Cô Lưu, 34 tuổi (Quảng Châu, Trung Quốc) dạo gần đây liên tục thấy ngứa, đau mắt. Soi gương, cô thấy mắt mình cũng chuyển màu đỏ nên rất sốt ruột, đến bệnh viện kiểm tra.
Qua kính hiển vi, bác sĩ phát hiện rất nhiều trứng và rận mu làm tổ trên mi mắt Lưu. Ngay lập tức, cô được gây tê tại chỗ. Các bác sĩ đã dùng nhíp lấy ra tổng cộng 17 con rận.
|
Bị rận mu làm tổ, ký sinh trên mi, cô gái ngứa, đau mắt liên tục. Ảnh minh họa. |
Về trường hợp rận ký sinh trên mi mắt, bác sĩ cho biết rận mu là một loại rận có kích thước từ 1-3mm. Chúng thường được tìm thấy gần các bộ phận riêng tư nên được gọi là rận mu.
Triệu chứng khi bị rận mu là ngứa, thường ngứa sau khoảng 5 ngày nhiễm bệnh. Bạn có thể bị rận mu kí sinh khi lây truyền qua đường tình dục, tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp.
Về lây truyền qua đường tình dục, nếu một trong hai người có rận, chúng sẽ nhanh chóng lây sang đối phương. Chính vì vậy, cần tiến hành điều trị ở cả hai.
Về lây lan trực tiếp, các bác sĩ nhấn mạnh việc nằm chung giường với người bị rận mu cũng có thể bị lây. Do đó, cố gắng vệ sinh thật sạch sẽ khi người nhà bị rận ký sinh.
Về lây gián tiếp, chuyên gia sức khỏe cho rằng rận mu ký sinh ở lông, tóc. Khi lông tóc rụng xuống, rận sẽ có khả năng lây sang những người khác. Điều này giải thích vì sao dùng chung bồn cầu, khăn tắm, quần áo... với người có rận sẽ dễ dàng bị nhiễm.
Điều đáng nói, rận mu không chỉ sống ở những vùng kín. Chúng có thể sinh sống bất kỳ nơi nào trên cơ thể miễn là có lông như mi mắt, lông mày, râu...
Khi nhiễm rận, cần tiêu diệt triệt để cả rận lẫn trứng, tránh lây chéo cho người khác. Tốt nhất, nên tiến hành cạo sạch lông vùng bị tổn thương rồi bôi thuốc đặc trị.
Các vật dụng như quần áo, ga trải giường và các vật dụng người bệnh nên được đun sôi, khử trùng. Tránh quan hệ trong quá trình điều trị.
Trường hợp mí mắt nhiễm rận mu, bạn có thể sử dụng thuốc mỡ bôi ngoài. Nên bôi vào ban đêm để tránh làm cay mắt.
Định Tâm (Theo Sohu)