Vợ tên Rồng, chồng tên Mây
Buổi tối, vợ chồng chị Nguyễn Thị Rồng (SN 1988) và anh Đặng Văn Mây (SN 1989, huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) ngồi cạnh nhau trò chuyện và ngắm các con chơi đùa.
Sau bao năm bôn ba mưu sinh, gia đình chị Rồng cuối cùng cũng được sum họp, sinh sống ở quê nhà. Dù cảnh nhà không khá giả nhưng anh chị cảm thấy đủ và hạnh phúc.
Vợ chồng chị Rồng có 3 người con.
Với người dân ở quê chị Rồng, gia đình chị thật đặc biệt, khác lạ từ tên của anh chị đến vẻ ngoài của 3 người con.
Chị Rồng sinh ra trong một gia đình đông con ở tỉnh Bạc Liêu. Anh chị em của chị được cha mẹ đặt tên rất bình thường. Đến lượt chị, cha mẹ lấy tên linh vật của năm chị sinh để đặt tên.
Ngày nhỏ, chị đoán cha mẹ sinh nhiều con, không nghĩ ra được tên mới nên đặt tên mình theo tuổi. Lớn lên, chị hỏi thì cha mẹ trả lời: “Đặt tên theo tuổi thì người ta kêu tên sẽ biết được tuổi, khỏi phải hỏi nhiều lần”.
Chị bật cười trước lý giải của cha mẹ và không bao giờ thắc mắc nữa. Tuy nhiên, nhiều người tò mò xen lẫn sửng sốt mỗi khi nghe tên của chị. Thông thường, họ sẽ hoài nghi và hỏi thêm vài lần nữa.
Duyên số đưa đẩy, chị Rồng kết hôn với anh Mây. Tên của anh chị ghép lại thành Rồng Mây càng khiến nhiều người ngạc nhiên.
Cũng như vợ, anh Mây là người con có tên khác lạ nhất trong gia đình. Anh không rõ ý nghĩa mà cha mẹ gửi gắm vào tên. Nhưng, anh rất yêu thích “món quà đầu đời” mà cha mẹ ban tặng.
Nhà anh Mây ở Sóc Trăng, còn chị Rồng ở Bạc Liêu. Tuy khác tỉnh nhưng hai nhà thuộc vùng giáp ranh, cách nhau chỉ vài cây số.
Tuổi đôi mươi, chị Rồng đi làm thuê, có dịp kết giao với bạn bè trong vùng. Lần đó, mấy người bạn kể với chị về chàng trai tên Mây ở Sóc Trăng, còn bạn bè anh Mây cũng nhắc đến chị Rồng.
Tò mò về tên của nhau, anh chị đồng ý cho bạn bè “dắt đi gặp mặt”. Từ đó, anh chị có dịp tìm hiểu và nảy sinh tình cảm. Ngày cưới, khách mời hào hứng đến tham dự chỉ để chứng thực tên cô dâu, chú rể.
Ba người con đặc biệt
Chị Rồng từng nghĩ sự trùng hợp của tên hai vợ chồng đã là điều đặc biệt nhất. Nhưng không, những điều bất ngờ vẫn tiếp diễn với gia đình chị.
Sau đám cưới, chị Rồng mang thai con đầu lòng. Trong thai kỳ, chị cũng như bao thai phụ ở quê chỉ thăm khám qua loa. Ngoài vài lần siêu âm định kỳ, chị không tiến hành các xét nghiệm kiểm tra khác.
Ngày con trai chào đời, vợ chồng chị cùng người thân một phen “hết hồn”. Da và lông tóc, chân mày… của em bé đều trắng toát.
3 người con của chị Rồng đều bị bệnh bạch tạng.
Chị Rồng kể: “Trước tiên, tôi thấy mừng vì con chào đời bình an, đầy đủ tứ chi. Nhưng làn da, mái tóc trắng của con khiến tôi và người thân chưng hửng.
Thời đó, y bác sĩ ở nơi tôi sinh con chưa gặp trường hợp trẻ bị bạch tạng. Lần đầu chứng kiến, họ cũng như chúng tôi đều rất bối rối, liên tục hỏi nhau tại sao em bé trắng tươi vậy”.
Sau đó, vợ chồng chị tìm hiểu thì biết con trai mắc bệnh bạch tạng. Đồng thời, các bác sĩ cũng hướng dẫn anh chị cách chăm sóc bé.
Mỗi ngày trôi qua, chị Rồng phát hiện thêm những biểu hiện đặc trưng của căn bệnh bạch tạng. Lúc đầu, chị thấy con trai nhắm mắt liên tục như đang ngủ. Chị thử đưa tay che mặt con thì em bé lại mở mắt ra.
Thì ra giường bệnh của chị nằm kế cửa sổ, thường xuyên có nắng chiếu vào. Mắt của em bé bị bạch tạng rất kém, sợ ánh sáng mặt trời.
Không chỉ vậy, làn da của bé rất nhạy cảm, đi nắng nhiều dễ dẫn đến ung thư da. Mỗi lần ra ngoài, chị Rồng cho con mặc áo khoác, thoa kem chống nắng, đội nón, đeo kính râm.
2 bé gái song sinh rất xinh xắn, đáng yêu.
Nỗi khổ lớn nhất của vợ chồng chị Rồng không đến từ căn bệnh của con. Chính sự đàm tiếu của xóm làng khiến họ buồn bã và mệt mỏi.
“Ở quê tôi, người ta ít tiếp xúc bên ngoài, có người đến già vẫn không biết đến bệnh bạch tạng. Lúc tôi sinh con trai, nhiều người đặt câu hỏi, nghi ngờ em bé có phải con tôi hoặc có phải con anh Mây hay không?
Anh Mây không bao giờ có suy nghĩ hoài nghi và tôi cũng thế. Tôi biết bé chính là con mình”, chị Rồng tâm sự.
Áp lực trước lời dị nghị và cảnh nhà khó khăn, anh chị dắt con trai 3 tuổi đến tỉnh Bình Dương mưu sinh. Tại đây, họ làm công nhân và gửi con vào nhà trẻ.
Lúc bé 5 tuổi, anh chị gửi con về quê nhờ ông bà nội chăm sóc. Hàng tháng, họ đều đặn gửi tiền lo cho con ăn uống, học hành.
Suốt thời gian đó, vợ chồng chị Rồng luôn mong muốn sinh thêm con. Thế nhưng, nỗi lo đứa con kế tiếp mắc bệnh bạch tạng khiến họ phân vân, lo sợ.
Con trai đầu được 8 tuổi, anh chị quyết định sinh thêm. Hai người động viên nhau, đặt lòng tin đứa con sau sẽ khỏe mạnh. Anh Mây rất thích con gái. Khi biết vợ mang song thai con gái, anh vui mừng khôn xiết.
Đầu năm 2019, chị Rồng về quê sinh con. Ngày chị chuyển dạ, anh chị vô cùng háo hức, tim như trống đánh liên hồi. Cả hai lo lắng “không biết con sinh ra trắng hay đen”.
“Khi bác sĩ bảo 'ủa sao em bé trắng tươi vậy?', cảm xúc của tôi rất khó tả, vừa vui vừa tuyệt vọng. Lần mang thai này, tôi thực hiện các xét nghiệm sàng lọc rất kỹ nhưng vẫn không phát hiện bất thường”, chị Rồng kể.
Dù vậy, với kinh nghiệm đã có, vợ chồng chị Rồng chỉ thở dài rồi tiếp tục hành trình chăm sóc 2 cô con gái đặc biệt.
Các bé có vẻ ngoài rất đặc biệt. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Nếu lần sinh đầu của chị nhận nhiều lời dị nghị từ xóm làng thì việc 2 bé gái bạch tạng như cởi bỏ nút thắt trong lòng mọi người. Họ không còn hoài nghi, chuyển sang đồng cảm, yêu thương gia đình Rồng Mây.
Vợ chồng chị Rồng không còn mặc cảm như trước. Họ tự hào về 3 người con có vẻ ngoài khác thường nhưng cực kỳ kháu khỉnh, thông minh.
Theo Ngọc Lài/Vietnamnet