Tuần vừa rồi, tôi về nhà bạn trai chơi, bố mẹ anh ấy đón tiếp tôi rất nhiệt tình. Trong bữa cơm hai bác đều muốn chúng tôi cưới sớm, bởi cả hai đều đã lớn tuổi. Anh Tuấn chốt hạ một câu là sẽ cưới sau Tết và bảo bố mẹ tìm ngày tốt để tổ chức.
Sau khi rửa bát xong, tôi lên nhà thì nghe thấy cuộc cãi nhau rất lớn của hai bố con Tuấn. Đứng ngoài cửa, tôi dần hiểu ra được câu chuyện của hai người. Thì ra ngôi nhà mà Tuấn mua, tôi mới chuyển đến sống chung từ tháng trước là tiền của bạn trai tôi bỏ ra nhưng người đứng tên lại là bố anh ấy.
Bây giờ bố anh ấy muốn cậu em trai đến sống cùng cho tiện đi làm. Tuấn cũng đồng ý cho em trai đến sống và bảo bố sang tên sổ đỏ cho anh đứng tên. Thế nhưng bác trai không chịu sang tên mà nói là nhà của hai bác ấy.
Bởi hai bác đã bỏ tiền ra nuôi và chu cấp ăn học cho Tuấn, giờ anh phải có nghĩa vụ trả lại. Nhìn Tuấn bất lực yếu thế trước những lời nói vô lý của bố anh mà tôi thất vọng vô cùng.
Ảnh minh họa.
Buổi tối, khi chúng tôi quay về nhà, Tuấn bảo mua ngôi nhà 3 tỷ, còn thiếu có 200 triệu bố anh ấy bỏ ra. Khi đó bố Tuấn nói muốn được đứng tên trong sổ đỏ nhà ở thành phố cho oai với họ hàng. Chiều lòng bố, Tuấn đã để ông đứng tên nhưng bây giờ nghe cách bố nói chuyện như thể nhà của ông nên anh rất khó chịu.
Tuấn muốn đòi lại thì bố không chịu và nhận đó là nhà của ông. Tuấn nói nếu sau này không đòi lại được ngôi nhà đó tôi có trách anh ấy không?
Tôi bảo: “Anh bỏ tiền ra mua nhà, sao có thể dễ dàng để bố chiếm hữu được, anh phải đòi lại bằng mọi giá chứ?”.
Tuấn bảo nếu đòi được nhà xong mà tình bố con anh không còn nữa thì đòi làm gì. Thôi coi như là tặng bố ngôi nhà, sau này coi như không còn nợ nần với bố mẹ nữa.
Tích cóp nửa đời người mới có được số tiền lớn đó mua nhà, vậy mà bạn trai tôi lại dễ dàng buông bỏ thế sao? Phải chăng anh quá nghe lời bố mẹ, tôi thật sự không biết có nên tiếp tục yêu anh ấy nữa không đây?
* Tiêu đề bài viết đã được biên tập lại
Theo V.A/ Công lý và Xã hội