BV Bệnh Nhiệt đới TP HCM cho biết, Phi công Anh nhiễm COVID-19 phải thở máy khí quản, chạy ECMO và lọc máu. Anh phải dùng kháng sinh, kháng nấm và dẫn lưu màng phổi. Với tình trạng cả hai phổi đều đông đặc kéo dài, bác sĩ lo ngại phổi trở thành ổ dịch để vi khuẩn sinh sôi mạnh trong cơ thể bệnh nhân.
Vì vậy, việc sử dụng máy thở lúc này không còn hiệu quả, hiện phụ thuộc hoàn toàn vào tim phổi nhân tạo (ECMO).
|
Bệnh nhân 91 hai phổi đã đông đặc
|
Đây là bệnh nhân COVID-19 nặng nhất hiện nay, quá trình điều trị từ ngày nhập viện rất phức tạp, thất thường. Tính tới ngày 9/5, bệnh nhân vẫn đang có kết quá xét nghiệm nhiều lần âm tính với virus corona nhưng sau đó lại dương tính trở lại.
Hội đồng chuyên môn cho biết, hệ miễn dịch của bệnh nhân 91 phản ứng quá mức khi bị virus SARS-CoV-2 tấn công, khiến cơ thể tiết ra nhiều chất cytokine chống lại chính cơ thể, gây ảnh hưởng nội tạng. Hiện tượng này y học gọi là hội chứng giải phóng cytokine hay cơn bão cytokine nhưng không thể lý giải được nguyên nhân.
Do bệnh nhân kháng toàn bộ các loại thuốc rối loạn đông máu đang được dùng trong nước, Bộ Y tế đã phải đặt mua thuốc hiếm từ nước ngoài để điều trị cho nam bệnh nhân này. Sáng nay, Bộ Y tế, BV Chợ Rẫy và BV Việt Đức hội chẩn về vấn đề ghép phổi cho bệnh nhân.
Được biết, toàn bộ chi phí điều trị cho bệnh nhân 91 được Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM chi trả. Đến nay, chi phí đã hơn 4 tỷ đồng. Bệnh nhân tiếp tục được thở máy, lọc máu, kháng sinh, kháng nấm và phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO. Tiên lượng còn rất nặng và Việt Nam đang dốc hết sức cứu chữa.
>>> Xem thêm video: Tại sao bệnh nhân COVID-19 dương tính trở lại?
Trung Vương