Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Lộc, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), cho biết đơn vị này đang điều trị cho 2 trẻ bị ngộ độc nấm.
Hai bé được chuyển đến từ bệnh viện ở Tây Ninh ngày 9/6. Theo bác sĩ Lộc, thời điểm tiếp nhận, em hôn mê, bệnh lý não gan độ 3, men gan của bé cao xấp xỉ 16.000 U/L (bình thường khoảng 40 U/L).
Ngay lập tức, bác sĩ hỗ trợ cho thở máy, lọc máu liên tục, thay huyết tương, truyền thuốc hỗ trợ gan, chống phù não. May mắn, bé đáp ứng điều trị tốt. Hiện bệnh nhi cai được máy thở, ngưng lọc máu, tri giác cải thiện hơn, ăn uống qua thông dạ dày, men gan giảm còn xấp xỉ 100 U/L.
Trường hợp ngộ độc nấm khác là bé gái 22 tháng tuổi, cũng được bệnh viện Tây Ninh chuyển đến với tình trạng tương tự và đang được tích cực theo dõi.
Loại nấm khiến hai bệnh nhi ở Tây Ninh bị ngộ độc sau khi ăn có chóp tròn màu vàng. Theo chia sẻ của gia đình, đây là loại nấm khá phổ biến ở địa phương.
|
Loại nấm trứng gà mà hai trẻ ở Tây Ninh đã ăn. Ảnh: Nguyễn Tâm.
|
Ngoài ra, bác sĩ Lộc cũng cho biết bé trai 12 tuổi (ngụ Đồng Nai), nhập Bệnh viện Nhi đồng 2 với chẩn đoán ngộ độc Gyrommitrin do ăn nấm mọc từ xác ve sầu, đã hồi phục tích cực và được xuất viện.
Trước đó, bé trai này mang nấm mọc từ xác ve sầu phía sau rẫy vào chế biến và ăn cùng mẹ.
Khoảng một giờ sau, người nhà phát hiện cả hai mẹ con bị đau bụng quặn từng cơn, chóng mặt, nôn ói ra thức ăn cũ. Khi được chuyển đến TP.HCM, trẻ hôn mê, tổn thương gan, thận.
May mắn, sau gần 10 ngày được điều trị tích cực, chức năng gan, thận và tri giác của em đã tiến triển tốt và được cho ra viện.
Thông tin từ gia đình của các bệnh nhi này, loại nấm các em ăn đã phổ biến tại địa phương, được người dân ở đây thu hái và sử dụng làm các món cháo, xào với mướp...
Liên tiếp tiếp nhận các trường hợp ngộ độc do nấm, Bệnh viện Nhi đồng 2 khuyến cáo phụ huynh cần thận trọng khi sử dụng, chỉ nên tiêu thụ các loại nấm quen thuộc để đảm bảo an toàn cho con trẻ và gia đình.
Riêng về các trường hợp ngộ độc Gyrommitrin vì ăn phải nấm ký sinh trên xác ve sầu, bác sĩ chuyên khoa II Vũ Hiệp Phát, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết vào mùa mưa, nấm độc Gyrommitrin ký sinh trên thân ve sầu đâm chồi, phát triển.
Nhiều người lầm tưởng với các loại nấm thông thường hay như đông trùng hạ thảo, nên mang về chế biến thành thực phẩm, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, thậm chí tử vong.
Đặc biệt, ngộ độc Gyrommitrin hiện chưa có thuốc đặc trị, phụ huynh cần tránh sử dụng các loại nấm hình thù lạ, chưa thông dụng trên thị trường để đảm bảo an toàn, tránh sự cố đáng tiếc.
Theo Bích Huệ/Zingnews.vn