễ bị tổn thương, dị ứng và nhiễm trùng. Đa phần các bệnh về viêm da ở trẻ sơ sinh là do vi khuẩn tấn công từ bên ngoài. Trong khi đó các loại lá do mọc ở bờ bụi, ven đường, bờ ruộng bị nhiễm khuẩn, thậm chí là có thuốc bảo vệ thực vật rất khó rửa sạch, kể cả khi đun sôi thì mầm bệnh chưa hẳn được tiêu diệt hết.
Theo thầy thuốc nhân dân Nguyễn Xuân Hướng, việc tắm lá (tắm thuốc) cho trẻ nhỏ chỉ được dùng khi có bệnh và phải theo chỉ định của bác sĩ, cha mẹ không nên tự ý mua các loại lá về tắm cho con. Tùy từng cơ địa của trẻ mà có thể tắm các loại lá khác nhau.
|
Rất nhiều loại lá được các mẹ tắm cho trẻ nhưng không biết chúng lại gây hại cho trẻ. |
Theo dân gian một số loài cây cỏ được dùng vào một mục đích riêng. Chẳng hạn: sài đất, lá chè tươi, kinh giới, cỏ mần trầu được dùng để tắm khi bé bị mụn kê; cây nhọ nồi, hoa cứt lợn, rau chân vịt lại được dùng để tắm cho những trẻ nào bị ghẻ lở; các loại lá có hương thơm như lá mùi tươi, lá chanh, hạt mùi được tắm để giúp bé thơm tho hơn; với những trẻ bị rôm sẩy, nổi mẩn ngứa thì dùng lá trà xanh để tắm hàng ngày; hoặc như để da bé trắng trẻo, hồng hào, nhiều người còn tắm cả nước dừa hoặc nước chanh…
Ngay cả lá bàng, chè xanh mà nhiều phụ huynh hay tắm cho trẻ cũng không hề tốt, có thể khiến trẻ mắc bệnh. Vì trong hai loại lá này có chất ta nanh (chất chát) dễ làm cho da em bé bị tổn thương. Ngoài ra, có những loại như trúc đào, lá bạch hoa trà thiết thảo tuyệt đối không được dùng tắm cho trẻ vì chúng chứa chất độc có thể gây viêm da, nhiễm trùng nặng.
Những cách tắm lá này có thể hiệu quả theo cách nhìn nhận của một số người. Tuy nhiên, thực tế lại ghi nhận không ít trường hợp nhập viện vì nhiễm trùng da do tắm lá. Các ca nặng thậm chí còn để lại di chứng suốt đời cho trẻ và dẫn đến tử vong.
Những lưu ý khi tắm lá cho trẻ?
Để tránh những tổn thương cho da của trẻ, mẹ chỉ nên tắm cho trẻ bằng nước đun sôi để nguội. Tuy nhiên, khi tắm cho trẻ các mẹ phải hết sức lưu ý:
ảnh 3Nên tắm cho trẻ bằng nước đun sôi để nguội nhằ tránh những tổn thương cho da của trẻ.
- Pha nước có nhiệt độ vừa phải để bé tắm. Nhiệt độ nước tắm dao động từ 36–38 độ C là phù hợp.
- Chỉ nên tắm cho trẻ dưới 1 tuổi từ 3-4 lần/tuần. Nếu mẹ cho trẻ tắm hàng ngày, làn da mỏng manh, nhạy cảm của con có thể bị tổn thương.
- Sau khi tắm, mẹ phải lau khô hết nước dính trên người bé, đặc biệt ở những vùng da có nhiều nếp gấp (khuỷu tay, bẹn, nách, cổ...).
- Sử dụng khăn tắm ủ ấm trẻ để tránh nguy cơ bé bị nhiễm lạnh.
Tuy nhiên, khi các mẹ muốn tắm lá cho trẻ, để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, nên hỏi thêm ý kiến của các bác sĩ Đông y, để biết loại lá nào phù hợp cho trẻ cũng như liều lượng dùng, mỗi lần tắm là bao nhiêu để dùng cho đúng. Trong đó bao gồm cả kỹ thuật pha nước và quy cách tắm.
Khi muốn tắm cho trẻ bằng nước dừa, các mẹ có thể dùng cách này mỗi tuần một lần. Nên nhớ dội lại cho bé bằng nước ấm (khoảng 36 - 38 độ C) trước khi lau khô để tránh vi khuẩn.
Một chút nước chanh pha loãng cũng giúp da bé sạch mát hơn, đồng thời phòng chống rôm sẩy. Lưu ý, chỉ một vài giọt nước cốt chanh cũng đủ để tác động đến da trẻ vì vậy, việc lạm dụng có thể khiến chất axit có trong chanh làm da trẻ bị tổn thương.
Một số loại lá, quả trong dân gian có thể mang lại tác dụng với làn da bé nếu mẹ chắc chắn về nguồn gốc sử dụng. Để cẩn thận, bạn nên rửa từng lá trực tiếp dưới vòi nước, trước khi đem nấu hãy ngâm trước trong nước muối hoặc thuốc tím. Khi lấy nước tắm cho bé hãy gạn sạch cặn bẩn và lọc lấy phần nước trong để tắm.
Để tránh mang lại phiền phức cho trẻ, thậm chí là những di chứng suốt đời, mẹ nên cho trẻ tắm theo quy trình chuẩn bằng nước ấm thông thường, không nên dùng lá pha nước tắm cho trẻ một cách tùy tiện. Nếu thấy da bé nổi mẩn đỏ bất thường và có dấu hiệu lan trên diện rộng nên đưa bé đến khám da liễu nhi để được điều trị kịp thời.
Theo Nguyễn Thủy/ANTĐ